Nguy cơ thảm họa nhân đạo
Theo một báo cáo do Chính phủ Somalia cùng các cơ quan viện trợ và chuyên gia an ninh lương thực phối hợp thực hiện, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng hơn trên khắp Somalia, với ước tính khoảng 5,2 triệu người, tương đương 33% tổng dân số quốc gia châu Phi này đang phải trải qua khủng hoảng. Khoảng 1,4 triệu trẻ em tại Somalia bị suy dinh dưỡng. LHQ cảnh báo, tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn và diễn ra nhanh hơn nữa trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2022. Nếu các chương trình hỗ trợ lương thực nhân đạo không được mở rộng và duy trì, khoảng 7,1 triệu người, tương đương 45% dân số Somalia, sẽ đối mặt với hậu quả tồi tệ hơn.
Trong khi đó, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Somalia là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, với hơn 70% dân số có mức thu nhập dưới 1,9 USD/ngày. Somalia đang phải chật vật phục hồi nền kinh tế vốn phải chịu tác động của cuộc nội chiến kéo dài hàng chục năm qua, trong khi nhóm phiến quân Al-Shabaab vẫn luôn tìm mọi cách để lật đổ chính quyền tại Somalia.
Điều phối viên thường trú về nhân đạo của LHQ tại Somalia, ông Adam Abdelmoula cảnh báo, thảm họa đang xảy ra ở quốc gia châu Phi này do hạn hán nghiêm trọng, nguy cơ nạn đói đã gia tăng đe dọa mạng sống của hàng triệu người dân. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết, đến nay hơn 750.000 người ở Somalia đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm sự hỗ trợ. Các cộng đồng dân cư ở nông thôn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hạn hán nghiêm trọng dẫn đến mất mùa và khiến gia súc chết hàng loạt.
Somalia và các nước ở khu vực Sừng châu Phi đang hứng chịu nạn hạn hán, mà theo đánh giá của LHQ là nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua, khiến 20 triệu người ở toàn khu vực này có nguy cơ lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng. Somalia đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ khi bốn mùa mưa liên tiếp không đủ nước đã khiến nhiều gia súc chết và hoa màu bị tàn phá.
Kể từ giữa năm 2021, khoảng ba triệu con gia súc đã chết do hạn hán tại Somalia. Đây là tổn thất vô cùng lớn đối với một quốc gia mà phần lớn người dân sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi. Ngoài ra, giá lương thực tại Somalia cũng tăng vọt do sản lượng trong nước thấp trong khi chi phí nhập khẩu tăng vọt một phần do tác động từ xung đột địa chính trị trên thế giới.
Thiếu kinh phí hoạt động nghiêm trọng, song các nhóm viện trợ nhân đạo quốc tế vẫn phải dồn mọi nguồn lực hiện có để giúp Somalia tránh lặp lại nạn đói từng xảy ra năm 2011, khiến 260.000 người chết, mà một nửa trong số đó là trẻ em dưới sáu tuổi. Bên cạnh đó, hoạt động viện trợ nhân đạo cũng gặp nhiều khó khăn tại các khu vực của quốc gia Đông Phi này, đặc biệt là miền nam, do có sự hiện diện của các phần tử Hồi giáo cực đoan có liên kết với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp
Tổng thống đắc cử Somalia Hassan Sheikh Mohamud lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ đẩy lùi nạn đói trong bối cảnh quốc gia này đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Phát biểu ý kiến tại lễ nhậm chức hôm 9/6, Tổng thống Hassan Sheikh Mohamud bày tỏ lo ngại nạn đói có thể hoành hành tại một số khu vực, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế cứu trợ người dân Somalia bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Tổng thống Somalia cho rằng, tình trạng khó khăn hiện nay của đất nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có các vấn đề như biến đổi khí hậu, sự xuống cấp của nguồn lực kinh tế và sự suy yếu của các thể chế chính phủ.
Điều phối viên thường trú về nhân đạo của LHQ tại Somalia, ông Adam Abdelmoula cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp nhằm ngăn chặn nạn đói do hạn hán, đang đe dọa đến hàng trăm nghìn sinh mạng. Ông Abdelmoula cho biết, một số khu vực tại Somalia đã có mưa vừa và có dông thời gian gần đây, song lượng mưa này không đủ để giảm hạn hán tồi tệ. Ông Abdelmoula đồng thời cảnh báo nguy cơ mùa mưa thứ năm cũng có thể xuống dưới mức trung bình hằng năm.
Điều phối viên thường trú về nhân đạo của LHQ cho rằng, nếu cộng đồng quốc tế không có hành động hỗ trợ khẩn cấp, Somalia chắc chắn sẽ rơi vào nạn đói. Bên cạnh việc bảo vệ mạng sống và ngăn chặn nạn đói, cộng đồng quốc tế cũng cần đầu tư vào sinh kế bền vững, khả năng phục hồi, phát triển cơ sở hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu và các giải pháp lâu bền tại quốc gia châu Phi này.
Ông El-Khidir Daloum, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Somalia, nhấn mạnh: Chúng ta phải hành động lập tức để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo. Tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu đói đang đe dọa cuộc sống của những người dễ tổn thương nhất. Chúng ta không thể đợi nạn đói xuất hiện rồi mới hành động. Đó là cuộc chạy đua với thời gian để ngăn chặn nạn đói.
Đại diện của FAO tại Somalia, ông Etienne Peterschmitt, kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hành động khi vẫn còn hy vọng ngăn được nguy cơ nạn đói lan rộng tại quốc gia Đông Phi này. Mặc dù vậy, ông Peterschmitt cho biết, tính đến nay mới chỉ huy động được chưa đến 20% số ngân sách cần để hiện thực hóa hy vọng đó và điều này khiến hàng trăm nghìn người đứng trước nguy cơ chết đói.
Đầu tháng 6 này, LHQ đã công bố khoản phân bổ mới trị giá 20 triệu USD từ Quỹ Nhân đạo Somalia (SHF) để cung cấp hỗ trợ lập tức cho các cộng đồng có nguy cơ bị đói do hạn hán tại Somalia. Trước đó, hồi tháng 2, SHF đã phân bổ 25 triệu USD để giảm tác động của hạn hán nghiêm trọng tại Somalia. LHQ cũng đã thông báo về kế hoạch ứng phó nhân đạo năm 2022 đối với Somalia, trong đó đặt ra mục tiêu quyên góp 1,5 tỷ USD để giúp 5,5 triệu người dân đang trong tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/5, LHQ mới chỉ nhận được 18% kinh phí cần thiết, tương đương gần 260 triệu USD, cho kế hoạch ứng phó này.
Nhằm hỗ trợ ổn định tình hình tại Somalia, Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã thông qua nghị quyết kéo dài nhiệm vụ của Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Somalia (UNSOM) thêm 5 tháng, cho đến ngày 31/10 tới. Nghị quyết 2632, đã được 15 thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua, trong đó yêu cầu Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tiếp tục thông báo thường xuyên cho Hội đồng Bảo an về việc thực hiện nghị quyết này.
Nghị quyết cũng yêu cầu Tổng Thư ký LHQ, sau khi tham vấn với Chính phủ Somalia, thực hiện đánh giá chiến lược của UNSOM để theo dõi việc thi hành kịp thời cũng như việc hoàn thành nhiệm vụ của UNSOM và báo cáo cho Hội đồng Bảo an trước ngày 30/9 tới. UNSOM được Hội đồng Bảo an LHQ thành lập vào tháng 6/2013 để hỗ trợ xây dựng nhà nước và thiết lập lại hòa bình ở Somalia.
IMF cũng đã nhất trí gia hạn hỗ trợ tài chính cho Somalia sau khi quốc gia Đông Phi này tiến hành bầu tổng thống mới. Bầu cử tổng thống là bước đi quan trọng trong việc thành lập chính phủ mới, điều mà Somalia được cho là phải thực hiện nếu muốn tiếp tục nhận hỗ trợ ngân sách từ IMF để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu.
Gói viện trợ 400 triệu USD trong ba năm của IMF dành cho Somalia vốn tự động hết hạn vào ngày 17/5, trong trường hợp nước này không thành lập được một chính phủ mới. Somalia đã nhiều lần phải hoãn tổ chức bầu cử trong bối cảnh đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF mới đây đã chấp thuận đề nghị của Chính phủ Somalia yêu cầu gia hạn hỗ trợ tài chính thêm 3 tháng, đến ngày 17/8, để Tổng thống đắc cử Hassan Sheikh Mohamud có thêm thời gian xem xét và thông qua các kế hoạch cải tổ.