Những xu hướng định hình tương lai thế giới

Trong báo cáo “Thế giới tương lai của chúng ta” công bố cuối tháng 7/2022, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) đã chỉ ra những xu hướng mà giới khoa học cho rằng, sẽ định hình thế giới trong 20 năm tới. Thích ứng biến đổi khí hậu, lối sống “xanh” hơn, gia tăng các thách thức với sức khỏe, biến động địa - chính trị, bước nhảy vọt của trí tuệ nhân tạo (AI)… được liệt kê là những xu hướng hàng đầu trong những năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nước trên thế giới đầu tư cho vấn đề an ninh lương thực. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Nhiều nước trên thế giới đầu tư cho vấn đề an ninh lương thực. Ảnh: BUSINESS INSIDER

Thích ứng biến đổi khí hậu

Báo cáo “Thế giới tương lai của chúng ta” được CSIRO, cơ quan khoa học thuộc Chính phủ Australia, công bố 10 năm một lần, trong đó chỉ rõ những xu hướng chính về địa - chính trị, kinh tế, môi trường, xã hội và công nghệ trên quy mô toàn cầu, nhằm mục đích cung cấp thông tin để chính phủ, cộng đồng và các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn các chiến lược và chính sách dài hạn trước những rủi ro hay cơ hội mới trong tương lai.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan và chưa có tiền lệ đang gia tăng cả về tần suất và quy mô tác động. Thiên tai đã khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại ước tính hơn 390 tỷ USD vào năm 2020. CSIRO cho rằng, điều chỉnh hệ thống chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng quan trọng theo các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu và điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ trở thành một xu thế ngày càng phổ biến tại các quốc gia trong nhiều thập niên tới. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) gần đây cũng xác định thời tiết cực đoan, sự thất bại của các hành động khí hậu, sự hủy hoại môi trường và mất đa dạng sinh học do con người nằm trong số 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ngày càng ủng hộ quan điểm khẳng định mối quan hệ giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan và sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cùng các hiệp hội y khoa của nhiều nước tiên tiến đều tuyên bố, biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe. LHQ dự đoán rằng, có tới 5,7 tỷ người sẽ gặp phải tình trạng khan hiếm nước ít nhất một tháng mỗi năm kể từ năm 2050. Vào năm 2020, dưới 1% diện tích đất toàn cầu được phân loại là “vùng cực nóng”, nhưng đến năm 2070, vùng này được dự đoán sẽ tăng lên 19% diện tích Trái đất, tác động đến cuộc sống của 3,5 tỷ người.

Các cơ sở hạ tầng như đường bộ hoặc đường sắt thường được xây dựng bằng các vật liệu và phương pháp được thiết kế cho điều kiện khí hậu ổn định. Nhiệt độ tăng quá cao có thể làm tăng nguy cơ sụt lún đường bộ hoặc khiến đường sắt giãn nở. Chi phí vận hành và bảo trì mạng lưới giao thông vận tải trên khắp Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh có thể tăng 1,3% (tương đương 1,4 tỷ USD) nếu toàn cầu ấm lên 1,5oC và 6,9% (tương đương 7,6 tỷ USD) nếu Trái đất ấm lên 4oC.

Sạch hơn và xanh hơn

Khi quy mô dân số toàn cầu tiếp tục tăng và số lượng người xếp vào nhóm thu nhập cao tăng lên sẽ xuất hiện thêm áp lực đối với thực phẩm, tài nguyên nước, khoáng sản và năng lượng vốn hữu hạn trên Trái đất. Tuy nhiên, những hạn chế này lại trở thành động lực thúc đẩy những đổi mới sáng tạo nhằm hướng tới một thế giới đạt được trung hòa khí thải carbon, giảm nguy cơ mất đa dạng sinh học và giải quyết thách thức rác thải toàn cầu.

LHQ ước tính rằng, khoảng 75 tỷ tấn đất màu mỡ và 12 triệu ha đất canh tác với khả năng sản xuất 20 triệu tấn ngũ cốc bị mất đi hằng năm do sa mạc hóa và suy thoái đất. Đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong tương lai sẽ là một thách thức với thế giới, nhưng vẫn trong khả năng xử lý. Nguy cơ xảy ra nạn đói dự kiến ​​sẽ giảm trong tương lai với sự cải thiện của hệ thống an ninh lương thực toàn cầu. Các công nghệ sinh học mới giúp sản xuất thực phẩm với ít năng lượng, nước và đất đai hơn. Thị trường công nghệ sinh học dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 24% trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2025 và sẽ đạt giá trị 74 tỷ USD vào 2025.

Khoảng 25% các loài sinh vật sống trên Trái đất có nguy cơ tuyệt chủng. Các rạn san hô là một trong những hệ sinh thái chịu áp lực lớn nhất khi diện tích san hô trên toàn thế giới đã giảm một nửa kể từ năm 1950. Tuy nhiên, một phân tích gần đây cho thấy các hoạt động bảo tồn tại 109 quốc gia từ năm 1996 đến năm 2008 đã giúp giảm 29% tỷ lệ mất đa dạng sinh học.

Điều đáng mừng là ít nhất 129 quốc gia đã cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các nhà đầu tư toàn cầu hàng đầu cũng tuyên bố chỉ tài trợ các công ty có lượng khí thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. EU lên kế hoạch triển khai “thuế carbon biên giới”, loại thuế carbon đánh vào hàng hóa nhập khẩu vào năm 2023. Trong khi đó, ngành năng lượng sạch đang phát triển mạnh mẽ. Các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến sẽ chiếm 80% mức tăng trưởng nhu cầu điện toàn cầu vào năm 2030. Sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu mở ra ngành công nghiệp mới và cơ hội tạo việc làm. Ngành năng lượng của Mỹ sẽ cần thêm 4,6 triệu người lao động vào năm 2035 để đáp ứng mục tiêu giảm thải carbon.

Gia tăng các nguy cơ về sức khỏe

Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng mức độ hiện hữu những thách thức về sức khỏe bên cạnh gánh nặng từ các bệnh mãn tính và những vấn đề về sức khỏe tâm thần; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của các yếu tố xã hội và kinh tế đối với sức khỏe.

CSIRO ghi nhận xu hướng tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Australia chi tới 10% GDP cho chăm sóc sức khỏe, so mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 8,8%. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng lên rõ rệt. Trong năm 2001, tổng số chi tiêu cho

y tế ở Australia là 93,3 tỷ USD; năm 2018, con số này tăng lên thành 185,4 tỷ USD. Điểm nổi bật của y học hiện đại là bệnh tật được chẩn đoán sớm hơn và các điều kiện giúp kéo dài sự sống tăng.

Tuy nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng cùng với sự gia tăng dân số toàn cầu. Bệnh truyền nhiễm được thúc đẩy bởi các yếu tố như mật độ dân số gia tăng và sự thay đổi môi trường toàn cầu. Trước đại dịch Covid-19, nhân loại từng đối mặt nhiều đợt bùng phát dịch bệnh như SARS (2003), H5N1 (2005), H1N1 (2009), Ebola (2012) và MERS (2015)... Trong sáu tháng đầu năm 2022, CSIRO nhận thấy sự gia tăng các mối quan tâm về bệnh viêm não Nhật Bản và đậu mùa khỉ.

Gánh nặng sức khỏe mãn tính và sức khỏe tâm thần cũng ngày càng tăng. Khoảng 47,3% số người trưởng thành tại Australia cho biết, mắc phải một hoặc nhiều bệnh mãn tính trong giai đoạn 2017-2018. Hầu hết người trưởng thành tại Australia không đáp ứng các hướng dẫn được khuyến nghị về tập thể dục hoặc ăn uống lành mạnh và tỷ lệ thừa cân hoặc béo phì đã tăng từ 61,1% giai đoạn 2007-2008 lên 66,4% giai đoạn 2017-2018. Tổn thất tài chính do giảm năng lực sản xuất vì các bệnh mãn tính ở Australia dự kiến ​​sẽ tăng từ 12,6 tỷ USD năm 2015 lên 20,5 tỷ USD vào năm 2030.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cuối tháng 5 đến tháng 10/2020, khoảng 16,9% số người dân bang Victoria của Autralia được hỏi cho biết từng có ý tưởng tự tử và 9,5% xem xét nghiêm túc việc tự tử. Một nghiên cứu từ Mỹ cũng chỉ ra rằng, các triệu chứng trầm cảm, suy nghĩ và hành vi tự sát tăng lên từ tháng 4 đến tháng 9/2020 cho thấy, nhu cầu hỗ trợ sức khỏe tâm thần trong cả giai đoạn dịch bệnh bùng phát và giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Đồng tác giả báo cáo của CSIRO Stefan Hajkowicz cho biết, một số xu hướng đã được thảo luận rộng rãi, trong khi các xu hướng khác mới hơn và liên quan trực tiếp tới những gì đã trải qua trong đại dịch Covid-19. Các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu hiểu được những tác động lâu dài có thể xảy ra của đại dịch đối với sức khỏe tâm thần và bệnh mãn tính.

Ngoài ba xu hướng kể trên, sự gia tăng các nỗ lực giúp bảo đảm sự ổn định cho tăng trưởng kinh tế - thương mại toàn cầu, sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế kỹ thuật số và dữ liệu, bước nhảy vọt của công nghệ trí tuệ nhân tạo hay sự đa dạng, công bằng và minh bạch trong việc đưa ra các chính sách, quyết định kinh doanh, quyết định cộng đồng cũng được các nhà khoa học đánh giá sẽ tác động lớn tới tương lai thế giới trong ít nhất 20 năm tới.