“Tượng đài” nhạc kịch Việt trở lại

Từ khi công bố lần đầu (1975), vở “Người tạc tượng”, tác phẩm “tượng đài” của nhạc kịch Việt Nam, một trong số ít nhạc kịch của nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết trước năm 1975 vừa được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đưa trở lại sân khấu. Tác phẩm sẽ công diễn nhân dịp kỷ niệm 60 năm nhà hát thành lập.

Các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng một cảnh trong tác phẩm “Người tạc tượng”.
Các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng một cảnh trong tác phẩm “Người tạc tượng”.

Vở nhạc kịch cho người Việt

Chia sẻ lý do chọn “Người tạc tượng”, NSƯT Trần Ly Ly, quyền Giám đốc VNOB nói: Ra mắt năm 1975, vở đã diễn 100 lần trong quá khứ và đã trở nên như một biểu tượng vàng không chỉ vào thời điểm ấy.

“Người tạc tượng” là bản anh hùng ca thời chiến tranh tại Việt Nam, kể về giai đoạn lịch sử chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Tây Nguyên tại buôn Bra trong thập niên 60, thế kỷ 20, thể hiện ý chí kiên cường và bất khuất, như cây Kơnia bám sâu vào lòng núi, như dáng vóc Nơ Trang Lơn, anh hùng Núp, Nguyễn Văn Trỗi...

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch theo truyền thống của opera phương Tây. Những thể nghiệm đầu tiên của ông xuất hiện từ những năm 1950 là các ca kịch ngắn. Đỗ Nhuận viết nhạc kịch “Cô Sao”, rồi sau đó là “Người tạc tượng” và “Nguyễn Trãi” (1980).

Trở lại sân khấu sau 44 năm, vở diễn không phải phục dựng mà làm lại theo đúng tinh thần bất khuất mà tác giả đã đưa vào vở diễn khi xưa, NSƯT Trần Ly Ly cho biết. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, “Người tạc tượng” sẽ được dàn dựng lại với nhiều điểm mới để phù hợp tâm lý tiếp nhận của khán giả hiện nay. Nội dung xuyên suốt sẽ chủ yếu nói về tình yêu một thời khói lửa, sự thủy chung và tình yêu đất nước, chứ không quá nhấn mạnh vào cuộc chiến.

Quy tụ tài năng

Chung ý tưởng và mong muốn làm những tác phẩm lớn mang dấu ấn thời đại, “Người tạc tượng” đã quy tụ được một ê-kíp mạnh. Nhà hát đã mời NSƯT Trần Lực trực tiếp đạo diễn phần sân khấu với phần biên soạn và chỉ đạo âm nhạc nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ê-kíp sáng tạo còn gồm những tên tuổi hàng đầu hiện nay: NSƯT Hoàng Hà Tùng thiết kế mỹ thuật, NSND Hồng Phong biên đạo múa… Cùng với đó, nghệ sĩ Mạnh Dũng, Tố Loan, Bùi Trang… sẽ tái ngộ khán giả qua những vai diễn trong “Người tạc tượng”.

Đã tham gia nhiều vở nhạc kịch lớn trong các dự án quốc tế song với nghệ sĩ Mạnh Dũng, việc được đảm nhận vai chính trong “Người tạc tượng” đem lại cho anh nhiều cảm xúc. Tự hào vì được hát tác phẩm của tài năng lớn trong âm nhạc Việt Nam song anh cũng không khỏi lo lắng bởi 100 buổi diễn trong quá khứ của “Người tạc tượng” thật sự là một con số đáng tự hào. Các vở nhạc kịch của các tác giả trong nước không nhiều, vì thế được nhận một vai trong vở nhạc kịch của người Việt viết cho người Việt là cơ hội rất khó khăn và không thể bỏ qua, Mạnh Dũng tâm sự. Các nghệ sĩ có mặt trong vở diễn không chỉ để ghi một dấu mốc mới của người làm nghề mà còn tiếp thêm tình yêu nghề với mỗi nghệ sĩ, giúp họ vững lòng theo đuổi ước mơ làm nghệ thuật hàn lâm.

Kỷ niệm 60 năm thành lập, VNOB cũng đã bắt tay dựng trọn vẹn vở ballet kinh điển “Hồ thiên nga”. Theo nghệ sĩ Lê Ngọc Văn, đạo diễn, biên đạo múa: “Tác phẩm có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn riêng, tạo nên nét độc đáo của phiên bản Việt. Tôi đã tận dụng tối đa sự mềm mại của diễn viên, sự năng động và hoạt bát của các tài năng trẻ để tạo nên một “Hồ thiên nga của người Việt”. Tác phẩm quy tụ hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, có sự hợp tác của Học viện Múa Việt Nam cùng dàn nhạc biểu diễn trực tiếp với hơn 60 nhạc công, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. Phục trang của vở do nhóm thiết kế EllieVu thực hiện. Trong đó, đặc biệt nhất là họa tiết trên trang phục được lấy cảm hứng từ bông hoa sen trạm trổ trên đình làng xưa, được cách tân mang phong cách Baroque”.