Đích phải đến để phát triển bền vững
Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành. Trên thế giới, chất lượng của một chương trình đào tạo thuộc một trường đại học (ĐH) muốn bảo đảm uy tín thì phải được kiểm định.
Không nằm ngoài xu thế tất yếu này, từ năm 2012, Luật Giáo dục ĐH đã quy định, các trường phải kiểm định chất lượng để từ đó, phụ huynh và học sinh có thể nhìn vào ngành học nào, trường ĐH nào đã kiểm định để tin tưởng theo học. Hiện nay, các trường có thể đăng ký để đạt kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), của Hiệp hội các trường ĐH Đông Nam Á và rộng hơn nữa là của các tổ chức kiểm định quốc tế.
Đang làm việc cho một ngân hàng của Hàn Quốc tại Việt Nam, anh Lee Jaeuk muốn học thêm thạc sĩ và chỉ chọn học ở trường đã kiểm định quốc tế. Anh Lee Jaeuk đang theo học lớp đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh, Trường Quản trị và Kinh doanh (ĐHQG Hà Nội), học viên đến từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ. Anh Lee chia sẻ: “Tôi chỉ chọn học ở trường đã kiểm định quốc tế. Tôi đã làm trong lĩnh vực tài chính được 20 năm nên việc học ở một cơ sở đào tạo chất lượng mới đáp ứng được nhu cầu và quả thực, ở đây, tôi đã lĩnh hội được nhiều kiến thức chuyên sâu với các chương trình học gắn liền với thực tế”.
Anh Lee là một thí dụ điển hình cho thế hệ sinh viên toàn cầu. Họ học tập ở trường ĐH công lập Việt Nam nhưng bằng cấp đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đó là giá trị mà kiểm định quốc tế mang lại. Đó cũng là đích đến mà các trường ĐH mong hướng tới.
Trường Quản trị và Kinh doanh mất hai năm để đạt được chứng chỉ kiểm định khắt khe của đoàn kiểm định quốc tế đến từ châu Âu. Trước đó 10 năm, nhà trường đã xác định, kiểm định quốc tế là cái đích phải đến để phát triển bền vững. Hiệu trưởng, PGS, TS Hoàng Đình Phi cho biết: “Mục tiêu quan trọng của kiểm định quốc tế không giống như chúng ta thường nghĩ là chỉ cần đạt được mục tiêu về thủ tục, hành chính. Mà họ muốn đánh giá, chứng minh rằng, một trường ĐH của Việt Nam có quá trình đào tạo, cấp bằng cử nhân, thạc sĩ quản trị dạy bằng tiếng Anh, đạt chuẩn châu Âu. Qua đó, các giảng viên và sinh viên quốc tế có thể đến đây giảng dạy và học tập. Ngược lại giảng viên và sinh viên Việt Nam cũng có thể sang châu Âu giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Việc cấp bằng được công nhận như nhau và khi đi xin việc làm thì tấm bằng được tin cậy”.
Sinh viên Trường đại học Nông nghiệp giới thiệu các sản phẩm mới. Ảnh: ANH HẢI |
Để kiểm định đi vào thực chất
Các cơ sở giáo dục ĐH hiện có khoảng 6.000 chương trình đào tạo, trong đó, có 1.019 chương trình đạt kiểm định (chiếm khoảng 17%), hơn 200 cơ sở giáo dục ĐH (chiếm 80%) các trường ĐH của cả nước đã được kiểm định, 9 cơ sở đạt kiểm định theo chuẩn quốc tế.
Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội trong công bố về chiến lược phát triển đến năm 2035, phấn đấu xếp hạng một số lĩnh vực lọt vào tốp 200 thế giới. Để đạt được mục tiêu lớn này, nhà trường phải đạt kiểm định chất lượng. Đại diện nhà trường cho rằng, xã hội, trong đó giữ vị trí trung tâm là các doanh nghiệp sẽ đánh giá chính xác việc kiểm định có thực chất và đi vào thực tế nghiên cứu giảng dạy. Hiệu trưởng, GS, TS Chử Đức Trình cho rằng: “Cuối cùng của kiểm định chất lượng là chất lượng của nguồn nhân lực đầu ra. Các doanh nghiệp phải thường xuyên đồng hành với trung tâm kiểm định chất lượng cũng như với các trường ĐH để giám sát và đánh giá sản phẩm đầu ra là các em sinh viên tốt nghiệp. Có như vậy, chúng ta mới thành công và có như vậy, kiểm định chất lượng mới đúng thực chất!”.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT có hai bộ tiêu chuẩn, tiêu chí về kiểm định chất lượng ĐH. Với cơ sở giáo dục ĐH, phải đạt 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí. Với chương trình đào tạo ĐH phải đạt 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí. Giá trị của một lần kiểm định có thời hạn 5 năm. Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Bộ luôn chỉ đạo các trung tâm kiểm định phải lưu ý việc cải tiến thường xuyên của các trường. Điều này rất quan trọng. Lần này các trường đạt điểm 4, lần sau kiểm định đạt điểm 5, điểm 6 thì cần được đánh giá cao. Nếu tiếp tục đạt điểm 4 thì phải xem lại nhà trường đã cải tiến thực chất hay chưa”.
Khi các cơ sở ĐH đạt được kiểm định thì sẽ tăng thêm uy tín, thu hút tuyển sinh. Đặc biệt, kiểm định là điều kiện để được tự chủ. Từ đó, có thể tăng chỉ tiêu, tăng học phí. Tuy nhiên, trong khi hầu hết các trường đều nỗ lực để đạt kiểm định thì đã xuất hiện những trường hợp đi tắt, làm giả, làm khống để đạt kiểm định chất lượng. Bộ GD&ĐT đang cố gắng giám sát để ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Cùng với đó, các trường phải nâng cao nhận thức về việc kiểm định thực chất để phát triển bền vững. Thế nhưng, trên thực tế vẫn chưa có các chế tài cụ thể đối với các cơ sở giáo dục ĐH chưa thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, hoặc không đạt chuẩn chất lượng.
Ông Huỳnh Văn Chương nhận xét: “Các cơ sở giáo dục ĐH phải nhận thức đây là công việc để cải tiến chất lượng thường xuyên, mang thương hiệu cho nhà trường. Việc mang lại giá trị cho người học là quan trọng số 1 chứ không phải để đối phó, để tự chủ, chuẩn bị cho tăng học phí. Nếu nghĩ như vậy thì trường đó, cơ sở đó không thể phát triển mạnh được”.
Từ khi có Luật Giáo dục ĐH năm 2012 và Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018, các trường càng được yêu cầu phải tự chủ, nâng cao chất lượng. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 đã được Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh là triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường bảo đảm, kiểm định chất lượng các chương trình theo Quyết định số 78. Trong đó chú trọng đến việc tăng cường xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. Phải coi việc cải tiến chất lượng là nhu cầu, văn hóa chất lượng là nguyên tắc và yêu cầu xuyên suốt trong các hoạt động giáo dục đại học.
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ từng ban hành Chỉ thị 03 về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, giao Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam về số lượng và chất lượng phù hợp chuẩn mực và thông lệ của khu vực và thế giới. Mới đây, Chính phủ đã có chương trình phát triển hệ thống bảo đảm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Theo đó, rất nhiều mục tiêu đặt ra: Năm 2025, 100% cơ sở giáo dục ĐH hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. 35% chương trình đào tạo được kiểm định, đến năm 2030 sẽ tăng lên 80% chương trình đào tạo được kiểm định.