Nhanh chóng thích nghi với thực tế mới

Nhu cầu hiện tại của các doanh nghiệp trên toàn cầu là cân bằng giữa lợi nhuận ngắn hạn và chuyển đổi dài hạn. Với những khó khăn tiềm tàng trong năm 2023, các nhà điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam cần phải nhanh chóng thích nghi với thực tế mới, nhận thức rõ vai trò lãnh đạo đối với việc định hình các hoạt động kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ảnh: NGUYỆT ANH

Khảo sát thường niên của công ty kiểm toán PwC đối với 4.410 giám đốc điều hành (CEO) trên toàn thế giới, trong đó có 1.634 CEO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), cho thấy niềm tin của các CEO về sự phục hồi kinh tế trong năm 2023 đang bị ảnh hưởng khi phải đối mặt với một loạt thách thức như xung đột địa chính trị, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, thay đổi lực lượng lao động và áp lực ngày càng tăng đối với việc phải hành động theo tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Trách nhiệm xã hội - Quản trị).

Trong thực tế mới, các CEO tại APAC không còn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế như trước đây, 69% tin rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm so với năm 2022 - thời điểm khi 76% trong số họ lạc quan về sự phục hồi kinh tế. Các CEO đều đang hướng tới việc ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn, có tới 50% trong số họ cho rằng cần tập trung giảm chi phí cho các hoạt động của doanh nghiệp, đa dạng hóa danh mục đầu tư và tăng giá trong ngắn hạn. 53% các doanh nghiệp tin rằng, mô hình kinh doanh hiện tại sẽ không tồn tại được trong thập kỷ tới (con số này chiếm hơn 14% trên toàn cầu), họ cho rằng cần phải chuyển đổi hoạt động kinh doanh để duy trì khả năng tồn tại.

Các CEO tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một loạt các thách thức như vậy. Họ cần phải điều hướng doanh nghiệp theo bối cảnh kinh tế hiện tại, đồng thời có bước chuẩn bị để chuyển đổi các hoạt động kinh doanh trong tương lai. Ngoài lợi thế về triển vọng của thị trường Việt Nam, các CEO cần phải chuẩn bị để đứng vững trước những biến động, vượt qua các trở ngại như điều chỉnh mô hình kinh doanh, áp dụng công nghệ mới để chuyển đổi doanh nghiệp, có những biện pháp để thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đối tác để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Kinh tế Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ vượt trội hơn so với các nước trong khu vực bất chấp triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%. Trong khi đó, các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong khoảng từ 6,3% đến 7,2%. Niềm tin này còn được tiếp thêm hy vọng nhờ đang diễn ra sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Mặc dù đã thành công để giữ tỷ lệ lạm phát dưới 4% vào năm 2022, nhưng trong năm 2023, áp lực lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Và những doanh nghiệp phụ thuộc vào đầu vào nhập khẩu đang phải đối mặt với chi phí ngày càng tăng do lạm phát ở nước ngoài và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần tập trung vào hiệu quả để bảo đảm tính liên tục và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, có thể khám phá các cơ hội từ những thay đổi đang diễn ra trong chuỗi cung ứng vì Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, được hỗ trợ bởi 15 hiệp định thương mại tự do và lợi thế kinh tế vĩ mô ổn định.

Chuyển đổi cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp. Khảo sát của PwC cho thấy, doanh nghiệp địa phương có nhiều khả năng hơn so với các doanh nghiệp trong khu vực và toàn cầu trong việc ưu tiên điều chỉnh mô hình kinh doanh, áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, để hành trình chuyển đổi thành công, những thách thức chính mà các doanh nghiệp cần vượt qua là: sự kháng cự trong doanh nghiệp khi đón nhận sự thay đổi, thiếu “năng lực số” để cho phép công ty tận dụng lợi thế kỹ thuật số và công nghệ. Ngoài ra, ESG đã trở nên rõ ràng hơn trong tư duy của các lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó 80% số người được hỏi cho biết, họ đã thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện các cam kết về ESG trong hai đến bốn năm tới.

Thu hút và giữ chân nhân tài cũng là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh kinh tế biến động, nhiều doanh nghiệp thắt chặt chi phí khiến nhân sự tìm kiếm việc làm mới. Cuối cùng là hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Đây là chìa khóa để giải quyết những thách thức của doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam từng là một thí dụ điển hình về hoan nghênh hội nhập toàn cầu và quan hệ đối tác quốc tế để giúp đất nước vượt qua những thách thức ngày càng tăng do suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu và sự gia tăng của tự động hóa... Hướng tới mục tiêu giảm phát thải về 0, chính phủ và doanh nghiệp phải hợp tác để thúc đẩy quá trình khử carbon ở tốc độ và quy mô cần thiết. Nó mang đến cơ hội vàng cho tăng trưởng xanh khi các doanh nghiệp có thể tìm cách áp dụng các thực hành ESG bền vững hơn thông qua trao đổi và hợp tác nhiều hơn với chính phủ và các đối tác nước ngoài.