Nỗi lo... đồng phục

Trong rất nhiều nỗi lo của phụ huynh khi có con bước vào năm học mới, có nỗi lo mang tên “đồng phục”.
0:00 / 0:00
0:00

Trên mạng xã hội hay trong nhóm của các phụ huynh, nhất là phụ huynh ở những thành phố lớn, các thảo luận về chuyện mua đồng phục cho con khá rôm rả, không ít chuyện “cười ra nước mắt”.

Chị Mai Anh (Tây Hồ, Hà Nội) kể về việc một trường THCS thông báo bảng kê danh mục đồng phục của học sinh, bao gồm: 1 bộ sơ mi dài, 1 bộ sơ mi cộc, 1 bộ thể dục dài, 1 bộ thể dục cộc, 1 áo khoác, 1 áo hoodie và tất. Nhiều người lo ngại khi tổng số tiền lên đến gần 2 triệu đồng.

Trong khi đó, chị Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) lại đứng trước lựa chọn khi lớp con chị ở một trường tiểu học có thông báo cho học sinh đăng ký tới 5 bộ gồm: sơ mi cộc, sơ mi dài, bộ thể thao cộc, bộ thể thao dài và áo khoác với tổng giá tiền khoảng 1,3 triệu đồng.

Giá của các loại đồng phục cũng chỉ là một câu chuyện. Nhiều phụ huynh bàn luận về chất lượng đồng phục. Từ cả tháng, thậm chí vài tháng trước, các trường đã cho phụ huynh đăng ký chọn. Gần đến ngày khai giảng, khi nhận được đồng phục, nhiều học sinh và phụ huynh “ngã ngửa” khi chất lượng không tương xứng giá tiền. Nhiều trang phục “rộng thùng thình”, trong khi một số trang phục khác thì gia công ẩu… Chuyện “đăng ký kích thước này nhận được kích thước khác” là phổ biến…

Sau một thời gian bị dư luận phản đối vì ép học sinh mua đồng phục, có những cơ sở đào tạo “rút kinh nghiệm”. Không dại gì áp đặt và bắt buộc phụ huynh phải mua đầy đủ cả. Mua cái gì là quyền của phụ huynh. Thế nhưng, bù lại, lại có quy định rất rõ, chẳng hạn: Thứ 2 mặc đồng phục cờ đỏ sao vàng; Thứ 3 mặc áo thể thao; Thứ 4, 5, 6 mặc áo polo. Đi kèm theo quy định là “chế tài” nhà trường đưa ra: Học sinh nào không mặc đúng sẽ bị ghi tên, trừ điểm văn minh lịch sự… Những quy định cứng nhắc và máy móc này đang gây ra bức xúc không nhỏ.

Ai cũng hiểu, đồng phục là trang phục để học sinh có thể giới thiệu, tự hào về mái trường mình theo học. Việc mặc đồng phục đến trường cũng sẽ cho thấy nề nếp tổ chức, qua đó dễ nhận diện học sinh của trường này với trường khác. Thế nhưng, việc đưa ra những quy định máy móc cho tất cả các ngày học trong tuần đã khiến nhiều phụ huynh khó xử. Nhất là trong tuần có tới ba ngày liên tiếp mặc cùng một bộ đồng phục. Nhiều gia đình đã phải mua “dự phòng” đồng phục cho con, để phòng khi mưa gió giặt chưa khô, hay khi con ăn sáng trót làm bẩn đồng phục.

Việc bắt buộc học sinh, sinh viên mặc đồng phục tất cả các ngày đến trường thậm chí còn trái quy định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành. Theo Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT, Bộ không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hằng ngày đến trường, không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, mà cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nếu nặng về hình thức để “gò”, “ép” phụ huynh, học sinh phải thực hiện cho được những kỳ vọng, mong muốn của nhà trường, thì sẽ làm tăng nỗi lo cho phụ huynh, giảm niềm vui con trẻ khi đến trường…