Những mô hình chống lụt thông minh

Biến đổi khí hậu đang tạo ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt bất thường. Thời gian gần đây, nhiều nước trên thế giới liên tục gồng mình chống lại hậu quả của những trận mưa lớn gây lũ lụt kinh hoàng kèm theo nhiều thiệt hại. Trước tình hình đó, các quốc gia đã triển khai nhiều mô hình thông minh, độc đáo nhằm chống lại tình trạng thiên nhiên cực đoan này.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống đập nước Delta Works nổi tiếng của Hà Lan. Ảnh: SCROLLER
Hệ thống đập nước Delta Works nổi tiếng của Hà Lan. Ảnh: SCROLLER

Hậu quả nặng nề

AP dẫn số liệu của Cơ quan quản lý khẩn cấp quốc gia Nigeria mới đây cho biết, tính đến ngày 16/10 vừa qua, trận lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 10 năm qua tại nước này khiến hơn 600 người thiệt mạng, hơn 1,3 triệu người phải rời nhà cửa, 82.000 ngôi nhà và gần 110.000 ha đất nông nghiệp bị tàn phá. Những hậu quả nặng nề nói trên khiến Nigeria phải tuyên bố thảm họa thiên tai. Theo giới chức nước này, mùa mưa ở Nigeria thường bắt đầu vào khoảng tháng 6 và lượng mưa đặc biệt lớn xuất hiện kể từ tháng 8 đến nay. Tháng trước, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết, Nigeria nằm trong số sáu quốc gia phía nam châu Phi đối mặt nguy cơ thiếu đói cao do lũ lụt phá hủy hoa màu.

Trong khi đó, tại Thailand, gần ba tuần sau khi cơn bão Noru quét qua, ngày 17/10, nhiều vùng ở huyện Bang Ban, thuộc tỉnh Ayutthaya vẫn chìm trong nước. Reuters dẫn lời Laddawan Jitruk, một tiểu thương tại Bang Ban cho biết: “Nhiều tuyến đường bị chia cắt vì nước ngập. Chúng tôi đều phải di chuyển bằng thuyền”. Một thống kê của Chính phủ Thailand cho thấy, trong mùa lũ năm nay, hơn 224.000 hộ gia đình tại 27 tỉnh phía bắc, đông bắc và miền trung nước này bị ảnh hưởng của siêu bão Noru. Chính phủ Thailand đã dành ngân sách trị giá hơn 600 triệu USD để hỗ trợ người dân vùng lũ lụt.

Thành phố Sydney, thuộc bang New South Wales (Australia) ghi nhận 2022 là “năm ẩm ướt” nhất kể từ năm 1858. Kỷ lục lượng mưa hằng năm trong 70 năm qua tại Sydney đã bị phá vỡ, với tổng lượng mưa lên tới

2.216 mm, dù còn gần ba tháng nữa mới hết năm 2022. Chỉ trong thời gian ngắn, những trận mưa lớn liên tục đổ xuống miền đông Australia, buộc nhiều người dân phải rời nhà đi sơ tán khi các con sông tràn bờ và nước dâng gây ngập lụt nhiều nơi.

Các nhà khí tượng học dự báo, thời gian còn lại của năm 2022, Australia sẽ ghi nhận nhiều mưa hơn do sự xuất hiện hiếm gặp của hiện tượng La Nina lần thứ ba liên tiếp. “Vào cuối mùa hè này, Australia vẫn nằm trong khu vực La Nina hoạt động mạnh nên lượng mưa sẽ ngày càng nhiều hơn, làm tăng nguy cơ lũ lụt”, chuyên gia Jonathan How từ Cục Khí tượng Australia cho biết. Tháng 10 hằng năm vốn là tháng khô hạn ở Australia, nhưng tháng 10 năm nay, thành phố Sydney đã hứng chịu những trận mưa liên tục trong suốt hai tuần qua, ước tính tương đương với lượng mưa của một tháng, gây nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất tại nhiều khu vực.

Những mô hình chống lụt thông minh ảnh 1

Hầm thoát nước kiêm phục vụ giao thông tại Kuala Lumpur.

Thích nghi với thiên tai

Japan Times cho biết, Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) nằm trên một vùng đồng bằng bị cắt ngang bởi năm hệ thống sông và hàng chục con sông khác dâng nước lên mỗi khi mùa mưa đến. Chính vì vậy, thành phố này luôn đứng trước nguy cơ ngập lụt cao, nhất là sau khi tuyết tan hoặc mùa mưa về. Để chống lại tình trạng ngập lụt luôn đe dọa cuộc sống và công việc của hàng triệu cư dân, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định xây kênh thoát nước ngầm ngoại vi đô thị, hay còn gọi là dự án G-Cans vào năm 1993. Sau 13 năm, dự án khổng lồ này mới hoàn thành với kinh phí lên tới gần ba tỷ USD vào thời điểm đó. Công trình này còn được mệnh danh “Điện Pantheon” (nơi chôn cất và tôn vinh những nhân vật lịch sử và những người làm rạng danh cho nước Pháp) dưới lòng đất vì sự đồ sộ của nó.

Công trình thoát nước ngầm này thực chất là một bể chứa nước khổng lồ nằm sâu dưới mặt đất 50m, được tạo thành từ 5 trụ chứa cao 75m, rộng 32m và được nối với nhau bằng đường ống dài 6,3km, đường kính 10m. Đường ống này dẫn đến một bể chứa nước khổng lồ cao 25m, dài 177m và rộng 78m, quy mô lớn hơn một sân bóng đá.

Hệ thống G-cans sẽ dẫn nước từ các khu dân cư bị ngập lụt vào năm bể trụ ngầm khổng lồ và sau đó xả ra sông Edogawa thông qua một hệ thống đường hầm ngầm nối các bể trụ lại với nhau. Theo đó, khi xảy ra tình trạng ngập lụt, mực nước vượt qua độ cao của đê bao quanh các sông Nakagawa, Kuramatsu và sông Oootoshifurutone, nước sẽ tự chảy vào các bể trụ ngầm. Chiều cao của đê tràn được xây dựng chỉ gần bằng mặt đất nơi thấp nhất gần đó nhằm bảo đảm hệ thống thoát nước hoạt động hiệu quả ngay cả khi xảy ra lũ lụt ở quy mô nhỏ. Nhờ có hệ thống này, người dân Tokyo và các vùng lân cận không còn phải đối diện với nỗi lo ngập lụt trong nhiều năm qua.

Tại Malaysia, chính quyền Thủ đô Kuala Lumpur đã cho ra đời đường hầm SMART “2 trong 1”. Đường hầm có một không hai trên thế giới này vừa có thể phục vụ giao thông vừa là đường thoát lũ mỗi khi mực nước tại đây dâng cao. Hầm SMART dài 9,7km được xây dựng với chi phí khoảng 500 triệu USD. Nhờ có đường hầm này mà Thủ đô Kuala Lumpur đã không còn xảy ra những trận ngập lụt nặng nề như trước kia. Năm 2011, đường hầm SMART vinh dự nhận được Giải thưởng Danh dự của Chương trình Định cư con người của LHQ (UN Habitat) cho việc quản lý nước mưa và giao thông vào giờ cao điểm một cách sáng tạo và độc đáo.

Là quốc gia ghi nhận lượng mưa lớn bất thường vào năm nay gây ngập lụt nghiêm trọng, ngày 4/9 vừa qua, theo CNN, Pakistan đã phá hủy hồ nước ngọt lớn nhất Manchar để chống tràn gây lũ khi mưa to. Quyết định chiến lược này sẽ giúp các khu vực đông dân cư thoát khỏi tình trạng ngập lụt. Bộ trưởng Thủy lợi Pakistan, ông Sindh Jam Khan Shoro cho biết, hồ Manchar được sử dụng để dự trữ nước, nhưng mực nước ở đây đã đạt đến mức nguy hiểm, đe dọa các khu vực chung quanh ở tỉnh Sindh tại phía nam Ấn Độ.

Theo ông Shoro, việc phá hồ khiến khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng, phải di tản song sẽ giúp các cụm dân cư đông đúc hơn tránh được nạn lũ lụt và làm giảm mực nước ở nhiều khu vực khác. “Bằng cách phá hồ, chúng tôi đã cố gắng cứu thị trấn Sehwan. Mực nước tại các thị trấn Johi và Mehar ở huyện Dadu cũng giảm xuống nhờ việc phá hồ”, ông Shoro nhấn mạnh.

Nói đến chống ngập lụt thì không thể không nhắc tới Hà Lan, quốc gia được mệnh danh là “hình mẫu chống lũ”. Với 26% diện tích nằm thấp hơn mực nước biển, trước đây Hà Lan luôn phải hứng chịu những cơn lũ lớn và sự xâm nhập mặn của Đại Tây Dương. Để chống lại lũ và nước biển dâng, Chính phủ Hà Lan đã triển khai kế hoạch mang tên “Delta Work”. Đây là một trong những hệ thống đập chống ngập lụt lớn nhất thế giới, được triển khai từ năm 1954. Hệ thống này được ví như “pháo đài ngăn lũ” với ba chốt chặn, sáu đập và bốn hàng rào ngăn lũ khổng lồ được dựng ở phía tây nam đất nước. Hệ thống vận hành theo cơ chế van tự động đóng - mở khi gặp các tình huống nước biển đột ngột dâng cao.

Hà Lan cũng cho đào nhiều kênh, sông nhỏ, hồ chứa chống lũ lụt, xây cối xay gió, lắp đặt máy bơm để bảo đảm nước mưa và nước sông được điều tiết hợp lý. Các “vùng xả thải” cũng được hình thành, trong trường hợp nước sông dâng cao sẽ xả nước nhằm bảo vệ an toàn cho thành phố. Nhờ đó, từ nhiều thập kỷ nay, người Hà Lan không còn đối mặt nguy cơ ngập lụt.

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những hiện tượng thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt, nước biển dâng, tan băng, mưa nhiều bất thường gây ngập lụt. Do đó, giới chức nhiều quốc gia đang liên tục đề xuất những biện pháp phối hợp giải quyết mang tính bền vững, thích ứng tự nhiên.