Tết này, bên cạnh sự sung túc, đủ đầy của mức sống tăng lên, nhu cầu tiêu dùng, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí những ngày xuân Tết được đáp ứng đa dạng, vẫn còn nhiều lắm những cái Tết nghèo, Tết đạm bạc trong những gia đình lụp xụp, ở bệnh viện với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, ở nơi heo hút vùng sâu vùng xa, nơi những cơn bão đi qua chưa kịp phục hồi, trên những vùng núi phía bắc đang chịu đựng sương tuyết phá hoại hoa màu, vật nuôi…
Trong bối cảnh đó, ngày xuân sẽ càng thêm ấm áp, ý nghĩa với đóng góp của nhiều tấm lòng trong xã hội, hướng đến những thân phận thiệt thòi, khó khăn. Nhưng lớn, rộng hơn thế, vấn đề người nghèo, sự chênh lệch mức sống, những biểu hiện của bất bình đẳng trong xã hội… đang tiếp tục đặt ra như một thực trạng thường trực, nan giải mà câu trả lời không thể giải quyết chỉ bằng các hoạt động tương thân, tương ái.
Đã có những chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào vùng khó khăn, thiên tai trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đã có các chương trình cho vay vốn, hỗ trợ giống, tặng phương tiện sản xuất, vật nuôi. Cùng với nhiều hoạt động xã hội khác hướng đến các đối tượng khó khăn, nghèo khó trong chữa bệnh, học hành, sửa chữa nhà cửa… Nhiều chương trình đều phát huy hiệu quả ở nhiều mức độ và cần được tích cực phát huy.
Thực trạng xuất hiện thêm nhiều trường hợp “nghèo hóa”, khó khăn, vất vả, thiệt thòi do thiên tai, bệnh tật, mùa màng thất bát và nhiều nguyên nhân kinh tế, xã hội khác, đang đặt ra mong mỏi nhiều hơn từ các địa phương, giới chuyên môn và các bộ phận quan tâm trong xã hội, trong việc phân tích, lý giải. Đồng thời nghiên cứu bổ sung, phát triển các chính sách, cơ chế phù hợp, khả thi trong bối cảnh mới. Đây là vấn đề cấp thiết bên cạnh các mục tiêu xây dựng kinh tế đất nước, thúc đẩy xã hội phát triển đủ đầy hơn, văn minh hơn.