Những con số biết nói
Trang tin tức châu Á Benar News dẫn báo cáo Phân tích xu hướng chống khủng bố ở hai khu vực Đông Nam Á và Nam Á của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore cho thấy năm 2021, trong bối cảnh chính phủ các nước phải đối phó đại dịch Covid-19, số vụ khủng bố tại bốn quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand và một quốc gia Nam Á là Bangladesh đã giảm. Theo báo cáo, các quy định hạn chế đi lại đã góp phần làm giảm xu hướng khủng bố và cực đoan.
Với Malaysia, báo cáo trên đã chỉ ra sự sụt giảm các hoạt động khủng bố ở nước này, như: “Những hạn chế di chuyển trong mỗi nước và giữa các quốc gia với nhau do đại dịch đã khiến hoạt động khủng bố giảm xuống ở Malaysia”. Như từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2021, giới chức Malaysia đã thực hiện khoảng 15 vụ bắt giữ các phần tử khủng bố ở tỉnh Sabah và 7 vụ vào năm 2020; trong khi đó, năm 2019 là 72 vụ; năm 2018 là 85 vụ…
Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang Philippines cũng nhận được đánh giá tích cực khi bố ráp các căn cứ của phần tử khủng bố ở phía nam đảo Mindanao của nước này.
Còn tại Indonesia, số vụ tiến công và âm mưu của các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan, như Jamaah Ansharut Daulah (JAD) hay Mujahideen (MIT) ở miền đông Indonesia, đã giảm so trước dịch Covid-19 bùng phát. Hoạt động của các nhóm này trong giai đoạn 2020-2021 và sự sụt giảm các hoạt động khủng bố trong năm 2021 có thể một phần do quy định hạn chế đi lại và việc tăng chi phí đi lại trong nước do tác động của đại dịch.
Theo AP, cả MIT và JAD đều là các nhóm cực đoan ủng hộ tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Năm 2021, JAD bị cáo buộc liên quan ít nhất 9 vụ, trong đó có 5 vụ sử dụng chất nổ, hai vụ đánh bom liều chết và 1 âm mưu đánh bom liều chết, so 11 vụ xảy ra năm 2020. Theo báo cáo, lực lượng an ninh là một trong những mục tiêu phổ biến của các vụ khủng bố ở Indonesia. Vừa qua, cảnh sát chống khủng bố của Indonesia thông báo đã tiêu diệt Ahmad Gazali-một trong bốn thành viên nguy hiểm của MIT vốn ẩn náu ở vùng núi thuộc tỉnh Central Sulawesi.
Ở Thailand, theo báo cáo, tính đến tháng 11/2021, các nhóm nổi loạn đã gây ra 423 vụ bạo loạn tại biên giới phía nam nước này, khiến 104 người thiệt mạng và 169 người bị thương. Quy mô tương đương năm 2020 với 335 vụ bạo loạn, khiến 116 người thiệt mạng, 161 người bị thương. Nhóm ly khai lớn nhất ở miền nam Thailand có tên Barisan Revolusi Nasional (BRN) đã thu nhỏ các hoạt động nổi loạn vì sau khi đại dịch bùng phát vào tháng 4/2020, làm giảm đáng kể tình trạng bạo lực ở “điểm nóng” này. “Vào năm 2021, BRN duy trì các hoạt động ở mức độ thấp ở phía nam Thailand”, báo cáo cho hay.
Tại Bangladesh, năm 2021 chỉ có hai cuộc tiến công khủng bố thất bại so bốn cuộc tiến công thành công vào năm 2020. Báo cáo cho biết, nhà chức trách đã bắt giữ hơn 130 nghi phạm khủng bố trên cả nước. Trong đó, có thành viên của nhóm ly khai Neo-JMB ủng hộ một nhóm khủng bố ở Bangladesh. Neo-JMB “thường nhắm vào mục tiêu là các cơ quan thực thi pháp luật, nhà thờ hay nhân viên của các tổ chức phi chính phủ”, cũng như “tổ chức đào tạo các thành viên tự chế vật liệu nổ tiến công nhằm vào xe bus, lớp học và nơi công cộng”…
Thời điểm tốt để củng cố an ninh
Báo cáo RSIS lưu ý, việc thực hiện các biện pháp đóng cửa do đại dịch cũng ảnh hưởng hoạt động chống khủng bố: “Các lệnh giãn cách đã hạn chế đáng kể việc di chuyển của người dân cũng như của những phần tử khủng bố, điều này khiến chúng dễ bị phát hiện khi di chuyển hoặc chuẩn bị tiến công”.
Tuy nhiên, theo CNN, giới chuyên gia an ninh cũng lo ngại các mối đe dọa khủng bố đã và đang lan truyền trên không gian mạng. Báo cáo nhấn mạnh: “Các lệnh hạn chế di chuyển đã buộc mọi người dành nhiều thời gian trực tuyến hơn, làm gia tăng khả năng các cá nhân dễ bị tổn thương khi tiếp xúc tư tưởng cực đoan trên mạng. Trong thời gian xảy ra đại dịch, tại khu vực Đông Nam Á và Nam Á, các nhóm như IS đã tăng cường tuyển mộ và truyền bá tư tưởng cực đoan thông qua mạng xã hội”.
Còn nghiên cứu “Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với chủ nghĩa khủng bố và chống khủng bố” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương công bố vào tháng 8/2020 của GS Sam Mullins, thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (APCSS) cho biết, phần lớn người được hỏi bày tỏ lo ngại rằng hậu quả kinh tế-xã hội lâu dài do tác động từ đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến sự gia tăng làn sóng khủng bố, khi nhiều quốc gia đang thiếu hụt nguồn lực nghiêm trọng về mọi mặt.
Và theo AP, đáng chú ý là phần lớn chuyên gia an ninh trong khu vực đồng ý rằng đây là thời điểm tốt để củng cố an ninh, tăng cường hợp tác chống khủng bố trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Trong ngắn hạn, các phần tử khủng bố đang cố gắng lợi dụng lỗ hổng an ninh trong đại dịch để gia tăng hoạt động, song không hiệu quả. Tuy nhiên, khủng bố có thể thích nghi nếu đại dịch chưa thể chấm dứt trong một vài năm tới.
Riêng kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Âu George C. Marshall (Mỹ) đối với 400 chuyên gia chống khủng bố trên thế giới, trong bối cảnh thế giới tiếp tục đứng trước những làn sóng dịch mới thì “còn quá sớm để đánh giá đầy đủ tác động của đại dịch đối với khủng bố và chống khủng bố”. Khảo sát cũng cho thấy, một số kỳ vọng ban đầu của các nhóm khủng bố rằng chúng có thể tận dụng các lỗ hổng do cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu tạo ra đã được chứng minh là không có cơ sở.
Đến nay, chưa có nhiều bằng chứng về sự gia tăng các vụ tiến công khủng bố trong thời gian diễn ra đại dịch. Những biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế tụ tập công cộng và đi lại đã khiến hoạt động khủng bố ở nhiều quốc gia trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, do chưa thể đánh giá được tác động lâu dài của dịch bệnh nên phần lớn chuyên gia tham gia khảo sát khẳng định không thể lơ là, chủ quan trong cuộc chiến chống khủng bố. Bởi “Hậu quả của đại dịch làm gia tăng tình trạng nghèo đói, thất nghiệp và năng lực quản lý ở nhiều nơi bị giảm sút, sẽ khiến nhiều người dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng mạnh từ những hình thức tuyên truyền cực đoan và tuyển mộ khủng bố… trên không gian mạng. Trước những lo ngại đó, hơn 90% chuyên gia an ninh được hỏi đồng ý rằng cần có sự hợp tác lớn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố; cũng như kêu gọi cam kết hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các cường quốc”.