“Rác làng Khoai cũng bị đổ ra đây rồi!”
Có mặt tại “điểm nóng” ô nhiễm làng tái chế nhựa thôn Minh Khai, cụm công nghiệp làng nghề - Giai đoạn 1, Cụm công nghiệp Minh Khai mở rộng - Giai đoạn 2 (sau đây gọi chung là khu vực làng nghề và cụm công nghiệp) sáng 2/3, hàng trăm cơ sở tái chế nhựa (ở Văn Lâm, Hưng Yên) vẫn tất bật sản xuất. Máy móc chạy rầm rập, công nhân ra vào xưởng sản xuất, khói bụi, nước thải vẫn xả trực tiếp ra môi trường. Những xe tải chở nguyên vật liệu tấp nập ra vào. Bãi rác, ước tính hơn 150.000 tấn phơi giữa đường, với đủ các loại bao bì, rác thải công nghiệp âm ỉ cháy. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy các doanh nghiệp ở đây giảm quy mô sản xuất. Cùng khói bụi, khối lượng lớn nước thải qua hệ thống kênh mương, xả thẳng ra sông Bắc Hưng Hải. Mùi khét lẹt bay xa. Sông Bắc Hưng Hải vẫn hằng ngày bị đầu độc bởi dòng nước đen thải ra từ hàng trăm cơ sở sản xuất, tái chế nhựa.
Nhìn vào quá khứ, từ năm 2019, Văn Lâm vươn lên thành huyện trọng điểm công nghiệp. Từ đó, cũng trở thành trọng điểm ô nhiễm. Đi một vòng qua các cụm công nghiệp (CCN) ở các xã Đình Dù, Lạc Đạo, Chỉ Đạo, Minh Hải, Đại Đồng… không khó để bắt gặp những bãi rác ngổn ngang ven đường, âm ỉ cháy. Dọc con đường chạy qua cánh đồng thuộc CCN Minh Hải 1, huyện Văn Lâm, PV ghi nhận được ít nhất 5 bãi rác đang cháy dở. Đủ loại bao bì nylon, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp đang cháy. Vài công nhân đi làm qua đây cho biết, những bãi rác này ngày nào cũng cháy, mưa nhỏ cũng không tắt. Còn nước thải từ các cơ sở sản xuất đổ thẳng xuống cống, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Phan Văn Thận, tổ 8, thôn Ngô Xuyên (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm) ngao ngán nhìn khói mù mịt bay ra từ bãi rác thôn. Khu dân cư cách bãi rác có vài trăm mét, ông Thận cùng những người dân ở đây ngày đêm chứng kiến sự phình to của bãi rác. Thỉnh thoảng có xe đến thu gom, nhưng không xuể. Ông Thận cũng chẳng biết xe từ những nơi nào đến đổ rác trộm. Chỉ thấy rác vẫn ở nguyên đấy, cháy khét lẹt suốt ngày suốt đêm. Mùa gió nam thổi, mùi hôi thối bốc lên xộc thẳng vào nhà người dân, “đeo mấy lớp khẩu trang cũng không thể nào chịu nổi”. Rác chất đống lâu ngày rỉ nước ra đường trơn trượt, lại thêm khói đốt mù mịt, khiến nhiều người dân đi đường trượt ngã và bị thương. “Mới tháng trước, có người đi qua ngã vào đống rác đang cháy, bị bỏng một bên mặt”, ông Thận cho biết. Mùi rác thu hút ruồi nhặng bay đến, đồ ăn hở ra đều phải bọc mấy lớp nylon. “Khổ nhất là những nhà có đám cưới, cỗ bàn mở ra là ruồi nhặng bâu đến, khách cũng khổ và chủ cũng khổ”, một người dân than thở. Người dân càng phản ánh với chính quyền, càng thấy bãi rác phình to ra, không chỉ rác sinh hoạt, mà còn rác công nghiệp nữa. “Nguy nhất là các xe chở rác từ làng Khoai cũng mang ra đây đổ rồi”, ông Thận than thở.
Cách đó không xa, bãi rác cháy âm ỉ ngay trên quốc lộ 5 đoạn qua thị trấn Như Quỳnh vẫn chưa được xử lý. Khói bốc mù mịt, thanh chắn bên đường cong vênh, đen xì vì lửa của bãi rác. Hàng trăm bì rác từ các cơ sở sản xuất được dồn ra đường chất đống. Đoạn đường quốc lộ mù mịt khói. Điểm khác duy nhất so với thời điểm chúng tôi khảo sát cách đây hai tháng, có lẽ là tấm biển báo thi công ghi dòng chữ “Xin lỗi đã làm phiền các bạn”. Vài mét mặt đường nhựa, phía ngoài nơi tập kết đang được sửa lại, chăng dây. Hai tháng sau vụ cháy bãi rác lan ra xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tấn Anh (KCN Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên), một bãi rác tự phát đã hình thành ngay mặt tiền. Bao bì rác thải, rác sinh hoạt lẫn vào các bì rác công nghiệp chiếm nửa con đường nhựa. Lòng đường thành nơi tập kết rác mới, hiển nhiên đến không thể hiểu nổi(!?).
Dù đã có những cam kết của chính quyền, tình trạng ô nhiễm môi trường hầu như chưa được cải thiện. Những cam kết “quyết liệt, mạnh tay” từ phía cơ quan quản lý vẫn chưa thành hiện thực. Bãi rác xã Nghĩa Trụ là một thí dụ. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trụ Khương Văn Oánh cho biết, hiện nay đã không còn tình trạng đốt rác trên địa bàn xã, “khói là do nơi khác đốt thôi”. Chính quyền xã đang lên kế hoạch di chuyển bãi rác xã Nghĩa Trụ. Dự kiến vào quý III năm nay, bãi rác hiện tại sẽ được di dời đến thôn 13, “cũng chỉ là nơi tập kết, đảo trộn, chờ để xử lý rác”. Bãi rác vị trí đẹp, ngay mặt đường, sát khu đô thị hiện đại, đã được một doanh nghiệp bất động sản lớn “mua lại” và sẽ sớm được di dời. Người dân ở đây tin như thế.
Ngày 24/1/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 2/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông. Nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông, thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tiến tới giảm thiểu và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nước tại một số điểm nóng trên các lưu vực sông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.
Sự im lặng khó hiểu
Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, các cơ sở hoạt động trong khu vực làng nghề và CCN chưa có giấy phép môi trường theo quy định. Tình trạng hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các doanh nghiệp trong làng tái chế nhựa thôn Minh Khai diễn ra trong thời gian dài, bất chấp tất cả các quy định của pháp luật hiện hành. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật BVMT) tại khoản 6, Điều 4 có quy định: Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn luật đã có các hướng dẫn, chế tài xử phạt cơ bản đầy đủ đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Bởi thế, sự tồn tại, mở rộng quy mô sản xuất của các cơ sở sản xuất nhựa ở Minh Khai, cho đến nay, vẫn là một điều khó hiểu(?!).
Ngày 10/2/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định 383/QĐ-BTNMT ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ chỉ số sẽ đánh giá mức độ thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đánh giá công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức sống hệ sinh thái, bảo vệ hệ thống khí hậu; đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống.
Đầu tháng 2 vừa qua, cư dân hai khu đô thị Ecopark và Ocean Park đã gửi những lá đơn đến hơn 10 cơ quan chức năng và báo chí, “kiến nghị xử lý tình trạng đốt rác, xả thải công nghiệp tại các khu vực lân cận khu đô thị Ecopark và Oceanpark, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cư dân”. Trong đó, khẩn thiết đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp xử lý đối với thực trạng dư thừa rác trên địa bàn hai huyện Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên) - dư 300 tấn rác/ngày trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi xã dư 10-15 tấn/ngày. Người dân cũng đề nghị các cấp chính quyền rà soát một số doanh nghiệp ở Cụm làng nghề Minh Khai đã bị đình chỉ nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, ngày đêm phát tán khí độc, nước thải đầu độc không khí và nguồn nước sông Bắc Hưng Hải. Trong đơn kêu cứu, người dân cũng khẩn thiết đề nghị chính quyền vào cuộc xử lý hoạt động gây ô nhiễm, phát tán khí độc và bụi mịn tại một số doanh nghiệp trong KCN phố Nối A và KCN Tân Quang. Trước đó, tập thể cư dân đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng. Đáng chú ý, ngày 21/8/2024, UBND huyện Gia Lâm sau khi nhận được phản ánh của cư dân qua ứng dụng ihanoi cũng gửi công văn cho UBND huyện Văn Lâm (Hưng Yên) “về việc xử lý tình trạng phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất của các nhà máy tại KCN Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên”.
Điều 168 Luật BVMT năm 2020 quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo từng cấp tỉnh, huyện, xã. Cho đến nay, rất nhiều đơn kiến nghị đã được gửi đi đến các cấp. Nhận lại, vẫn là sự im lặng(!?).
Trong thời điểm khá “nhạy cảm” về quá trình chuyển giao nhiệm vụ của một số cơ quan chức năng, có vẻ đây cũng là thời điểm mà nhiều đối tượng chọn làm thời cơ để thực hiện các hành vi vi phạm, dù rằng chính quyền, cơ quan chức năng các cấp đã liên tục chỉ thị để làm sao nhiệm vụ của chính quyền cơ sở không bị “bỏ quên”.