Sập bẫy
Chiều ngày 27-3, Đội tuần tra Đồn Biên phòng Si Ma Cai (BĐBP Lào Cai) làm nhiệm vụ tại khu vực vành đai biên giới, đến khu vực thôn Lù Dì Sán, Sán Chải, Si Ma Cai, phát hiện một đôi nam nữ đang giằng co. Người đàn ông - Ly Seo Ca, dân tộc Mông, trú tại Lang Thíp, Văn Yên (Yên Bái) vội vã bỏ chạy nhưng không thoát…
Đồn trưởng Tạ Bình Nguyên cho biết, thủ đoạn của Ca thường tìm cách lân la làm quen các cô gái qua Zalo, facebook và số điện thoại, đường mật “thả thính” vờ yêu đương, lấy lý do đưa về nhà ra mắt bố mẹ hỏi cưới nhưng đưa thẳng sang Trung Quốc lừa bán. Trong số các cô gái bị Ca lừa gạt, T.T.X, V.T.D còn may mắn được giải cứu, trở về, còn nạn nhân G.T.Q giờ không biết trôi dạt ở đâu nơi xứ người.
Nếu không nhanh trí lợi dụng sơ hở để bỏ trốn về nước, giờ này H.T.H ở Đông Lĩnh, Thanh Ba (Phú Thọ) đang chôn vùi tuổi xuân trong động mại dâm ở xứ người. Trong thời gian làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, H và hai cô gái đã bị Trương Thị Hiền và Phan Văn Lượng cùng ở Đại Từ (Thái Nguyên) dụ dỗ, bán sang tay cho một phụ nữ Việt đang sinh sống tại Trung Quốc.
Cũng chỉ vì hám lời mà Sần Sành Mình ở Xuân Trường, Bảo Lạc (Cao Bằng) bán con cho người Trung Quốc làm con nuôi, rất may cháu bé đã được giải cứu kịp thời.
Thời gian qua, nạn MBN chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bởi siêu lợi nhuận, do công nghệ thông tin phát triển; hợp tác đấu tranh giữa các lực lượng chức năng hai nước chưa đủ mạnh; truyền thông nâng cao nhận thức diện bao phủ chưa nhiều, còn nặng về hình thức, một số người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, chưa tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm MBN. Nạn nhân của các vụ MBN thường là những phụ nữ sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh éo le, nghèo khó, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, hoặc nữ thanh niên, học sinh, sinh viên thích ăn chơi, đua đòi, muốn kiếm việc nhàn nhã có thu nhập cao, lấy chồng giàu để đổi đời nên dễ dàng sập bẫy khi những kẻ MBN chủ yếu là lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự hoặc từng là nạn nhân mưu mô, dã tâm giăng lưới. “Phần lớn số nạn nhân bị mua bán được đưa vào các ổ mại dâm, ép buộc kết hôn với đàn ông người Trung Quốc, cưỡng bức lao động nặng nhọc, đối xử thô bạo”, Đại tá Ninh Văn Hợp, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Qua đấu tranh các vụ án MBN, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) cũng làm rõ thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt mà bọn tội phạm đối phó hòng qua mặt lực lượng truy bắt như làm hộ chiếu, giấy tờ cho nạn nhân xuất cảnh với danh nghĩa thăm thân, du lịch, lao động, buôn bán…; hướng dẫn nạn nhân tự vượt biên qua các đường mòn, lối tắt, sau đó đón ở bên kia biên giới, thu toàn bộ giấy tờ, tiền, tư trang. Không xác định được địa điểm bị đưa đi, không thông thuộc địa bàn, không biết tên, địa chỉ của đối tượng cũng như không biết tiếng địa phương nên họ khó có thể trốn khỏi sự kiểm soát của chúng và tố giác hành vi phạm tội.
Cần trấn áp mạnh hơn
Có tới 892 vụ MBN sang Trung Quốc (chiếm 84,23% tổng số vụ), với 1.187 đối tượng (chiếm 82,89% tổng số đối tượng), lừa bán 2.319 nạn nhân (chiếm 86,72% tổng số nạn nhân) là con số phát hiện, bắt giữ từ đầu năm 2016 đến nay. Để có được con số nói trên, lực lượng Công an và BĐBP cả nước luôn chủ động tiến hành nắm chắc tình hình, triển khai kế hoạch tăng cường phòng ngừa và đánh mạnh tội phạm MBN. Qua những vụ án điểm xét xử công khai, lưu động để răn đe cùng những hình thức tuyên truyền phong phú, sâu rộng, tập trung số phụ nữ, trẻ em có nguy cơ cao đã góp phần giúp mọi người nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác, cung cấp hàng trăm tin có giá trị phục vụ đấu tranh. Việc tăng cường giao ban, trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh bắt giữ, chuyển giao tội phạm MBN giữa lực lượng chức năng hai nước cũng tạo bước chuyển tích cực trong công tác phòng, chống.
Tuy nhiên, kết quả điều tra, khám phá các vụ án MBN còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu so tình hình thực tiễn. Có rất nhiều rào cản trong quá trình điều tra, phá án, đó là: sự khác nhau về chính sách pháp luật và ngôn ngữ trong phối hợp giữa lực lượng chức năng hai nước, tội phạm MBN hoạt động tinh vi, lưu động, liên tỉnh, xuyên quốc gia, diễn ra trong thời gian dài, qua nhiều khâu, công đoạn, không có hiện trường vật chất, xác định thiệt hại, giá trị vụ lợi khó khăn nên việc phát hiện, điều tra còn hạn chế. Trung tá Ngô Xuân Ý, Phó phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự đề cập: “Nhiều vụ án chỉ được phát hiện điều tra sau khi nạn nhân đã bị bán qua biên giới, chỉ bắt giữ, xử lý các đối tượng ở trong nước còn đối tượng chủ mưu cầm đầu ở nước ngoài nên khó điều tra mở rộng, truy bắt tận gốc. Chưa kể, một số bị hại sau khi bỏ trốn, tự giải thoát trở về địa phương không tố giác và ngay cả khi tố cáo thì thu thập, tài liệu chứng cứ khó khăn bởi chỉ dựa vào lời khai của người bị hại và lời khai nhận tội của người phạm tội, nếu bị hại khai ngoài bản thân mình còn nhiều người khác bị lừa bán thì rất khó chứng minh khi người phạm tội không thừa nhận. Vì vậy, khâu phá án đòi hỏi các biện pháp, chiến thuật điều tra tính toán, cân nhắc thận trọng, có kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ mới thành công”.
Muốn “hạ nhiệt” tình hình một cách bền vững, không thể xem nhẹ biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống MBN với phương châm phòng là chính. Cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi về những thủ đoạn của tội phạm MBN, đưa người di cư trái phép và nguy hiểm, rủi ro khi vượt biên trái phép. Đặc biệt, theo Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Lương Thanh Quảng nhấn mạnh, cần phân loại đối tượng cụ thể để công tác tuyên truyền thật sự đi vào chiều sâu và có hiệu quả, giúp họ chủ động phòng tránh.