Giữ ký ức với nghề đan nôi

Bên cạnh nghề làm nón, nghề đan nôi vốn đã có từ lâu và đến nay công việc này vẫn lặng lẽ tồn tại, nối tiếp qua nhiều thế hệ, dẫu trải qua bao thăng trầm ở Huế. “Chúng tôi đan nôi không chỉ mưu sinh mà còn giữ nghề truyền thống, giữ những ký ức thời thơ ấu được lớn lên trong tiếng ầu ơ của mẹ”, ông Trần Văn Thành (71 tuổi, đường Lê Duẩn, TP Huế), chia sẻ.
Hai vợ chồng ông Thành vẫn quyết mưu sinh với nghề đan nôi mây.
Hai vợ chồng ông Thành vẫn quyết mưu sinh với nghề đan nôi mây.

Nghệ thuật từ đôi tay khéo

Hình ảnh người thợ già ngồi bên hiên nhà, với từng cọng tre, từng sợi mây dưới bàn tay khéo léo để đan chiếc nôi đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Đôi tay thanh thoát, uyển chuyển, ông Thành vừa hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của chiếc nôi, vừa kể chuyện về cái nghề đã gắn bó gần như cả đời.

Để làm nên một cái nôi phải bắt đầu từ việc chọn nguyên liệu. Những cây mây được chọn phải nằm trong độ tuổi trưởng thành, không quá già cũng không quá non để bảo đảm tính dẻo dai. Mây sau khi thu hoạch phải trải qua quá trình xử lý kỹ lưỡng. Từng sợi mây được vót mỏng, ngâm nước cho mềm và phơi khô dưới nắng để đạt được độ dẻo cần thiết. “Làm nôi phải tinh tế từ lúc chọn nguyên liệu. Mây non thì dễ gãy, mà mây già quá thì cứng, khó uốn vành và đan”, ông Thành vừa nói nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt đan những sợi mây mềm mại vào nhau.

Ngoài bước chọn nguyên liệu, để hoàn thành một chiếc nôi cần trải qua nhiều công đoạn, từ đan khung, đan lưới đến việc làm lót và làm đẹp cho nôi. Khung nôi được uốn cong từ những thanh mây chắc chắn, vừa bền bỉ vừa cân đối tạo nên sự thẩm mỹ và an toàn. Phần lưới nôi, nơi em bé nằm đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất. Từng sợi dây mây nhỏ được đan chặt nhưng mềm mại, tạo thành một tấm lưới thoáng khí, êm ái.

Chiếc nôi sau khi hoàn thiện thường được quét một lớp dầu mây tự nhiên để tăng độ bền và bóng đẹp. Những chiếc nôi thành phẩm không có nhiều họa tiết cầu kỳ nhưng lại mang trong mình sự giản dị, mộc mạc nét đặc trưng của vùng đất cố đô.

“Nôi mây là tuổi thơ của bao lứa trẻ em ở Huế. Ngày xưa hầu hết gia đình nào cũng có một cái nôi. Đến thăm ngôi nhà, bước vào nhìn thấy cái nôi là thấy có một tổ ấm”, ông Thành nói.

Dần bị mai một

Hình ảnh những chiếc nôi treo trên trần nhà đưa trẻ nhỏ vào giấc ngủ ngon sau câu ru của bà, của mẹ đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa làng quê ở Huế. Nghề đan nôi từng phát triển cực thịnh ở nơi đây, là kế sinh nhai của hàng chục hộ gia đình ở xóm đan nôi đường Lê Duẩn.

Bà Trần Thị Vui (74 tuổi), người có kinh nghiệm hơn 60 năm trong nghề đan nôi kể lại: “Ngày xưa cả xóm nhà nào cũng làm nôi, cứ mỗi sáng là thuyền bè tấp nập bên sông Hương để đưa cây mây từ vùng núi về cũng như chuyển nôi đi các nơi khác để bán. Xóm không có điện nhưng nhà nhà vẫn chong đèn dầu làm việc hăng say”.

Thế nhưng những hình ảnh về thời phồn thịnh của nghề đan nôi đến nay chỉ còn trong dĩ vãng. Công nghiệp phát triển, những chiếc nôi điện xuất hiện càng nhiều chiếm lĩnh thị trường bởi sự tiện lợi và giá cả. Bên cạnh đó, một số gia đình trẻ giờ nuôi chăm con theo các phương pháp tây hóa, không còn chọn những chiếc nôi thủ công như trước.

Không chỉ cạnh tranh về giá cả, sự tiện lợi, những sản phẩm công nghiệp còn thắng thế hơn về tốc độ sản xuất. Nếu như một chiếc nôi mây cần đến vài ngày để hoàn thiện thì nôi công nghiệp có thể được sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn còn đó những người thợ gắn bó lâu đời và kiên trì với nghề như ông Thành, bà Vui. Với họ, đan nôi không chỉ vì tiền, mà còn là tình yêu đối với nghề, với những giá trị văn hóa mà nôi mây mang lại. “Nôi đưa bằng tay, lực nặng hay nhẹ tùy vào tâm trạng người ru nên nôi mây so ra vẫn lành tính, mát, thoáng khí, không ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, những năm gần đây tụi tui đã linh hoạt biến hóa chiếc nôi cho phù hợp. Chiếc nôi treo 4 dây trên mái nhà ngày xưa được thay bằng giá gỗ móc vừa gọn vừa vững trên sàn”, ông Thành cho biết.

Cuộc sống hiện đại, ít gia đình còn gắn bó với những lời ru mà được thay bằng những bài hát có sẵn từ tivi, điện thoại. Những chiếc nôi cũng được thay thế bằng những sản phẩm giường, đệm tiện lợi khác. Tuy nhiên nghề đan nôi mây ở phía tây TP Huế vẫn được duy trì một cách âm thầm mà bền bỉ từ tình yêu, sự nhiệt huyết của chính những người làm nghề. “So với xưa thì không bằng nhưng hàng làm ra vẫn bán được nên tui quyết theo nghề tới cùng”, ông Thành cười hiền chia sẻ.