Nao nao vị mứt

Nhớ lại thời thơ ấu, mỗi khi bố mẹ mua được một hộp mứt hoặc có ai đó đem cho, biếu thì đó đúng là một niềm vui lớn. Hộp mứt ấy sẽ được để dành, từ Giao thừa trở đi mới được phép bóc ra.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều loại mứt truyền thống vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: NGUYỄN NAM
Nhiều loại mứt truyền thống vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: NGUYỄN NAM

1/Ngày nay, khi đời sống kinh tế đã phát triển nhiều hơn so trước đây, mỗi dịp đón Tết, các gia đình có vô vàn những lựa chọn đồ ăn thức uống. Nhiều người mua bánh kẹo ngoại, hoa quả ngoại, bia rượu ngoại… Có một thứ chừng 30 năm đổ về trước luôn được coi trọng trên bàn thờ ngày Tết, nhưng bây giờ đang dần bị lãng quên, đó là hộp mứt Tết.

Hộp mứt truyền thống trước kia thường có hình vuông, sau được cải tiến có thêm hình ngũ giác, trang trí mầu đỏ bắt mắt, có hình hoa đào bên ngoài hoặc các ông Tam đa, đúng là niềm háo hức của bất kỳ đứa trẻ con nào. Sau này, đôi khi gặp các bạn bè cũ ôn chuyện ngày xưa, chúng tôi vẫn thường gọi đó là “hộp mứt huyền thoại”. Mở hộp mứt ngày xưa ra, phần nhiều nhất thường là mứt lạc, được phong vào một túi riêng. Tiếp đến, mứt cà rốt và mứt gừng cũng được phong riêng, mứt sen có độ dăm bảy viên, cũng được đóng riêng vào một túi nylon nhỏ. Cuối cùng, số lượng ít nhất nhưng cũng là thứ tôi thích ăn nhất là mứt táo tàu, chỉ có độ 2-3 quả. Ngoài những món kể trên, còn có thể bắt gặp các loại khác như: mứt bí (bí đao chứ không phải bí ngô), mứt dừa. Ngoài mua mứt theo hộp, người ta cũng có thể mua mứt trần theo từng đầu vị. Nghĩa là từng loại mứt sẽ được đóng vào các túi nylon, từ khoảng ba lạng đến nửa cân hoặc nhiều hơn. Người ta có thể mua về nửa cân mứt sen, nửa cân mứt lạc hay mứt dừa chẳng hạn, để tiếp khách ngày Tết và phù hợp khẩu vị từng gia đình. Sau này, nhiều người khéo tay tự chế biến thêm một số loại mứt khác bên cạnh các loại mứt truyền thống như: mứt củ dền đỏ, mứt đu đủ sấy vị chanh dây, mứt xoài, mứt dứa…

2/Với gia đình tôi cũng như hầu hết gia đình khác trong cái “thời xa vắng” ấy, hộp mứt là thứ không thể thiếu được trên bàn thờ ngày Tết. Bên cạnh hoa đào, bánh chưng, nếu không có hộp mứt thì chắc hẳn sẽ thiếu đi một không khí, một mầu sắc, một dư vị thật đặc trưng khó nói hết bằng lời. Sẽ chẳng bao giờ quên được cái thời nghèo khó ấy, khi mở hộp mứt ra, hai anh em tôi sẽ chia nhau hai quả táo tàu, thứ mà chúng tôi cho rằng ngon nhất, hấp dẫn nhất và cần phải ăn đầu tiên. Thứ duy nhất mà tôi thường bỏ không ăn là mứt gừng, vì nó cay quá. Sau này tôi mới hiểu, một hộp mứt được chỉ coi là trọn vẹn về các ý nghĩa biểu trưng - văn hóa khi nó có đầy đủ năm vị cay, chua, mặn, ngọt, bùi, năm vị ấy thể hiện đầy đủ khí tiết của bốn mùa trong năm và cũng như một biểu tượng trọn vẹn về đời sống.

Bên cạnh hộp mứt được mua về hoặc được ai đó biếu tặng, nhà tôi còn một món mứt rất đặc biệt nữa là mứt táo ta do mẹ tôi tự làm. Cứ cách Tết chừng một tháng, khi những đợt gió mùa mang theo cái lạnh tràn về, là lúc mẹ tôi bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu. Các quả táo được chọn to đều nhau, mẹ tôi vào tận vườn để chọn hái về. Táo mang về được nhặt bỏ cuống, rửa sạch, dùng tăm nhọn xăm đều để về sau ngấm đường đều và nhanh. Công đoạn quan trọng tiếp theo là phải ngâm táo vào nước vôi trong tám tiếng rồi sau đó lại chần táo trong nước có hòa phèn chua nhằm giúp cho mứt táo để được lâu hơn, cứng và giòn. Sau khi chần nước sôi, táo được vớt ra ngâm nước lạnh rồi lại để ráo nước. Đường được ướp cùng táo cho đến khi đường tan hoàn toàn. Mẹ tôi chọn một cái chảo dày nhất trong nhà để cho táo vào đảo và đun nhỏ lửa. Cho đến khi đường bắt đầu sôi và cạn dần, vỏ táo sẽ ngả dần sang mầu cánh gián và săn lại trông thật đẹp mắt, thơm nức cả gian bếp nhỏ. Đợi đến khi đường cạn hết thì tắt bếp, mẹ để táo cho nguội rồi cất vào các lọ thủy tinh.

Món mứt táo thơm ngon ấy được chờ đến đúng ngày 30 Tết mới đem ra dùng, bày vào khay cùng các món mứt trong hộp mứt Tết truyền thống để tiếp khách. Tuy nhiên, thường thì anh em tôi không thể chờ được nên thỉnh thoảng lại mở lọ ra bốc trộm một hai quả. Món mứt táo nhà tôi sau khi tiếp khách mấy ngày Tết xong, vẫn còn ăn lai rai đến qua rằm tháng Giêng mới hết và chúng tôi lại mong chờ bao giờ cho đến cái Tết năm sau để lại được ăn món mứt đặc biệt này.

3/Sau này, học tập, công tác, gia đình…, bận bịu muôn vàn thứ việc có tên và không tên, nhưng mỗi khi Tết sắp về, lại không khỏi nao nao nhớ món mứt táo ngày xưa ấy. Trong nhà không còn ai làm món mứt táo như ngày xưa. Căn bếp cũ đã rêu phong. Ngôi nhà xưa anh em tôi từ đó lớn lên vẫn còn đấy, nhưng không ai sử dụng, tạm thời vẫn giữ nguyên vẹn như thuở ban đầu để mỗi lần về quê, tôi lại đắm chìm trong những hương vị ký ức cũ.

Có lẽ năm nay, trong căn nhà thành phố, tôi sẽ tự tay vào bếp làm lại món mứt táo của ngày xưa ấy, để rồi nói với các con tôi rằng: Ngày xưa, bà nội đã làm cho bố ăn món mứt táo này đây, một thứ mứt mà bố không bao giờ quên trong suốt cuộc đời của mình.