Những dự án FDI đáng chú ý

Với những chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong hai tháng đầu năm, có nhiều thông tin tích cực về các doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam, trong đó có cả những doanh nghiệp Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Các khu công nghiệp miền bắc đã thu hút nhiều nhà sản xuất hàng điện tử nước ngoài.
Các khu công nghiệp miền bắc đã thu hút nhiều nhà sản xuất hàng điện tử nước ngoài.

Nhà sản xuất màn hình Trung Quốc BOE Technology Group Co Ltd, đơn vị cung cấp màn hình cho cả Apple và Samsung, đang có kế hoạch đầu tư lên tới 400 triệu USD để xây dựng hai nhà máy tại Việt Nam. Kế hoạch này nhấn mạnh nỗ lực của các công ty công nghệ nhằm giảm thiểu những thiệt hại do khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington. BOE đang đàm phán để thuê hàng chục ha đất ở miền bắc Việt Nam, bổ sung sản lượng cho nhà máy tương đối nhỏ của họ ở miền nam, nơi cung cấp phần lớn màn hình tivi cho hai công ty Hàn Quốc là Samsung và LG.

Gần đây, các khu công nghiệp miền bắc đã thu hút đầu tư đáng kể từ các nhà sản xuất hàng điện tử, trở thành trung tâm sản xuất điện thoại thông minh, máy tính và camera, bao gồm cả các mặt hàng chủ lực của Apple và Samsung. Hon Hai Precision Industry Co Ltd (thuộc Foxconn) và Luxshare Precision Industry (của Trung Quốc) cũng sản xuất hoặc có kế hoạch lắp ráp một số sản phẩm của Apple tại miền bắc như máy tính xách tay và máy tính bảng.

BOE có kế hoạch thuê tới 100ha và sử dụng 20% quỹ đất cho một nhà máy sản xuất hệ thống điều khiển từ xa với chi phí 150 triệu USD, phần còn lại sẽ dành cho màn hình, với 250 triệu USD xây dựng một nhà máy hơn 50ha trong khi các nhà cung cấp sẽ sử dụng 30ha còn lại vào năm 2025. BOE có kế hoạch sản xuất màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ (OLED) phức tạp hơn tại địa điểm này thay vì màn hình tinh thể lỏng (LCD). Theo nhà phân tích Kuo Ming-chi tại TF International Securities, BOE - nhà sản xuất màn hình lớn nhất Trung Quốc tính theo sản lượng sẽ trở thành nhà cung cấp màn hình lớn nhất cho iPhone mới vào năm 2024.

Tại Việt Nam, Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, sản xuất một nửa số thiết bị cầm tay của mình trong khi LG đã có cơ sở hoạt động lớn và đang có kế hoạch đầu tư mới.

Hiện tại, nhà sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc BYD Auto Co cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam để sản xuất phụ tùng xe hơi. Đây là động thái giảm sự phụ thuộc của công ty vào Trung Quốc và tăng cường chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á. Khoản đầu tư sẽ hơn 250 triệu USD, nhằm mở rộng sự hiện diện của BYD tại Việt Nam, nơi đơn vị điện tử của công ty này sản xuất các tấm pin mặt trời.

Vào năm 2022, BYD có trụ sở tại Tây An, đã có doanh số bán hàng gấp đôi so với đối thủ Tesla về xe điện tại Trung Quốc. BYD đang mở rộng ra ngoài thị trường nội địa, bao gồm Singapore, Nhật Bản và châu Âu. Được hỗ trợ bởi quỹ Berkshire Hathaway của Warren Buffett, BYD sản xuất cả xe hybrid cắm điện và xe điện thuần túy. Giống như Tesla, BYD kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả sản xuất pin, một chiến lược khiến công ty này khác biệt với các nhà sản xuất ô-tô lâu đời.

Bằng cách đầu tư vào Việt Nam, BYD đang tìm cách bổ sung công suất, kiểm soát chi phí và đa dạng hóa sản xuất từ các hoạt động tại Trung Quốc, nơi có nhu cầu rất lớn. Hiện, chưa rõ BYD sẽ chế tạo những bộ phận xe điện nào tại Việt Nam và liệu khâu sản xuất có bao gồm pin hay bộ pin hay không. Hoạt động của BYD tại Việt Nam có thể phục vụ thị trường địa phương, chủ yếu thông qua các dịch vụ bảo trì và phụ tùng thay thế cho xe BYD nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đó sẽ đặt ra thách thức trực tiếp đối với VinFast.

Tập đoàn Intel cũng đang xem xét tăng đáng kể khoản đầu tư 1,5 tỷ USD hiện tại vào Việt Nam để mở rộng nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip. Nguồn tin từ Reuters cho biết, khoản tăng thêm có thể trị giá khoảng 1 tỷ USD, báo hiệu vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn, Intel đã nói rằng: “Việt Nam là một phần quan trọng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của chúng tôi, nhưng chúng tôi chưa công bố bất kỳ khoản đầu tư mới nào”.

Nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip tại Việt Nam là nhà máy lớn nhất trên toàn thế giới của Intel. Công ty ước tính đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD cho đến nay. “Gã khổng lồ” sản xuất chip của Mỹ đã có thêm đất để đặt nhà máy và việc mở rộng tại Việt Nam sẽ giúp hãng quản lý tốt hơn sự gián đoạn nguồn cung do phụ thuộc nhiều vào một quốc gia hoặc một nhà máy. Hiện tại, đang có cơ hội lớn của Việt Nam trong lĩnh vực lắp ráp chip nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành nhằm giảm tình trạng “tập trung quá mức” năng lực sản xuất ở Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), hai thị trường chiếm 60% công suất toàn cầu trong phân khúc.

Sau tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu do đại dịch Covid-19, Intel đã công bố kế hoạch vào cuối năm 2021 để đầu tư hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip mới ở Malaysia. Cơ sở đó dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024. Intel cũng có các cơ sở thử nghiệm và đóng gói ở Trung Quốc và Mỹ.

Mới đây, theo biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Công nghệ quang học Sunny của Trung Quốc với UBND tỉnh Thái Nguyên, thì Sunny đang có kế hoạch đầu tư tới 2,5 tỷ USD để phát triển một khu liên hợp sản xuất quang học tại Thái Nguyên. Việc xây dựng cơ sở này sẽ mất 5 năm sau khi chính quyền địa phương cấp giấy phép đầu tư, đồng thời cơ sở này sẽ cung cấp thiết bị cho cả các ngành công nghiệp điện tử và ô-tô.

Sembcorp Industries và Becamex IDC Corp cũng vừa ký một biên bản ghi nhớ để cùng thành lập 5 khu công nghiệp tại Việt Nam trị giá khoảng 1 tỷ USD. Sembcorp cho biết, các Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) sẽ có hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà, trang trại năng lượng mặt trời và các tòa nhà được chứng nhận “xanh”. Sembcorp và Becamex cũng đã nhận được giấy phép đầu tư từ Chính phủ Việt Nam để phát triển VSIP thứ hai tại tỉnh Nghệ An. Giấy phép này là sự mở rộng của VSIP rộng 750ha ở tỉnh Nghệ An năm 2015. Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II được quy hoạch trên diện tích 500ha tại các xã Diễn Thọ, Diễn Phú, Diễn Lộc (huyện Diễn Châu) thuộc khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An. VSIP Nghệ An II sẽ là khu công nghiệp VSIP thứ hai tại Nghệ An, sau dự án VSIP Nghệ An đầu tiên tại huyện Hưng Nguyên. Tính đến tháng 12/2022, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đã thu hút được 32 dự án đầu tư, đạt tỷ lệ lấp đầy 86,4%, dự kiến thu hút khoảng hơn 13.000 lao động địa phương. Tổng vốn đầu tư FDI đã đăng ký vào VSIP Nghệ An đạt 744 triệu USD.

BW Industrial có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, một liên doanh giữa “gã khổng lồ” cổ phần tư nhân Mỹ Warburg Pincus và Becamex, vừa được tập đoàn bất động sản ESR có trụ sở tại Hồng Công mua lại cổ phần “chiến lược” như một phần của vòng cấp vốn có thể huy động tới 450 triệu USD cho nhà phát triển công nghiệp lớn này. Lance Li, Giám đốc điều hành của BW cho biết, trong thông cáo báo chí sau sự kiện: “Với sự chuyển đổi mang tính đột phá của cơ sở sản xuất sang Việt Nam cũng như sự gia tăng của tiêu dùng nội địa, đặc biệt là thông qua thương mại điện tử, BW có vị trí thuận lợi để cung cấp cơ sở hạ tầng kinh tế mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế lâu dài, tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”.

Trong một thông báo khác gửi tới sàn giao dịch chứng khoán Hồng Công, ESR cho biết, họ đang mua hơn 168 triệu cổ phiếu BW mới phát hành, tương đương 10,89% vốn điều lệ đã phát hành của BW. Vào tháng 5/2021, BW và ESR đã thành lập một liên doanh để phát triển Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 tại tỉnh Bình Dương. Dự án rộng 240.000m2 đã cho thuê cả cơ sở hậu cần và sản xuất nhẹ. ESR cũng đã biệt phái Fion Ng, người đứng đầu bộ phận đầu tư và phát triển của ESR tại Đông Nam Á, đảm nhận vai trò giám đốc điều hành và người đứng đầu phía bắc tại BW.

Hiện tại, với những chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, giá nhân công cạnh tranh, Việt Nam đang là điểm đến được nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn để đa dạng chuỗi cung ứng và mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng để có thể tham gia mắt xích có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, việc đẩy nhanh chuyển đổi số, áp dụng ESG (môi trường - xã hội - quản trị) và nâng cao tay nghề của lực lượng lao động đang là những vấn đề cấp thiết cần tập trung giải quyết để nâng cao năng lực của đất nước và mở ra thêm nhiều cơ hội tiềm năng.