Phù sa câu chữ giữ chút thảo thơm

Tập truyện ngắn “Phù sa châu thổ” của nhà văn Hoài Hương vừa được phát hành vào những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022.

Phù sa câu chữ giữ chút thảo thơm

Đây là ấn phẩm được Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh chọn lựa thu hoạch nhằm kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiên, tròn 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 45 năm Thành phố mang tên Bác. Tập truyện ngắn đầy đặn những câu chuyện của vùng đất Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh, một miền hào sảng nghĩa nhân với những con người chân phương nhưng ngoan cường. 

12 truyện ngắn trong tập cho thấy một Hoài Hương sâu sắc và tinh tế trong cách chọn lọc cốt truyện, xây dựng nhân vật, cho đến những tình tiết đắt được chăm chút rất kỹ lưỡng. Điều này dễ dàng thấy rõ qua rất nhiều tác phẩm đã in ấn, cho đến tập truyện ngắn lần này, các câu chuyện đều bám sát thực tế, chuyển tải sống động và mang đến cho độc giả cảm xúc chân thật. 

Trong truyện ngắn “Phù sa châu thổ”, nhà văn viết về mối tình thơ mộng của nhà khoa học trẻ Nguyễn Hoàng và cô kỹ sư IT mang tên Phù Sa. Duyên hạnh ngộ của hai con người xa lạ, ở cách nhau tận nửa vòng trái đất, nhưng chung nhau dòng máu Việt và một ước mơ giữ mãi màu xanh trù phú cho đồng bằng sông Cửu Long. Tác giả khéo léo lồng vào câu chuyện một nỗi lo đau đáu cho dòng sông đang dần cạn kiệt bởi các đập chắn nơi thượng nguồn Mekong. Châu thổ chín nhánh sông sẽ ra sao khi những đứa trẻ cứ tha phương bởi ngay chính quê hương mình chẳng còn là đất lành mỡ màu để mưu sinh lập nghiệp. 

Hoài Hương sát sao với thời cuộc, các thông điệp chị gởi gắm luôn mang tính thời sự. Như trong truyện ngắn “Trong cơn mê giữa hai bờ sinh tử”, nữ sĩ đã tái hiện một thời khắc nguy biến của thành phố trong đỉnh dịch Covid. Câu chuyện cô ca sĩ Giang như một sợi dây xuyên suốt dẫn dắt độc giả đi qua biết bao thấp thỏm lo lắng, biết bao lần tim giục từng hồi trống của nỗi sợ thắt dạ. Nhưng cũng từ việc tái hiện không gian thành phố với câu chuyện ở phòng thở ECMO, Hoài Hương đã cho thấy một miền đất ngoan cường chiến đấu với đại dịch. Ngay trong gian nguy ấy, bệnh nhân hay là bác sĩ, người dân hay là lực lượng tuyến đầu tình nguyện, tất cả mỗi một người dân của thành phố phương nam nắng ấm này đều là một chiến sĩ bất khuất. 

Hoài Hương có lối viết câu dài, phủ rộng kiến văn, biện giải chi tiết nhưng không gây nhàm chán, mà ngược lại, chính những điều ấy tạo nên một nét riêng biệt thu hút độc giả. Chị viết như dựng lên những thước phim sống động mà ở đó người đọc được dẫn dắt vào nội dung một cách nhập tâm và tìm thấy chính cuộc đời mình, chính người thân, bạn bè hoặc chí ít đã nghe đâu đó trong cuộc sống thường nhật. 

“Phù sa châu thổ” ăm ắp những câu chuyện thời cuộc, đong đầy những cảm xúc thương yêu. Những câu chữ tràn đầy khí phách của người Nam Bộ như những giọt phù sa bồi thêm vào văn chương miền đất phương Nam này. Miền đất trượng nghĩa nên văn chương cũng khẳng khái. Miền đất thắm đỏ phù sa nên câu chữ cũng thơm thảo lạ thường.