Những kết quả nói trên đã đem lại niềm tự hào cho bóng đá châu Á bởi thắng được những đội hàng đầu thế giới thậm chí còn khó khăn hơn nhiều so với việc giành được ngôi vô địch châu lục.
Cũng liên quan đến World Cup, đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vừa qua đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 bóng đá nước nhà phấn đấu lọt vào tốp 10 châu lục và tham dự VCK World Cup. Mục tiêu này xem ra có phần “hưng phấn quá” khi nhìn ra các nước trong châu lục như Hàn Quốc hay Nhật Bản phải mất tới ba thập kỷ cải tổ nền bóng đá chuyên nghiệp và có nhiều cầu thủ chơi bóng ở châu Âu thì mới được như ngày hôm nay. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, việc chúng ta đặt ra mục tiêu tham dự VCK World Cup không hẳn do kỳ vọng sự tiến bộ mang tính nhảy vọt của bóng đá Việt Nam trong 8 năm tới đây mà chủ yếu do ở thời điểm 2030, FIFA đã nới số lượng đội bóng tham dự World Cup lên con số 48, đồng nghĩa với châu Á sẽ có 8,5 suất. Với việc bóng đá Việt Nam đã lọt vào tới vòng loại cuối World Cup 2022 và có một trận thắng, một trận hòa thì chuyện chúng ta sẽ vượt qua vòng loại cuối ở World Cup 2030 là có cơ sở để hy vọng. Dĩ nhiên từ nay tới lúc ấy, bóng đá Việt Nam sẽ phải thay đổi rất nhiều, chẳng hạn như có thêm nhiều cầu thủ gốc Việt chơi bóng ở V.League, tăng số cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, bổ sung và cải thiện chất lượng ở các trung tâm đào tạo trẻ, đồng thời đồng bộ giải chuyên nghiệp để có cơ cấu giống như ở các nền bóng đá tiên tiến…
Đã tham gia bóng đá chuyên nghiệp thì dĩ nhiên World Cup là sân chơi danh giá, được mong chờ nhất. Để tới được đó cần phải làm việc cật lực, có chiến lược rõ ràng, bài bản chứ không chỉ có tiền đầu tư là xong. Quá trình này phải có từng bước, trước tiên là mục tiêu châu lục, sau mới là World Cup.