Đồng loạt tiêm vaccine sởi

Sau khi công bố dịch trên toàn thành phố, hơn 310 điểm tiêm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt tiến hành tiêm vaccine sởi cho trẻ nhằm tăng miễn dịch trong cộng đồng, bảo đảm đạt tỷ lệ hơn 95%.
Vaccine được sử dụng là loại MRVAC điều trị bệnh sởi, rubella.
Vaccine được sử dụng là loại MRVAC điều trị bệnh sởi, rubella.

Ngày 31/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cùng Viện Pastuer Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Cấp cứu 115 đã giám sát công tác triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi tại quận Bình Tân, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh. Đây là những địa phương hiện đang có số ca mắc sởi cao nhất địa bàn. Để phòng chống dịch sởi, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động đặt mua 300 nghìn liều vaccine trong đợt này và cấp phát ngay cho 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Đại diện HCDC cho biết, 300 nghìn liều vaccine sởi - rubella (MR) được mua từ nguồn ngân sách thành phố. Trong chiến dịch này, HCDC sẽ cung ứng vaccine sởi đầy đủ cho các địa phương nhằm bảo đảm 100% trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ mũi trên địa bàn thành phố đều được tiêm chủng đầy đủ, kể cả trẻ tạm trú trên địa bàn. Tất cả nhằm tạo thành “bức tường chắn” quan trọng, bảo vệ những trẻ thuộc nhóm nguy cơ chưa được tiêm chủng nếu những trẻ này nhiễm bệnh gặp biến chứng nghiêm trọng.

Ngoài ra, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 6 tuổi đến 16 tuổi) đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc bệnh sởi hoặc chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao cũng được tiêm trong đợt này.

Sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Tiếp xúc với dịch tiết người bệnh trên đồ vật cũng có thể lây bệnh. Virus sởi có thể tồn tại trong không gian khoảng hai giờ. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa. Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh thường nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong.

HCDC cảnh báo bệnh sởi có thể lây nhiễm rất dữ dội, các bệnh viện cần thực hiện phân luồng tốt, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Đặc biệt, cần bảo vệ nhóm nguy cơ, tránh để ca sởi lọt vào khu điều trị bệnh mạn tính như khoa tim mạch, thận, huyết học. Nếu trong phòng có một trẻ mắc sởi, những em còn lại phải được bảo vệ bằng cách tiêm dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc Immune Globulin. Bên cạnh đó, người mắc bệnh cần tự cách ly tại nhà, tùy mức độ có thể đến cơ sở y tế điều trị. Trẻ mắc bệnh nền cần nhập viện điều trị khi mắc sởi. Tất cả ca sốt phát ban nghi sởi sẽ được báo cáo và lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ.

Số liệu của Sở Y tế cho biết, từ 23/5 đến 26/8, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 410 ca bệnh sởi, 3 trẻ tử vong trong khi từ năm 2021 đến 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính. Giới chức y tế đánh giá một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi tăng cao là do gián đoạn vaccine tiêm chủng trước đó khiến miễn dịch cộng đồng yếu đi. Đến nay, sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em, gồm mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.