Phát triển võ cổ truyền trong học đường

Hiện nay, phong trào phát triển võ cổ truyền tại các trường học cho thấy, nhu cầu tập luyện thể thao của học sinh cao hơn rất nhiều so thực tế. Việc đưa võ cổ truyền vào chương trình giáo dục thể chất và thể thao ở các cấp học không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho các em, mà còn góp phần phát hiện và bồi dưỡng những tài năng võ thuật trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Võ thuật giúp người học nâng cao thể chất cũng như văn hóa ứng xử với mọi người.
Võ thuật giúp người học nâng cao thể chất cũng như văn hóa ứng xử với mọi người.

1/ Từ khi ra đời đến nay, võ cổ truyền có mục đích, tôn chỉ, môn quy để giáo dục môn sinh. Đó là không phản thầy, phế đạo, không bất trung, bất hiếu, không bất nhân, bất nghĩa. Đây là thông điệp giáo dục đạo đức, văn hóa con người mà các bậc chân sư gửi gắm vào bài võ để nói lên tinh thần, đạo đức trong võ học. Vậy tại sao lại cần đưa võ cổ truyền vào học đường?

Theo một số võ sư, nhà trường không nên đơn thuần là nơi giảng dạy cho học sinh, sinh viên về chuyên môn, kiến thức, phương pháp học tập, kỹ năng mềm trong giao tiếp mà còn cần phát triển thể chất của học sinh. Do đó, nên đưa bộ môn võ vào học đường, bởi võ thuật không chỉ giúp người học nâng cao thể chất, sức khỏe mà còn giúp biết đối nhân xử thế với mọi người chung quanh. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà bạo lực học đường vẫn còn xảy ra và rất nhiều giá trị về đạo đức làm người đang suy giảm.

Võ sư Châu Mẫn, Chủ nhiệm liên võ đường Bình Định Gia Tuệ Đức (Hà Nội) cho biết, bạo lực học đường không đơn giản là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp đạo lý, xúc phạm, trấn áp người khác, gây nên những tổn thương về thể xác mà chỉ cần một câu nói mang tính chất bạo lực thôi là đủ khiến trẻ bị tổn thương tinh thần và sợ đến trường. Về vấn đề này, ngoài khía cạnh chuyên môn, việc sử dụng kỹ năng mềm võ thuật có thể giúp các em giải quyết được chuyện đó. Vì thế một câu hỏi đặt ra là, nếu như con tôi bị đánh ở trường thì thầy xử lý như thế nào?

Theo quan điểm của võ sư Châu Mẫn, trong tình huống này người thầy nên sử dụng kỹ năng mềm, cụ thể là hướng dẫn trò xử lý theo chiều hướng tích cực ngay từ khi “chỉ tay vào mặt nhau”, thay vì để cái chỉ tay ấy trở thành nắm đấm. Nói cách khác là phải hướng dẫn học trò chuyển hóa cảm xúc từ nóng giận trở về trạng thái bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Hiện nay, giới trẻ có nhu cầu học võ để nâng cao sức khỏe, nhưng theo xu hướng hiện tại thì đâu đó vẫn còn thiếu. Việc người thầy làm thế nào để “thổi lửa đam mê” vào trẻ rất quan trọng. Song song với đó, việc giúp trẻ nhận thức được rằng, đạo đức chính là nền tảng cốt lõi của võ thuật, người thầy phải làm sao “thổi hồn nhân cách” để trẻ hiểu được võ cổ truyền là một bộ môn phát triển trọn vẹn từ thân và tâm. Giữ gìn, bảo tồn và lan tỏa một cách tận tâm, tận tình thì võ cổ truyền Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.

2/ Hiện nay, võ cổ truyền Việt Nam đang được đưa vào giảng dạy, đào tạo chính quy và không chính quy ở một số trường học trong cả nước. Có thể kể đến Trường đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh; Trường đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, Đại học Quốc tế Hồng Bàng; Đại học Nông Lâm; Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Sư phạm Quy Nhơn; Đại học Cần Thơ… đều đã đưa môn võ cổ truyền vào giảng dạy. Tuy kết quả đạt được ở một số địa phương khác nhau nhưng nhìn chung còn một số hạn chế. Trong đó nguyên nhân là các đơn vị còn chưa thật sự thông suốt cách làm cùng những khó khăn mang tính đặc thù ở một vài địa phương. Chưa kể đội ngũ giáo viên có chuyên môn sâu rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng; thời gian tập huấn chuyên môn ngắn, trong khi phần lớn giáo viên không am hiểu môn võ này nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu các bài tập võ cổ truyền. Từ đó khó có thể ứng dụng trong việc dạy học, tập luyện cho học sinh ngay tại trường.

Theo các chuyên gia thể chất, để phát triển võ cổ truyền trong học đường, cần có sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp, ngành liên quan. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giảng dạy và thống nhất giáo trình giảng dạy, cũng như tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Ngoài ra nên định kỳ tổ chức các giải thi đấu cho các lứa tuổi, có chính sách ưu tiên đối với học sinh, sinh viên đoạt giải, cơ chế cho những người tham gia huấn luyện để tạo động lực phát triển võ cổ truyền trong học đường.