Đáp ứng nhiều nguyện vọng
Không hiếm gặp những ngôi nhà khang trang đang mọc lên ở những vùng quê nghèo. Đó là kết quả những ngày làm việc ở nước ngoài của những lao động xa quê. Nếu như trước kia, xuất khẩu lao động chỉ dành cho người dân ở những vùng thuận lợi, thì nay đã xuất hiện nhiều hơn ở những vùng miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động. Đây được coi là một trong những kênh giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo hiệu quả ở địa phương này.
Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Pác Nặm, trong năm 2020, huyện đã đưa 106 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Hiện nay, Pác Nặm đang tiếp tục phối hợp các công ty, đơn vị có uy tín về xuất khẩu lao động tư vấn cho người lao động. Đồng thời đưa ra kế hoạch triển khai hỗ trợ cho người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài trong thời gian tới.
Theo bà Hà Thị Huế, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Pác Nặm, mặc dù trong thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch, nhưng công tác tư vấn, tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài vẫn đang được các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân đi xuất khẩu lao động về cơ hội việc làm trong và ngoài nước cho người dân trên địa bàn nhiều xã biết và tham gia; phối hợp các đơn vị tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhằm chuẩn bị tốt tay nghề cho người lao động, đáp ứng thị trường lao động ngoài nước.
Đã có vợ và ba con nhưng Triệu Văn Khà (31 tuổi) huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn chấp nhận xa gia đình đi làm việc ở nước ngoài. Khà chia sẻ: “Đã mấy năm nay gia đình em xây nhà nhưng chưa hoàn thiện được vì thiếu tiền nên muốn đi làm việc Nhật Bản ngắn hạn. Có tiền em sẽ trang trải cuộc sống, trả tiền vay nợ xây nhà và hoàn thiện xong ngôi nhà. Nếu mọi việc thuận lợi, em sẽ sang đó tiếp, tính chuyện làm kinh tế lâu dài để vợ con đỡ khổ, các con đều được đi học”.
Còn Long Văn Đủ (25 tuổi) xuất thân từ vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Pác Nặm. Chàng trai người dân tộc thiểu số này dự định đi xuất khẩu lao động khoảng một năm để có tiền về xây nhà cho bố mẹ. Đủ dự định, sau tám tháng làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp của Nhật Bản có thể tích lũy được một khoản tiền để xây dựng nhà khang trang hơn. Nếu dư vốn sẽ mua thêm gia súc, mở mang chuồng trại.
Bắc Kạn là tỉnh có địa hình đồi núi chia cắt, ruộng đất manh mún, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp cao nhưng thu nhập thấp. Mấy năm qua, công tác đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động được tỉnh quan tâm triển khai. Nhờ đó, hàng nghìn lao động nông thôn có cơ hội rời bản, chuyển đổi nghề và thoát nghèo bền vững. Ông Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn cho biết: “Đã có nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đi xuất khẩu lao động, mang tiền về cho gia đình, địa phương, từ đó làm gương khuyến khích mọi người đi xuất khẩu lao động, đua nhau để đi!”.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, việc tiếp nhận lao động Việt Nam tại ba thị trường lớn là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hiện đã trở lại bình thường. Số người đi lao động nước ngoài hiện nay cũng ngày càng tăng với các độ tuổi và ngành nghề ngày càng đa dạng. Thí dụ như ngành xây dựng, tuyển lao động lên đến hơn 30 tuổi, nông nghiệp tuyển lao động gần 40 tuổi. Đây là điều kiện thuận lợi để người lao động có cơ hội được làm việc trong thời gian dài hơn. Những nỗ lực duy trì các thị trường lao động ngay cả trong tình hình dịch bệnh hiện nay đã góp phần rất lớn vào việc giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững ở nhiều địa phương.
Hỗ trợ tài chính cho người lao động
Hiện nay việc thu xếp nguồn tài chính để đi xuất khẩu lao động cũng không phải là vấn đề lớn như trước đây nữa. Theo quy định, các vùng đặc biệt khó khăn, người lao động được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với thời hạn không vượt quá thời hạn đi làm việc nước ngoài của người lao động mà lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo là 6,6%/năm và vay tối đa được 100 triệu đồng. Còn với những đối tượng không vay được vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thì một số công ty xuất khẩu lao động sẽ cho những người lao động này vay số tiền 3.600USD, tương đương hơn 80 triệu đồng. Số tiền này, người lao động và gia đình trả dần trong 12 tháng.
Em Lê Thị Tươi quê ở huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Em chỉ còn năm ngày nữa là được xuất cảnh. Đợt này em đi sang Nhật Bản, làm việc ngắn hạn trong vòng tám tháng. Gia đình em thuộc hộ nghèo nên đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 45 triệu đồng, công ty sẽ hỗ trợ lãi suất phải trả ngân hàng. Đi nước ngoài để có thu nhập, sau đó, em sẽ quay trở về nước mở cửa hàng kinh doanh ăn uống”. Còn đối với những thực tập sinh như trường hợp của em Nguyễn Hồng Thức, quê ở Nam Định đi làm việc với hợp đồng ba năm tại nhà máy, dù gia đình không thuộc diện được vay của ngân hàng chính sách xã hội thì lại được công ty xuất khẩu lao động cho vay 3.600USD và không mất lãi như vay ở ngân hàng.
Bà Nguyễn Thanh Lan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Cung ứng nhân lực Năm Châu IMS cho biết: “Đối với những thực tập sinh mà không có tiền và cũng không thể vay tiền ở ngân hàng để đi cũng được công ty ưu đãi cho vay và không lấy lãi. Số tiền cho vay này, công ty cũng có những cân nhắc riêng. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng đến những quyền lợi người lao động được hưởng. Làm doanh nghiệp ai cũng tính toán đến việc có thể mình có được lợi nhuận cao nhất, nhưng phần đó, chúng tôi chỉ lấy một phần nhỏ, còn lại là đẩy mạnh thương hiệu và giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện, người lao động có nhiều lựa chọn việc làm cả trong nước và nước ngoài nên việc tuyển người đi làm việc ở nước ngoài không dễ dàng. Việc hỗ trợ vay vốn cho người lao động sẽ tạo tính cạnh tranh cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động”.
Hướng tới các thị trường bền vững
Trong năm 2022, bên cạnh các thị trường truyền thống gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc..., Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như: Đức, Nga, Australia (chương trình visa nông nghiệp), Israel và một số thị trường châu Âu khác. Hiện, các doanh nghiệp đang phối hợp với đối tác nước ngoài để triển khai các hợp đồng cung ứng lao động đã ký kết và đăng ký.
Trong quý I/2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại (Australia) đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia. Đây là nước tiếp nhận lao động nước ngoài với mức lương tốt, hệ thống pháp luật rõ ràng, bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhưng yêu cầu về trình độ tay nghề, ngoại ngữ khắt khe. Việc đưa lao động đi làm việc tại Australia với các hình thức, ngành nghề khác nhau (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp) là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của nhiều người lao động. Bản ghi nhớ nói trên là văn bản đầu tiên mà Australia ký với các nước đưa lao động đi làm việc tại nước này theo chương trình thị thực nông nghiệp.
Trước đó, Chính phủ Australia đã công bố chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam trở thành nước ưu tiên tham gia sớm chương trình. Dự kiến, Australia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 lao động/năm; mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) từ 3.200-4.000AUD/tháng (tương đương khoảng 52,8-66 triệu đồng/tháng). Đây là mức thu nhập được đánh giá cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác.
Cùng với các thị trường mới, các thị trường truyền thống cũng được chú trọng. Đầu năm 2022, Việt Nam và Malaysia cũng ký kết Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động. Đây là sự tiếp nối của bản ghi nhớ lần đầu tiên về tuyển dụng lao động Việt Nam được chính phủ hai nước ký vào tháng 12/2003. Từ đó đến nay, có khoảng hơn 100 nghìn lượt người lao động Việt Nam đã sang làm việc tại Malaysia.
Gần đây, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thí điểm thực hiện người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời hạn 5 năm, từ 1/1/2022. Ngay sau đó, trong tháng 5, phía Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận lại lao động Việt Nam làm việc tại các trang trại nông nghiệp. Đây là cơ hội để người lao động Việt Nam tiếp cận các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến và hiện đại tại Hàn Quốc. Trên cơ sở quan hệ hợp tác sẵn có giữa địa phương Việt Nam và địa phương Hàn Quốc, các cơ quan cấp tỉnh trao đổi và ký kết thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Trước khi ký kết, các địa phương báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Chính phủ để xem xét, chấp thuận hợp tác.
Củng cố ý thức tổ chức kỷ luật
Không thể phủ nhận, xuất khẩu lao động được coi là một trong những kênh giúp người dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả ở những địa phương khó khăn. Tuy nhiên, do tâm lý người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài nhanh, theo các hợp đồng ngắn hạn nên đã không quan tâm đến việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, chưa nhận thức đầy đủ về vị thế của bản thân. Bên cạnh đó, hiện, nhiều thị trường lao động ngoài nước vẫn tiếp nhận lao động phổ thông nhằm bù đắp sự thiếu hụt nhân lực làm các công việc giản đơn, độc hại, nguy hiểm, công việc mà người dân nước sở tại không muốn làm.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, phần lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa qua đào tạo nghề nghiệp một cách chính quy, bài bản. Do đó, lao động của ta còn yếu cả về trình độ chuyên môn, tay nghề và ngoại ngữ. Họ chưa phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế, cả về ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong làm việc công nghiệp, sinh hoạt tại các nước phát triển.
Vì vậy, họ thường làm những công việc giản đơn, mức tiền công không cao so mặt bằng ở nước tiếp nhận. Hơn nữa, vị thế của người lao động chưa cao nên dễ bị tổn thương khi xảy ra khủng hoảng. Một bộ phận người lao động thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm hợp đồng lao động và quy định pháp luật ở nước đến làm việc. Tự ý ở lại cư trú và làm việc không hợp pháp khi kết thúc hợp đồng lao động. Hơn nữa, các doanh nghiệp dịch vụ chưa chú trọng đến công tác chuẩn bị và tạo nguồn nhân lực có chất lượng đưa đi làm việc ở nước ngoài một cách bài bản. Họ thường chỉ tuyển chọn lao động nhằm đáp ứng từng đơn hàng cụ thể. Vì thế, việc tổ chức đào tạo người lao động chỉ mang tính hình thức, không thực chất. Thậm chí, thông qua các tổ chức trung gian, cò mồi tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có những quy định về việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhưng mới chỉ quy định bắt buộc giáo dục định hướng. Đó là về pháp luật, phong tục tập quán, điều kiện làm việc, sinh hoạt và các hướng dẫn khác cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Còn những quy định về chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề lại mang tính chủ trương, khuyến khích mà chưa có quy định chi tiết, bắt buộc. Điều này gây khó khăn trong việc thực hiện nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Đi lao động nước ngoài để nâng cao trình độ
Thiếu lao động phổ thông trước mắt nhưng về xu hướng, phần lớn người sử dụng lao động đều muốn nhận lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ. Bởi những lao động này có khả năng tiếp thu công việc nhanh, làm việc có năng suất và hiệu quả, thêm vào đó là ý thức tổ chức kỷ luật lao động và sinh hoạt tốt hơn.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng nhận định, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để họ kiếm nhiều tiền hơn, để tăng thu nhập cho gia đình mà nhìn rộng hơn là để họ được trang bị kiến thức để nâng cao kỹ năng làm việc, tăng tính kỷ luật trong công việc của người lao động rồi sau đó, họ trở về nước đóng góp cho đất nước.
Trương Hà Văn (quê Ninh Bình) sẽ sang Nhật Bản làm việc trong thời gian ba năm. Trước khi đi, em đã được đào tạo ba năm tại trường nghề và có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật. Văn cho biết: “Kết thúc hợp đồng ba năm thì chúng em sẽ nhận được tấm bằng cử nhân tiếng Nhật. Tấm bằng đó sẽ giúp em có công việc cũng như trong cuộc sống sau này sẽ thuận lợi nhiều hơn”. Những lao động đi cùng Trương Hà Văn vào đầu tháng 6 tới cũng đều có bằng tốt nghiệp trường nghề. Họ là những lao động có tay nghề vững nên việc đi Nhật Bản này là cơ hội để rèn luyện, củng cố thêm những kỹ năng trong nghề cũng như học tập thêm về khoa học công nghệ.
Em Đào Minh Quyết, quê Lạng Sơn chia sẻ: “Đi sang Nhật Bản làm việc dịp này, chúng em sẽ học thêm về kinh nghiệm làm việc, tác phong làm việc, củng cố kiến thức, củng cố vốn ngoại ngữ để sau này về phục vụ cho sự phát triển đất nước”. Nguyễn Thị Hồng Anh, quê Thanh Hóa tâm sự: “Sau khi đi Nhật Bản về, với bằng cấp và kinh nghiệm làm việc, em sẽ làm việc cho một công ty Nhật Bản tại Việt Nam để có mức lương thỏa đáng”.
Cho dù, số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài tăng đều trong ba năm nay, song các thị trường như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… ngày càng khắt khe, yêu cầu cao về chất lượng lao động. Người lao động ngoài sức khỏe, tay nghề, còn phải đáp ứng được các kỹ năng khác như ngoại ngữ, ứng xử. Hiện nay, nhiều đối tác nước ngoài không chỉ yêu cầu tốt nghiệp lớp 12 như trước đây mà còn yêu cầu lao động đã qua đào tạo tại trường nghề. Những lao động này được giảm phí xuất cảnh một nửa so lao động không có tay nghề, thời gian làm việc thường kéo dài 5 năm thay vì ba năm như lao động phổ thông và mức lương cũng cao hơn.
Ông Nguyễn Thành Kính, Công ty EK Group cho biết: “Để nâng cao trình độ lao động được cử sang Nhật Bản làm việc. Phía đối tác Nhật Bản đã phối hợp các trường nghề Việt Nam thực hiện từ khi đào tạo tay nghề rồi đưa sang Nhật Bản làm việc. Đặc biệt, sau khi hết hạn hợp đồng về nước, những lao động này sẽ vào làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp có chi nhánh của Nhật Bản tại Việt Nam. Như vậy, lao động có tay nghề khi trở về sẽ mang các kiến thức đã học, được sử dụng trong các nhà máy tại Việt Nam”.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định: “Chúng ta sẽ phải bảo đảm mức 60% lao động có trình độ chuyên môn đi làm việc tại nước ngoài và trong tương lai phải nâng lên mức 80%. Có như vậy mới đạt được yêu cầu về chủ trương của chúng ta là đưa lao động có trình độ chuyên môn đi làm việc ở nước ngoài, thông qua đó, lao động được đào tạo thêm về kỹ năng, ngoại ngữ. Sau này về nước, sử dụng họ có hiệu quả để phục vụ công cuộc xây dựng đất nước”.
Trong quý I/2022, khi thị trường xuất khẩu lao động có nhiều dấu hiệu khởi sắc, Việt Nam đã đưa gần 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3/2022 là 1.096 người, tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hungary, Trung Quốc... Cụ thể, thị trường Nhật Bản có 612 lao động, thị trường Đài Loan 439 lao động, Hàn Quốc 336 lao động, Singapore 331 lao động, Trung Quốc 1.245 lao động, Hungary 99 lao động, Nga 71 lao động, Ba Lan 68 lao động, Rumani 65 lao động…
Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liêm cho biết, việc đào tạo, trang bị kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh được quy định cụ thể trong Luật Người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Vì vậy, việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động là yêu cầu bắt buộc. Những năm gần đây, việc luật hóa công tác đào tạo trước khi phái cử lao động đã dần hình thành một lực lượng lao động chuẩn mực tại nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt. Hình ảnh người lao động Việt Nam được nâng cao đáng kể trong mắt chính quyền và người dân sở tại.