Ngược thượng nguồn

Ngấn phù sa nuôi những phận người

Sông Luộc kết nối sông Hồng và sông Thái Bình hình thành nên một vùng châu thổ trù mật bằng những ngấn phù sa trên đồng bãi bao đời.
0:00 / 0:00
0:00
Làng quê bên bờ sông Luộc.
Làng quê bên bờ sông Luộc.

Một chiều... sông bên tôi

Quê tôi ở ven sông Luộc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Vùng quê đến là lắm sông. Những dòng sông yên bình ấy đã bao đời bồi đắp phù sa hình thành những xóm làng, bờ bãi. Mấy bác nông dân quê tôi muốn mua thuốc lào Vĩnh Bảo phải vượt qua con sông Luộc, ngược lên một chút là huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).

Sông nước quê hương là nơi sinh ra người được cho là “Yết Kiêu” Phạm Hữu Thế, bao lần lập công cùng Hưng Đạo đại vương. Con cháu cụ sau này cũng rất giỏi nghề sông nước, sống bám theo các dòng sông khắp hai huyện Gia Lộc và Tứ Kỳ.

Nhưng cũng vì lắm sông, nhiều nước nên ruộng đồng vừa trũng lại vừa chua, chiêm khê mùa thối. Tôi ngờ ngợ rằng, có lẽ nước sông lúc nào cũng lờ lờ đục như nước luộc rau nên các cụ mới đặt cho một cái tên dân dã mộc mạc đến thế.

Lụt lội đã làm cho dáng điệu của người dân quê tôi có vẻ lúc nào cũng tất bật, quần xắn cao, chân bước vội. Và lội ruộng nhiều nên chân sạm đen mùi bùn. Người ta chê con gái quê tôi quần cộc, chân chì lam lũ có lẽ cũng vì như thế.

Từ thuở bé, tôi đã nghe người ta nói giễu như thế nên hơi buồn nhưng càng lớn, càng thấy thương hơn cái “quần cộc, chân chì” của phụ nữ quê tôi. Về quê, tôi thương dáng hình của bà, của mẹ mỗi buổi chiều về. Những hôm đi làm đồng về, mẹ tôi vẫn lấy ra từ trong cái nếp gấp gấu quần cộc khi thì con nuỗm, con cua, khi lại là con cà cuống bắt từ bãi sông... cho chúng tôi.

Tôi gọi đó là món quà của đồng quê. Từ những món quà ấy mà anh em chúng tôi khôn lớn. Bây giờ nhắc lại, mẹ tôi vẫn bảo, mấy đứa thật dễ nuôi; cơm độn khoai với mấy con ốc, con cua thôi mà lớn nhanh như phỗng…

Dường như cái hồn cốt quê hương đã ăn vào máu thịt, vào cái chất giọng nói của người Tứ Kỳ. Cái giọng ấy mộc mạc, khó nghe nhưng chân tình. Tôi nghe trong ấy có mùi vị của đồng chua, nước ngập, nơi con người phải oằn mình chống chọi với thiên nhiên. Bất chợt nhìn xuống chân mình, thấy xa quê đã hơn chục năm rồi, nhưng móng chân vẫn còn hằn vết cáu của bùn đất, lại thấy trào dâng tình yêu với mảnh đất quê nghèo…

Phía hạ lưu sông Luộc làm ranh giới chia tách Hải Dương với Hải Phòng và Thái Bình. Nhưng sông không chia cắt được tình cảm những thôn dân hai bên bờ. Trước đây, do sông Luộc đổi dòng hình thành giữa bãi sình lầy. Người dân Thái Bình, Hải Dương chèo thuyền, bơi mủng sang khai hoang. Mới đầu chỉ là mỏm đất nhỏ, nhưng theo thời gian, sông Luộc gom góp phù sa bồi đắp, đất rộng hơn, có hộ dựng lều lán ở lại để trông coi.

Nhân dân Thái Bình và Hải Dương sống hòa thuận đến nỗi chỉ cần dùng tro và trấu xác định ranh giới. Chẳng ai tranh đất của ai. Từ đó hình thành hai thôn của huyện Quỳnh Phụ đặc biệt nhất tỉnh Thái Bình vì không nằm trên quê hương 5 tấn.

Tương tự, như vậy những địa danh giống nhau như làng Tranh Chử bên Vĩnh Bảo và Tranh Xuyên bên Ninh Giang như minh chứng cho mối quan hệ gắn bó giữa Hải Dương và Hải Phòng.

Sông Luộc kết thúc thủy trình của mình ở điểm cuối Quý Cao, nơi gặp gỡ với sông Thái Bình. Đến đây, tổng chiều dài con sông là 72km. Con sông đi qua nhiều vùng đất nhưng không có khoảng cách cắt chia. Cũng bởi vì sông trước kia có nhiều đò, phà và giờ đây nhiều cầu.

Nhờ con đò mà cha mẹ tôi nên duyên chồng vợ. Mẹ sinh ra tôi cũng ở bên kia sông. Cha tôi lái đò đưa mẹ con tôi về bên quê nội. Đò đã quen thuộc với tôi ngay từ tấm bé.

Giờ đây, quê hương tôi ngày càng đổi mới, những chiếc cầu liên tiếp mọc lên đẩy con đò ngang vào hoài niệm của tôi. Rồi chợt một ngày, tôi giật mình vì tiếng ếch bên tai tưởng tiếng ai gọi đò vọng lại từ ký ức xa xôi. Tiếng gọi đò bao lần cha qua sông tìm mẹ. Bao lần mẹ đợi nước gọi đò để đưa tôi về thăm quê ngoại bên sông.

Đò chẳng còn, mình tôi lang thang trên triền đê dài nghe gió chiều vi vút gọi đàn trâu trở về, nghe khúc sông quê vỗ về từng vạt ngô xanh mướt. Ông bà tôi giờ đã thành người thiên cổ, cô bạn dại khờ tuổi thơ giờ cũng chẳng thể tìm lại được như xưa. Ngay cả chính tôi dường như cũng bị cuộc sống áo cơm làm cho thay đổi. Duy chỉ có con sông quê dường như vẫn vậy. Sông vẫn ôm ấp xóm làng và vỗ về tuổi thơ tôi.

Thăm thẳm nước sâu

Sông Luộc vốn có tên là Phú Nông, điểm đầu là ranh giới tự nhiên giữa Hưng Yên và Thái Bình. Theo các nhà nghiên cứu, sông Hồng chảy từ miền núi cao qua Thăng Long gặp địa hình nghiêng tạo ra dòng chảy chi lưu gọi là ngã ba cửa Luộc, với các lộ Khoái, lộ Hồng, Thiên Trường, Long Hưng, Kiến Xương xưa. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú chép: “Bãi Xích Đằng là kho của, kho người của các đời và là chỗ xung yếu, then khóa”. Theo các nguồn khảo luận, Xích Đằng chính là khúc sông Hồng nối liền với cửa Luộc.

Do xoáy nước cộng với lượng phù sa lớn nên dòng nước đã tạo nên nhiều bãi nổi, doi cát. Vùng ngã ba sông hạ lưu trước kia còn hoang sơ, đầy lau lách có tầm quan trọng cả về quân sự và giao thương vì gần cửa biển.

Những dòng sông Luộc chảy đến đâu mang theo một câu chuyện của riêng mình. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả định về Phố Hiến: Cách đây nghìn năm, sông Hồng có một nhánh chảy từ Đằng Châu, qua Hiến Nam đổ ra ngã ba sông Luộc hình thành một bãi bồi ở giữa sông. Không chỉ quy tụ mỡ màu phù sa hình thành những làng mạc trù phú, mà nơi đó còn quy tụ thương nhân, lữ khách ngoại quốc vào thương cảng một thời.

Tuy nhiên, cũng vì sông Luộc uốn khúc và nhiều doi cát cùng với việc đắp đê sông Hồng nên đã đẩy sự úng tắc về hạ lưu. Do vậy, các vương triều đã tìm nhiều cách để khơi dòng, trị thủy, vừa đánh bắt cá, vừa trồng lúa, lập nên những xóm làng.

Nhờ đó, nước lũ và nước chua mặn được hòa vào nhau mà thoát ra biển khắc phục được tình trạng úng tắc. Lau lác bớt um tùm ngập bờ bãi sông. Trước đó, cỏ dại ven sông vẫn còn khắc khoải trong câu Kiều của Nguyễn Du: “Một vùng cỏ áy bóng tà”. Cỏ áy chính là loại cỏ lăn rất ưa đất chua mặn sông Luộc.

Sông Luộc chảy đến địa phận các huyện Thanh Miện, Ninh Giang (Hải Dương) hình thành một vùng ngập nước điển hình, đặc biệt, vùng sình lầy Thanh Miện còn có nhiều chim di trú như đảo cò Chi Lăng Nam ở Thanh Miện và đảo cò Vĩnh Hòa ở Ninh Giang là những điểm hội tụ sự đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước này.

Nhờ tận dụng lợi thế ven sông, người dân đã đầu tư nuôi cá lồng, ấm no do sông đem lại. Vùng đất ven sông này còn được nhớ đến với đặc sản bánh gai ngon nức tiếng. Bánh gai ngon thơm còn vì mùi hương của lá chuối sông Luộc. Lá chuối đặc biệt đến nỗi một doanh nghiệp sản xuất giò chả ở Quảng Ninh đặt mối hàng cung cấp lá để gói giò.

Ở ven bờ sông Luộc, mỗi độ nông nhàn, tụi trẻ con lại háo hức tổ chức trò pháo đất. Người lớn tuổi thì ra hội pháo để trút bỏ mọi mệt mỏi. Đất sông Luộc tưởng vô tri nhưng dưới bàn tay nhào nặn của con người biết cất lên tiếng nói rộn ràng tri ân mùa màng bội thu, hướng về một cuộc sống sung túc đủ đầy.

Thời Lý, sau khi rũ áo từ quan, Thái phó Lưu Khánh Đàm đã cùng ba nhà sư nổi tiếng thời bấy giờ là Giác Hải, Không Lộ và Nguyễn Minh Không chung tay “Cơi đê sông Hồng, khơi thông sông Luộc, móc ruột sông Sinh, cắt phình sông Hóa” khai thác triệt để dòng chảy tự nhiên, phục vụ phòng thủ quân và sản xuất nông nghiệp.

Sông Luộc chảy qua những vùng trầm tích văn hóa với nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: Đền Tranh, đền Khúc Thừa Dụ, chùa Tranh, đình Trịnh Xuyên... Truyền thuyết kể rằng, Lê Hoàn đánh Tống, Hưng Đạo Vương đánh quân Nguyên Mông đều làm lễ tế tại đền Tranh và giành thắng lợi. Đền Tranh còn là nơi mà những người làm nghề sông nước trong vùng đến thắp hương cầu an.