Các dòng sông ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long), đều bắt nguồn từ hai con sông chính là sông Tiền và sông Hậu. Vì thế, vùng đất Mang Thít hằng năm vẫn luôn nhận được lượng phù sa dồi dào, bồi đắp nguồn đất đỏ nguyên sinh giàu giá trị, thích hợp các sản phẩm đất nung. Những lò nung ở Mang Thít sản xuất dòng gốm không men với mầu đỏ hồng tự nhiên, từ các sản phẩm bình dân như gạch, ngói cho đến những sản phẩm cao cấp hơn là chum, vại, bát, chén, đĩa đều được thổi hồn nhờ đôi bàn tay tài ba của những nghệ nhân nơi đây.
Chú Năm Khá, một người dân trong vùng cho biết, sản phẩm gốm Mang Thít nổi trội nhờ vào nguồn đất sét tự nhiên cùng kỹ thuật nung đặc trưng. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, cả huyện có trên dưới 1.000 cơ sở sản xuất với khoảng 3.000 miệng lò. Một lò gạch cao tầm 12 m mất khoảng năm ngày để tải và dỡ, 15 ngày để nung và 10 ngày để xây cửa lò, chờ gạch nguội. Sau một tháng, mỗi mẻ gạch thường thu khoảng hơn 120.000 viên tùy từng kích thước lò. “Ngày đó, việc sản xuất thô sơ. Nguyên liệu đốt lò dùng than và trấu là chính. Vào giai đoạn giao thông miền Tây chưa phát triển, những viên gạch được vận chuyển đi khắp nơi bằng đường sông. Làng nghề thời hưng thịnh ngày nào cũng đỏ lửa, ghe chở hàng, chở nguyên liệu đến và đi đậu kín mặt sông. Nhiều thế hệ trưởng thành, được ăn học chu đáo cũng nhờ vào gạch, gốm”.
Tuy nhiên, thói quen người tiêu dùng thay đổi đã khiến làng nghề dần bị mai một. Hàng trăm lò nung nay bao trùm bởi mầu thời gian cổ kính. Theo thời gian, lớp rêu phong đã thay thế cho nền gạch hồng xưa kia nhưng không vì thế mà nơi đây mất đi vẻ đẹp vốn có. Từ một làng nghề truyền thống, Mang Thít đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách. Với cánh săn ảnh, sắc nâu trầm của những lò nung xen giữa khung cảnh sông nước hữu tình tạo nên nhiều góc chụp trên cao độc đáo, khiến ai đó khó lòng bỏ qua khi đến đây.