Phát triển an toàn trí tuệ nhân tạo

Hội nghị cấp cao về an toàn trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới vừa được tổ chức tại Công viên Bletchley của Anh. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo từ gần 30 quốc gia, người đứng đầu các tổ chức khu vực và quốc tế, giám đốc điều hành các tập đoàn công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực AI đã thảo luận về tiềm năng cũng như thách thức của công nghệ này.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả bày tỏ lo ngại về những rủi ro từ phát triển AI quá mức. Ảnh: AP
Các diễn giả bày tỏ lo ngại về những rủi ro từ phát triển AI quá mức. Ảnh: AP

Mối quan tâm chung

Theo trang web của Chính phủ Anh, nội dung chính của hội nghị là nhằm hướng tới sự hiểu biết chung của các bên về chiến lược phối hợp trên phạm vi toàn cầu, qua đó ngăn chặn những rủi ro có thể xảy đến từ tình trạng lạm dụng các công cụ AI. Chương trình nghị sự trong ngày đầu tiên của hội nghị gồm các cuộc thảo luận về rủi ro hàng đầu của AI đối với xã hội và những mối đe dọa từ nguy cơ mất quyền kiểm soát công nghệ. Trong ngày thứ hai, các đại biểu đã xem xét vai trò của các nhóm khác nhau từ cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp cho đến những nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro và mở rộng quy mô phát triển AI một cách có trách nhiệm hơn.

Hội nghị cấp cao đầu tiên trên thế giới về an ninh trí tuệ nhân tạo diễn ra trong bối cảnh các mối lo ngại ngày càng gia tăng về việc AI có thể gây ra những mối nguy hiểm cho nhân loại. Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy mối quan tâm cao của người Mỹ về vai trò của AI trong cuộc sống hằng ngày. Ngày càng xuất hiện nhiều nghi ngại về khả năng cải thiện AI cũng như sự do dự của người dân về việc sử dụng công nghệ mới này trong các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe. Truyền bá thông tin sai lệch, “cướp” đi việc làm, gây bất ổn chính trị cũng là những mối lo ngại hàng đầu về AI.

Anh là một trong những quốc gia tiên phong về phát triển, ứng dụng cũng như nghiên cứu các khuôn khổ để AI phát triển lành mạnh. Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 26/10 thông báo, nước này sẽ thành lập Viện An toàn AI đầu tiên trên thế giới. Chủ trì hội nghị cấp cao đầu tiên về phát triển an toàn AI, Thủ tướng Sunak nhấn mạnh: AI là công nghệ quyết định của thời đại chúng ta.

Hội nghị diễn ra trong khuôn viên của Công viên Bletchley, nơi có Bảo tàng máy tính quốc gia của Anh, địa điểm lưu giữ bộ sưu tập máy tính lịch sử lớn nhất thế giới đang hoạt động. Anh hiện là quốc gia có số lượng công ty hoạt động trong lĩnh vực AI nhiều gấp đôi so trung bình các quốc gia châu Âu khác. Lĩnh vực AI sử dụng hơn 50.000 lao động và tạo ra doanh thu khoảng 3,7 tỷ bảng Anh (4,5 tỷ USD) mỗi năm cho nền kinh tế Anh. Vào tháng 6 vừa qua, Thủ đô London của Anh trở thành nơi đặt văn phòng nước ngoài đầu tiên của Công ty OpenAI (Mỹ), nhà phát triển ứng dụng Chat GPT rất phổ biến trong thời gian gần đây.

Ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/10 đã ban hành một lệnh hành pháp sâu rộng nhằm quản lý sự phát triển của AI trong bối cảnh ngày càng gia tăng lo ngại về tác động tiềm tàng của công nghệ này đối với mọi lĩnh vực, từ an ninh quốc gia đến sức khỏe cộng đồng. Nhà trắng ca ngợi biện pháp này là hành động mạnh mẽ nhất mà bất kỳ chính phủ nào trên thế giới từng thực hiện đối với sự an toàn, an ninh và niềm tin vào AI. Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực thông qua đạo luật AI, trong khi các nước G7 đã đồng ý đưa ra quy tắc ứng xử chung cho các công ty sử dụng công nghệ này.

Liên hợp quốc cũng đang thúc đẩy nỗ lực hợp tác toàn cầu về vấn đề này. Ngày 26/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố thành lập một cơ quan cố vấn gồm các giám đốc điều hành công nghệ, các quan chức chính phủ và học giả, nhằm giải quyết vấn đề quản trị quốc tế về AI.

Tuyên bố Bletchley

Tại hội nghị cấp cao đầu tiên về an toàn AI, các đại diện của 28 quốc gia và tổ chức quốc tế đã thông qua Tuyên bố Bletchley, đẩy mạnh các nỗ lực phối hợp trên quy mô toàn cầu để bảo đảm sự phát triển an toàn trong lĩnh vực AI. Trong số các quốc gia và tổ chức tham gia hội nghị cũng như thông qua Tuyên bố chung Bletchley có Anh, Mỹ, EU và Trung Quốc.

Trong Tuyên bố Bletchley, các bên cùng nhất trí cho rằng, AI mang đến những cơ hội to lớn cho toàn cầu, có tiềm năng thay đổi và nâng cao phúc lợi, hòa bình và thịnh vượng của con người. Để đạt được điều này, các bên tham gia khẳng định vì lợi ích chung AI nên được thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng theo cách an toàn, lấy con người làm trung tâm, đáng tin cậy và có trách nhiệm. Tuyên bố hoan nghênh những nỗ lực cho đến nay của cộng đồng quốc tế trong hợp tác về AI nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, phát triển và đổi mới bền vững, bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đồng thời thúc đẩy niềm tin của công chúng vào các hệ thống AI để phát huy đầy đủ tiềm năng của chúng.

Các hệ thống AI đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống hằng ngày như nhà ở, việc làm, giao thông, giáo dục, y tế và khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ này có thể sẽ tăng lên. Do đó, các bên nhận thấy hiện nay chính là thời điểm đặc biệt để hành động và khẳng định nhu cầu phát triển AI một cách an toàn cũng như các cơ hội phát triển của AI được sử dụng vì mục đích tốt đẹp cho tất cả mọi người, một cách toàn diện ở các quốc gia và trên toàn cầu, nhằm hiện thực hóa việc bảo đảm các quyền con người và tăng cường nỗ lực hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Bên cạnh các cơ hội, AI cũng đặt ra những rủi ro đáng kể, kể cả trong các lĩnh vực của cuộc sống hằng ngày. Trong Tuyên bố, các bên bày tỏ đặc biệt lo ngại về những rủi ro trong các lĩnh vực như an ninh mạng và công nghệ sinh học, cũng như khả năng các hệ thống AI tiên tiến có thể phát tán, khuếch đại thông tin sai lệch. Theo các bên tham gia Tuyên bố, có khả năng xảy ra tổn hại nghiêm trọng, thậm chí “thảm khốc”, dù cố ý hay vô ý, xuất phát từ những khả năng quan trọng nhất của các mô hình AI này. Với tốc độ thay đổi nhanh chóng và không chắc chắn của AI, cũng như trong bối cảnh đầu tư vào công nghệ đang tăng tốc, việc hiểu sâu hơn về những rủi ro tiềm ẩn và các hành động để giải quyết chúng là đặc biệt cấp bách.

Điểm đáng chú ý trong Tuyên bố là việc các bên cùng nhất trí cho rằng, nhiều rủi ro phát sinh từ AI vốn có tính chất quốc tế và do đó được giải quyết tốt nhất thông qua hợp tác quốc tế. Các bên cam kết quyết tâm hợp tác cùng nhau theo cách toàn diện để bảo đảm an toàn cho lĩnh vực AI, lấy con người làm trung tâm, đáng tin cậy và có trách nhiệm, đồng thời hỗ trợ lợi ích của tất cả mọi người thông qua các diễn đàn quốc tế hiện có và các sáng kiến ​​liên quan khác, thúc đẩy hợp tác nhằm giải quyết hàng loạt rủi ro có thể xảy đến từ công nghệ này.

Tất cả các chủ thể đều có vai trò trong việc bảo đảm sự an toàn của lĩnh vực AI, các quốc gia, diễn đàn quốc tế và các sáng kiến ​​khác, các công ty, các tổ chức xã hội và giới học thuật cần làm việc cùng nhau. Ghi nhận tầm quan trọng của việc phát triển AI toàn diện và thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, các bên tham gia Tuyên bố tái khẳng định rằng, hợp tác quốc tế nên thu hút nhiều đối tác một cách phù hợp, đồng thời hoan nghênh các cách tiếp cận và chính sách định hướng phát triển có thể giúp các nước đang phát triển nâng cao năng lực AI, tận dụng vai trò của AI trong hỗ trợ tăng trưởng bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kỹ thuật số Anh Michelle Donelan cho biết, việc thu hút nhiều lãnh đạo cấp cao các nước, cũng như những nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực AI cùng tham gia một sự kiện được xem là thành công của nước chủ nhà Anh. Bộ trưởng Donelan nhấn mạnh với các phóng viên: Lần đầu tiên, các quốc gia cùng đồng ý rằng, chúng ta cần xem xét không chỉ một cách độc lập mà còn cả tập thể trước những rủi ro chung quanh AI. Hai hội nghị thượng đỉnh tiếp theo về an toàn trong lĩnh vực AI dự kiến sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc và Pháp trong vòng một năm tới.