Nông sản Hòa Bình vươn ra biển lớn

Mùa xuân năm nay, bà con nông dân tỉnh Hòa Bình đang hân hoan đón Tết cổ truyền tưng bừng, phấn khởi. Bởi, những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp đều được mùa, được giá. Đặc biệt, rất nhiều mặt hàng nông sản đã vươn được ra nhiều nước trên thế giới. Đó là sự nỗ lực lớn của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và bà con nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long (thứ 3 từ phải sang) đang kiểm tra vườn bưởi tại huyện Yên Thủy trước khi xuất khẩu.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long (thứ 3 từ phải sang) đang kiểm tra vườn bưởi tại huyện Yên Thủy trước khi xuất khẩu.

Đa dạng các sản phẩm xuất khẩu

Hòa Bình là tỉnh miền núi có diện tích hơn 4.500 km2, địa hình chia cắt lớn, gồm 6 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mường chiếm đa số, gần 64%. Là tỉnh còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã không ngừng nỗ lực phối hợp với các cấp chính quyền, doanh nghiệp cùng bà con nông dân để phát triển các sản phẩm của địa phương ra thị trường quốc tế.

Những sản phẩm nông sản tiêu biểu của Hòa Bình đã xuất khẩu trong thời gian qua gồm: mía ăn tươi và bưởi Diễn, bưởi đỏ sang Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, EU, cháo sen Bát Bảo Minh Trung sang Nhật Bản, nhãn Sơn Thủy sang EU, măng sang Đài Loan (Trung Quốc), cam Cao Phong sang thị trường Vương quốc Anh …

Để có được một sản phẩm nông sản xuất khẩu được ra thị trường thế giới khẳng định quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp xuất khẩu và việc tuân thủ nghiêm nghặt theo quy trình sản xuất của bà con nông dân. Điển hình, trong tháng 12 năm 2023 vừa qua, bưởi Diễn của huyện Lương Sơn và huyện Yên Thủy được xuất khẩu vượt qua rất nhiều công đoạn kiểm định nghiêm ngặt mới đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, độ Brix và 900 hoạt chất về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các dư lượng khác có liên quan đến an toàn thực phẩm do Phòng kiểm nghiệm được Hoa Kỳ chấp nhận cho xuất khẩu. Ngoài những chỉ số tuyệt đối an toàn về nông sản sạch còn hàng trăm chỉ số rất khó khăn khác về: màu sắc đẹp, trọng lượng, kích thước, hình dáng…

Cây ăn quả có múi: cam, quýt, bưởi đang là thế mạnh của tỉnh Hòa Bình, được quy hoạch vùng trồng bài bản theo đề án. Diện cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt 10,24 nghìn ha trong đó diện tích kinh doanh đạt 9,17 nghìn ha, sản lượng niên vụ 2022-2023 ước đạt 21 vạn tấn. Năm nay, bà con trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn phấn khởi vì được mùa, được giá. Cam cho thu nhập từ 330 - 350 triệu đồng/ha.

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, khu sơ chế, đóng gói và bảo quản nông sản. Tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký kinh doanh tại tỉnh Hòa Bình để tính kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh cho phù hợp với thực tế. Tăng cường tổ chức việc nghiên cứu, dự báo thị trường nước ngoài và thông tin kịp thời đến người sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ và tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã được tham gia các chương trình xúc tiến trong và ngoài nước…

Nhờ sự quyết tâm đồng bộ

Năm 2023, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ cho 40 cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận quy trình VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ và ISO. Đến nay, tỉnh đã có 165 cơ sở đã và đang duy trì sản xuất và áp dụng quy trình VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm, hộ sản xuất còn hoạt động) trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh đã quyết liệt triển khai cấp 48 mã số vùng trồng gồm: 21 mã số vùng trồng xuất khẩu, 27 mã số vùng trồng nội địa; có 01 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được nước nhập khẩu New Zealand phê duyệt cấp mã số. Đến nay đã chứng nhận cho 114 sản phẩm OCOP (22 sản phẩm 4 sao và 92 sản phẩm 3 sao). Kết nối cho 25 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản: 23 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trinh Festival nông sản Hà Nội lần 2; mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại tại Bulgaria và Đức năm 2023; Đoàn giao dịch thương mại tại Slovenia và Bulgaria của Cục Xúc tiến thương mại… Tổ chức hàng chục hội nghị chuyên đề về thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và hợp tác xã tại các huyện, thành phố với gần 50 doanh nghiệp và 200 hợp tác xã trao đổi, thảo luận và hướng đến ký kết hợp đồng, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh.

Tổ chức các đoàn tham gia Hội chợ Thương mại, Du lịch quốc tế; Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông lâm thuỷ sản vùng; Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực; Hội chợ triển lãm Công thương - Sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành trên toàn quốc; Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung tại Lào Cai…

Tỉnh không ngừng đẩy mạnh phân phối hàng hóa nông sản qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, nông nghiệp, nông thôn được hiệu quả. Qua đó, hỗ trợ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh: cam, quýt Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi; bưởi Tân Lạc, Kim Bôi; rau sạch Lương Sơn, rau su su Tân Lạc...

Trong năm có 14 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã có sản phẩm nông sản, lâm sản được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài ( 9 cơ sở nông sản, 5 cơ sở lâm sản) với tổng doanh thu đạt 978,45 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu tập trung như: Các nước trong khối EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh quốc, Trung Quốc...

Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực để các sản phẩm nông sản của tỉnh tiếp tục “cất cánh” nhiều hơn nữa ra thị trường thế giới.