Là khu vực phát triển năng động, thương mại điện tử ASEAN nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới ASEAN nói riêng đang có những có những tiến triển nhảy vọt. Thống kê đầu năm 2024 của Statista cho thấy năm 2022, tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trong tổng doanh thu thương mại điện tử của các quốc gia Đông Nam Á tương đối lớn. Trong đó Thailand chiếm 30%, Việt Nam chiếm 37%, Malaysia 44% và Singapore lên tới 60%.
Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong phát triển hợp tác kinh tế của ASEAN. Để thực hiện mục tiêu này, rất nhiều chương trình, sáng kiến đã được ASEAN thực hiện, trong đó có chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN được tổ chức thường niên, trở thành một ngày hội mua sắm lớn nhất toàn khu vực.
Theo đó, ASEAN Online Sale Day 2024 sẽ triển khai hai nhóm hoạt động chính gồm mua sắm trong nước và mua sắm xuyên biên giới. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng trải nghiệm một không gian mua sắm phong phú mà còn mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho các doanh nghiệp ASEAN thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Chương trình không chỉ giúp việc thúc đẩy doanh số và gia tăng nhận diện thương hiệu cho các doanh nghiệp, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và phát triển các nền kinh tế ASEAN qua nền tảng kỹ thuật số. Năm nay, chương trình thu hút sự tham gia của nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee. Đặc biệt, TikTok và Amazon sẽ lần đầu tiên tham dự chương trình ASEAN Online Sale Day.
Khu vực ASEAN được dự báo sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm lên tới 11,43% trong 5 năm tới, tương đương với các nước đã phát triển trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Canada, doanh thu hoàn toàn có thể lên mốc 175 tỷ USD vào cuối năm 2027. Trong đó, ngành hàng điện tử và thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng nhất. Theo thống kê của Statista, mỗi người tiêu dùng trong khu vực đã chi tiêu lần lượt 180 USD và 145 USD cho hai ngành hàng trên. Shopee được đánh giá là nền tảng mua sắm nổi trội nhất, chiếm tới 44% tỷ lệ tổng doanh thu toàn khu vực. Với đà tăng trưởng này, ASEAN đang trên con đường trở thành nền kinh tế internet trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020, đã thu hút sự quan tâm lớn từ doanh nghiệp và người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trong khối ASEAN. Trong thời gian diễn ra sự kiện, người tiêu dùng các nước trong khu vực có thể mua sắm trên các nền tảng số của doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước với những ưu đãi dành riêng. Tại Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng, phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra. Đồng thời, đây sẽ là kênh bổ sung hiệu quả cho thương mại quốc tế truyền thống nhằm phát huy những lợi thế về công nghệ, giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với khách hàng trên toàn thế giới.