Nơi đâu cũng có
Ở Hà Nội, gần như tất cả các nóc nhà tập thể cũ đều đang bị quá tải vì các loại bồn nước inox này. Tại các khu tập thể Thành Công, Thanh Xuân, Trung Tự, Kim Liên… không khó để bắt gặp những chiếc bồn inox xen kẽ nhau trên mái nhà. Phần lớn các bồn nước này đều được lắp đặt rất cẩu thả, tùy tiện theo kiểu mạnh ai nấy làm, hễ còn chỗ trống là lắp đặt, bất chấp rủi ro.
Trước đây, người dân sống ở khu tập thể đều sử dụng nước từ bể chứa xây gạch ở tầng trên cùng, nhưng sau nhiều năm hoạt động hết công suất, các bể chứa này đã xuống cấp, ô nhiễm, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân. Do vậy, một số gia đình đã đầu tư kinh phí lắp đặt bể inox trên nóc nhà, đi lại đường nước xuống căn hộ của mình.
Việc mỗi nhà một bể, cả loại lớn lẫn nhỏ chen chúc nhau trên nóc nhà cũ không chỉ ảnh hưởng chất lượng công trình, mà còn khiến nhiều tòa nhà vốn đã xuống cấp, xập xệ lại càng thêm nguy hiểm. Thậm chí có nơi gây lún, nứt mái nhà khiến các hộ ở tầng trên phải chịu cảnh nước thấm dột ngay cả khi trời không mưa. Điều lo ngại nhất là mỗi bồn chứa nước nặng từ một đến hai tấn, trong khi giá đỡ bằng sắt được lắp ráp bằng các mối hàn, lại để ngoài trời lâu năm nên gỉ sét có thể gãy đổ bất cứ lúc nào.
Ông Đỗ Văn Hòa, sống tại khu B tập thể Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, trên nóc căn hộ của gia đình phải gánh thêm mấy bể nước inox loại từ 700 đến 1.000 lít của các hộ ở tầng dưới. Sức nặng của các bể nước này đã gây rạn, nứt mái nhà gây thấm dột khiến đời sống, sinh hoạt của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy nhiều bồn nước đang ở tình trạng sẵn sàng đổ sập khi có gió to hay mưa bão.
Những khu nhà này được xây dựng cách đây đã mấy chục năm, lại không được sửa chữa, nâng cấp, gia cố nên quá ọp ẹp. Bên cạnh đó, phần mái của các khu nhà vốn được thiết kế chỉ để chống nóng, không tính đến tải trọng của hàng chục bể nước nên rất dễ gây sập trần, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân sống trong cả khu nhà. “Nhiều hôm mưa to, gió lớn, giá đỡ bồn nước lỏng lẻo đập ầm ầm vào trần nhà khiến cả nhà tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới chính quyền địa phương về tình trạng này nhưng chưa có chuyển biến gì”, ông Hòa nói.
Khó xử lý
Khác nhiều thành phố lớn với mái nhà đỏ lô xô hay các tòa cao ốc, ở Hà Nội luôn có hình ảnh mái nhà xen giữa các bồn nước kích cỡ lớn. Điều đáng nói, nhiều tòa nhà xây dựng vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, dù có thiết kế dạng mái nghiêng nhưng người dân vẫn bất chấp đặt bồn nước lên. Việc lắp quá nhiều bồn nước trên nóc các khu tập thể cũ đã làm tăng nguy cơ lún nứt, sập đổ phần mái. Ngoài ra, việc thi công ẩu, nguyên vật liệu kém chất lượng cũng có thể khiến những quả “quả bom nước” này đổ ập xuống bất cứ lúc nào, đe dọa sự an toàn về tính mạng, tài sản của người dân.
Mặc dù việc lắp đặt các bồn nước inox có thể ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ của các khu nhà, song hiện chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Tổ dân phố hay các đơn vị quản lý tòa nhà cũng khó có thể góp ý với dân cư để cải thiện tình trạng này, bởi các hộ gia đình đều đưa ra lý do không thể sử dụng được nước tại các bể chứa cũ. Bên cạnh đó, phần mái là diện tích sử dụng chung của các hộ trong khu nhà nên các gia đình đều cho rằng mình có quyền sử dụng.
Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, hàng nghìn bồn nước inox treo lơ lửng hết sức nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, nếu cấm người dân đặt bồn nước hoặc phá dỡ thì người dân biết lấy nước đâu mà dùng. Trước đây, các khu tập thể cũ có bể nước bơm theo giờ nhưng hệ thống này nhiều năm không được quan tâm, đầu tư nâng cấp nên gần như tê liệt, hỏng hóc khắp nơi không sử dụng được. Trong khi đó nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân ngày càng tăng. Việc xử lý người dân đặt thêm két nước rất khó, vì đây là nhu cầu chính đáng của họ.
Điều đáng nói là hiện chưa có văn bản quy định cụ thể về quy chuẩn xây dựng, lắp đặt bồn nước trên cao. Dẫu vậy, để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc rà soát, kiểm tra sự an toàn của các bồn chứa nước inox đặt trên nóc mái các khu tập thể cũ. Đồng thời xem xét đẩy nhanh cơ chế, chính sách trong việc nâng cấp, cải tạo, xây mới nhà tập thể cũ ở Hà Nội, bảo đảm an toàn đời sống người dân trong mùa mưa, bão.