Người trẻ và áp lực kỹ năng số

Theo thông tin từ tọa đàm “Sự chuyển mình của giáo dục đại học để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai” do Trường đại học Văn Lang tổ chức, trong vòng ba năm tới có đến 77% số doanh nghiệp sẽ cần lực lượng lao động có kỹ năng số. Các chuyên gia cho rằng, để kịp thích ứng, ngay từ bây giờ, người trẻ cần xây dựng được cho mình lộ trình nắm bắt nhanh.
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, người trẻ cần tập trung phát triển nhiều kỹ năng trong thời đại số.
Theo các chuyên gia, người trẻ cần tập trung phát triển nhiều kỹ năng trong thời đại số.

Tìm cách thích ứng

Nhiều nghiên cứu toàn cầu về ảnh hưởng của công nghệ lên đời sống cho thấy, trong tương lai có đến 79% các công việc ở thời điểm hiện tại sẽ được thay thế bởi máy móc. Một con số gây bất ngờ khác là có đến 65% số học sinh bậc tiểu học trong tương lai sẽ đảm trách những công việc mà ngày hôm nay chưa tồn tại. Kỹ năng số trở thành yếu tố quan trọng cho bạn trẻ trong thời đại mới. Trước đây, khi nói đến kỹ năng số, người ta thường nhắc tới việc sử dụng máy tính, soạn thảo văn bản hay tìm kiếm thông tin trên mạng internet. Trong giai đoạn hiện nay, cụm từ “kỹ năng số” yêu cầu bạn trẻ vừa biết cách giữ an toàn trên môi trường mạng, vừa xây dựng được hình ảnh thông qua truyền thông số với nhiều kênh khác nhau. Các ngành nghề số xuất hiện ngày một nhiều cũng đặt ra thêm nhiều yêu cầu trong hành trang sau tốt nghiệp của sinh viên.

Theo bà Phan Tú Quyên, Giám đốc vận hành và thành viên Ban lãnh đạo Microsoft Vietnam, công nghệ đã đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, gây ra những ảnh hưởng khiến con người lo ngại nhưng cũng mang đến rất nhiều cơ hội, đặc biệt là cho giới trẻ. Di động, mạng xã hội, điện toán đám mây, dữ liệu lớn là bốn xu thế công nghệ đang tác động trực tiếp đến đời sống con người. Công nghệ sẽ liên tục thay đổi, đòi hỏi chúng ta luôn đặt bản thân trong tư thế sẵn sàng thích ứng.

Việc tìm kiếm thông tin, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng trong thời đại số là việc không quá khó, thế nhưng, kỹ năng giải quyết vấn đề mới là yếu tố giúp ứng viên trẻ “ghi điểm” với nhà tuyển dụng. Tầm ảnh hưởng của vấn đề mà bạn giải quyết được sẽ quyết định vị trí và mức lương của bạn trong doanh nghiệp.

Bà Huỳnh Thị Xuân Liên, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận cho rằng thay đổi là điều tất yếu khi đến với thế giới của chuyển đổi số và công nghệ. Có công nghệ dù mới xuất hiện chỉ sau vài tháng có thể đã lỗi thời, chúng ta phải chấp nhận và tiếp tục thích ứng với cái mới bằng cách liên tục cập nhật, liên tục học tập. Bà Liên gợi mở: “Điều quan trọng là làm sao để các bạn sinh viên có khả năng nhìn nhận, định hướng được cái nào là quan trọng, cái nào cần ưu tiên trong thế giới bao la”.

Để không thụt lùi

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, số lượng các việc làm mới tại Việt Nam do quá trình chuyển đổi số tạo ra sẽ nhiều hơn gấp bảy lần so với số việc làm bị mất đi. Đến năm 2045, ước tính có khoảng 10 triệu việc làm mới được tạo ra. Những công việc này chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại, và một số lượng việc làm mới ít hơn trong lĩnh vực sản xuất. Sự thiếu thích ứng với công nghệ hiện đại sẽ là rào cản với nhiều người khi thị trường lao động trong thời gian tới đòi hỏi chuỗi thay đổi không ngừng. Cập nhật liên tục và biết cách ứng dụng các kiến thức công nghệ, có tư duy phân tích vấn đề, biết tự quản lý và tự học là bốn kỹ năng cốt lõi được nhiều chuyên gia đưa ra cho sinh viên trước những áp lực từ đời sống công nghệ để tránh rơi vào tình trạng “tốt nghiệp rồi thất nghiệp”.

Khả năng giải mã, phân biệt đâu là yếu tố then chốt giữa mênh mông kiến thức cũng là bí kíp giúp bạn trẻ không “học gạo”, biết cách chọn lựa và có sự định hướng tốt trong từng giai đoạn. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, công cụ tư duy kiến thức và công cụ về hành vi xã hội cần được song hành để bạn trẻ biết đâu là con đường phù hợp với mình: “Ngoài giảng dạy kiến thức, các trường đại học cần tăng cường hoạt động giao lưu giúp sinh viên có được góc nhìn toàn diện về nghề nghiệp tương lai, có sự kết nối tốt. Tôi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ nhưng không cảm nhận được định hướng rõ nét của các bạn. Thích và muốn thì dễ nhưng vạch ra con đường lại rất khó. Các bạn sinh viên có nhiều khát vọng nhưng điều đó phải có bệ đỡ, nền móng vững chãi của sự trang bị tư duy, hiểu biết, nghị lực và bản lĩnh”.