Quan điểm của các nước về tiền kỹ thuật số

Tỷ lệ dân số thế giới sở hữu tiền kỹ thuật số năm 2021 đạt mức trung bình 3,9% và được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Sau khi El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp, nhiều nước đã “cởi mở” hơn với loại tiền mã hóa này, song phần lớn các nước trên thế giới vẫn phản ứng dung hòa, thận trọng. 

Mô hình thành phố Bitcoin thu nhỏ ở El Salvador. Ảnh: GETTY
Mô hình thành phố Bitcoin thu nhỏ ở El Salvador. Ảnh: GETTY

“Miền đất hứa” của Bitcoin

Tháng 9/2021, El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận tiền mã hóa Bitcoin là tiền tệ hợp pháp trong giao dịch, sau khi Quốc hội nước này thông qua Luật Bitcoin vào ngày 9/6/2021. Theo luật này, Bitcoin được sử dụng hợp pháp, không giới hạn trong bất kỳ giao dịch nào, việc trao đổi giữa Bitcoin và USD được thiết lập tự do bởi thị trường. El Salvador xem tiền mã hóa là công cụ giảm chi phí chuyển kiều hối và mở ra cơ hội phát triển cho nền kinh tế El Salvador, trước đó vốn chỉ dùng đồng USD là phương tiện trao đổi duy nhất. Chi phí chuyển tiền kiều hối về nước của El Salvador ước tính lên đến 400 triệu USD/năm.

Chính phủ El Salvador cũng đã công bố kế hoạch xây dựng “thành phố Bitcoin” đầu tiên trên thế giới với nguồn vốn đầu tư được huy động từ việc phát hành một tỷ USD trái phiếu Bitcoin. Tổng thống Nayib Bukele gọi loại trái phiếu sắp phát hành là “trái phiếu núi lửa”, bởi Chính phủ El Salvador sẽ sử dụng nguồn năng lượng địa nhiệt của núi lửa Conchagua để phát triển thành phố nói trên. Thành phố với đầy đủ các chức năng như khu dân cư, trung tâm thương mại, nhà hàng, công viên giải trí và hệ thống giao thông dự kiến được quy hoạch tại phía đông của khu vực La Union.

Bộ trưởng Tài chính El Salvador Alejandro Zelaya ước tính nhu cầu thị trường đầu tư trái phiếu Bitcoin sẽ đạt 1,5 tỷ USD, cao hơn 50% so trị giá trái phiếu dự định phát hành. Theo kế hoạch, một nửa số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để Chính phủ tiếp tục mua Bitcoin và phần còn lại để phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố số. Tuy nhiên, vào tháng 3/2022, Bộ trưởng Tài chính Alejandro Zelaya thông báo El Salvador tạm hoãn phát hành trái phiếu Bitcoin, để chọn một thời điểm thích hợp hơn.

Trong bối cảnh giá các loại tiền mã hóa đồng loạt “lao dốc” trong tháng 5 và tháng 6/2022, trong đó riêng Bitcoin chạm đáy thấp kỷ lục từ tháng 12/2020, Bộ trưởng Tài chính Alejandro Zelaya khẳng định, El Salvador không bị lỗ khi đầu tư Bitcoin. Thừa nhận gần đây có “rất nhiều ồn ào” về chiến lược tiền kỹ thuật số của El Salvador, song Bộ trưởng Alejandro Zelaya nhấn mạnh El Salvador “không chịu bất kỳ khoản lỗ nào”, vì chưa bán đi số Bitcoin này. Người đứng đầu Bộ Tài chính El Salvador chỉ trích thông tin trên một ấn phẩm của Deutsche Welle cho rằng, khoản lỗ của El Salvador do chiến lược tiền mã hóa đã lên đến 40 triệu USD và khẳng định rủi ro tài khóa là “cực kỳ tối thiểu”.

Tài khoản mạng xã hội Twitter của Tổng thống Nayib Bukele là nguồn duy nhất công bố thông tin về hoạt động mua Bitcoin của Chính phủ, theo đó El Salvador đã thu mua 10 đợt tiền số, với giá đầu tư dao động từ 30.700 đến 58.000 USD/1 Bitcoin (BTC). Tuy nhiên, theo trang thống kê tiền điện tử Coingecko, giá quy đổi BTC sang USD hôm 19/6 “lao dốc” xuống chỉ còn hơn 17.700 USD/1BTC.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi El Salvador giới hạn phạm vi của Luật Bitcoin theo hướng bỏ công nhận Bitcoin là đồng tiền hợp pháp. IMF dự báo, theo các chính sách hiện tại, nợ công của El Salvador sẽ tăng lên mức 96% GDP vào năm 2026. El Salvador đang đàm phán một thỏa thuận tín dụng trị giá 1,4 tỷ USD với IMF, trong bối cảnh nợ công đã tương đương 90% GDP. Các cơ quan xếp hạng rủi ro đã cảnh báo nhu cầu tài chính của Chính phủ El Salvador sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2023 quốc gia này sẽ phải thanh toán 800 triệu USD trái phiếu châu Âu (Eurobond).

Phản ứng khác nhau

Việc chấp nhận các loại tiền kỹ thuật số đang tăng lên nhanh chóng trong vài năm qua. Theo dữ liệu từ TripleA, một cổng thanh toán toàn cầu, năm 2021, tỷ lệ sở hữu tiền kỹ thuật số toàn cầu đạt mức trung bình 3,9%, với hơn 300 triệu người dùng trên toàn thế giới. Công ty tư vấn bảo mật chuỗi khối Chainalysis tiết lộ rằng, việc áp dụng Bitcoin và tiền mã hóa trên toàn cầu đã tăng 881% từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021. Theo bảng xếp hạng của Chainalysis, Việt Nam có tỷ lệ chấp nhận tiền mã hóa cao nhất, dẫn đầu 154 quốc gia được phân tích, tiếp theo là Ấn Độ và Pakistan.

Cần nhắc lại, trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tiền ảo và tài sản ảo, chẳng hạn như Bitcoin, không phải là tiền pháp định do Ngân hàng trung ương của các nước phát hành mà do các tổ chức trong khu vực tư nhân tạo ra bằng các thuật toán trên hệ thống mạng máy tính. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành chức năng chủ trì nghiên cứu để xây dựng hành lang pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo.

Các nước Mỹ latin được xem là điểm đến lý tưởng của Bitcoin và các loại tiền mã hóa. Nhiều quốc gia trong khu vực phụ thuộc đáng kể vào nguồn kiều hối, trong khi theo một thống kê tính đến cuối năm 2021, 60% dân số Mỹ latin không có tài khoản ngân hàng. Bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế kéo theo lạm phát và tỷ giá hối đoái thay đổi khó lường, sự trì trệ của hệ thống ngân hàng và các hạn chế tài chính làm suy yếu các đồng nội tệ được xem là đã tạo điều kiện cho sự phát triển của tiền kỹ thuật số trong khu vực này.

Theo Chainalysis, tính đến tháng 8/2021, Argentina, Colombia và Brazil nằm trong tốp 20 quốc gia có tốc độ chấp nhận tiền mã hóa nhanh nhất thế giới. Chính phủ Mexico cảnh báo tiền mã hóa có thể gây phát sinh tài trợ cho tội phạm có tổ chức hoặc gian lận tài chính và các ngân hàng sẽ bị quy là phạm pháp nếu chấp nhận các giao dịch này. Tuy nhiên, một nghiên cứu của tổ chức tư vấn tài chính về tiền điện tử Finder chỉ ra rằng ít nhất 12% dân số Mexico sở hữu tiền mã hóa.

Ngày 28/4/2022, Chính phủ Cộng hòa Trung Phi thông báo tiền kỹ thuật số, bao gồm Bitcoin, được coi là tiền tệ chính thức tại nước này. Trở thành quốc gia thứ hai sau El Salvador công nhận tính hợp pháp của tiền kỹ thuật số, Cộng hòa Trung Phi hy vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư, với lý do công nghệ cần thiết để sử dụng loại tiền tệ này đơn giản và rẻ hơn so một số giải pháp tài chính chính thống.

Nhóm các nước có quan điểm dung hòa trong quản lý và sử dụng Bitcoin vẫn là nhóm chiếm số lượng đông nhất, đồng thời cũng là nhóm có những quốc gia đi đầu về công nghệ thông tin trên thế giới. Phản ứng của nhóm này là không cổ vũ giao dịch tiền kỹ thuật số cũng không cấm đoán tiêu cực mà chỉ đưa ra các chính sách để truy thu thuế và các biện pháp nhằm giám sát, giảm thiểu khả năng buôn lậu hay rửa tiền thông qua tiền kỹ thuật số. Các nước tiêu biểu trong nhóm này là Nhật Bản, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Philipinnes, New Zealand…

Trong khi đó, Algeria, Bolivia, Trung Quốc, Colombia, Ai Cập, Indonesia, Iran, Ấn Độ, Bắc Macedonia… được Euronews liệt kê vào nhóm các quốc gia có thái độ cứng rắn với các loại tiền mã hóa. Algeria hiện cấm sử dụng tiền mã hóa sau khi luật tài chính được thông qua vào năm 2018 quy định việc mua, bán, sử dụng hoặc nắm giữ tiền ảo là bất hợp pháp. Bolivia ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với việc sử dụng Bitcoin kể từ năm 2014.

Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra cảnh báo người dân nước này tránh xa thị trường tài sản kỹ thuật số và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác các loại tiền mã hóa như Bitcoin. Tháng 9/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) cấm hoàn toàn các giao dịch tiền kỹ thuật số trong nước. Ở Colombia, các tổ chức tài chính không được phép tạo điều kiện cho các giao dịch Bitcoin. Ngân hàng trung ương của Indonesia đã ban hành các quy định cấm sử dụng tiền mã hóa, bao gồm cả Bitcoin, làm phương tiện thanh toán từ ngày 1/1/2018.

Bắc Macedonia là quốc gia châu Âu duy nhất cho đến nay có lệnh cấm chính thức đối với tiền mã hóa, như Bitcoin, Ethereum và các loại khác. Nhiều người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang tiền kỹ thuật số khi đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh về giá trị. Tháng 4/2021, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ ban hành quy định cấm sử dụng tiền mã hóa bao gồm Bitcoin, trực tiếp hoặc gián tiếp, để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ.