Phóng viên (PV): Cho đến nay chưa nhiều nghệ sĩ Việt Nam có giải cao khi tham dự Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương. Vậy điều gì đã thôi thúc Tuấn, một sinh viên năm thứ hai đến với liên hoan này?
Nghệ sĩ Đặng Anh Tuấn (ĐAT): Theo học thanh nhạc, tôi luôn được các thầy cô dìu dắt, chỉ bảo tận tình, được bạn bè yêu mến, tin cậy. Để tiếp nối truyền thống của nhà trường, tôi đã quyết định đến với liên hoan. Đối với tôi, điều thú vị nhất là được học hỏi và giao lưu âm nhạc với bạn bè quốc tế. Thông qua đó, tôi hiểu hơn về văn hóa truyền thống, âm nhạc của các nước cũng như chia sẻ để bạn bè hiểu hơn về âm nhạc, văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập. Với việc giành thưởng cao tại liên hoan, tôi tự hào khi mình có thể đóng góp một phần cho nền âm nhạc nước nhà, qua đó có thể khẳng định vị thế và quảng bá một hình ảnh đẹp của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.
PV: Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc có phải là một lợi thế của bạn?
ĐAT: Khi đang học năm thứ ba Học viện Ngân hàng, tôi đã quyết định từ bỏ để theo âm nhạc. Đó là một khoảng thời gian rất khó khăn và có những ý kiến trái chiều, nhưng bố đã là người luôn động viên, tiếp bước cho tôi có thêm dũng khí bước vào con đường mới. Đồng thời, bố cũng đã tư vấn cho tôi những cách xử lý bài hát, giúp chỉnh sửa giọng hát sao cho hợp lý với từng bài. Những đoạn cao trào hay ngân nga thì bố, một người hiểu nghề có thể giúp tôi chỉnh sửa.
PV: Dũng cảm theo dòng nhạc cổ điển, phân khúc ít bạn trẻ theo đuổi, chắc bạn phải đấu tranh tâm lý rất nhiều và khó khăn thử thách cũng không ít?
ĐAT: Cổ điển là một dòng nhạc rất khó. Vấn đề cốt lõi chính là ở Việt Nam không có nhiều chương trình hay các hoạt động biểu diễn như các nước phương Tây. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là một rào cản rất quan trọng khi chúng ta thể hiện một bài hát nhưng người nghe khó có thể hiểu được hết ý nghĩa của nó. Tôi cũng đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều, nhưng với niềm yêu thích vô bờ bến đối với âm nhạc cổ điển, tôi đã quyết định kiên định với con đường mà mình đã chọn. Một trong những khó khăn thử thách lớn nhất đối với tôi đó chính là opera sử dụng rất nhiều những kỹ thuật khó, đồng thời phải vận dụng hơi thở đúng và trong câu hát vẫn phải thể hiện đúng tình cảm cũng như ngữ điệu của bài hát.
PV: Để theo dòng nhạc cổ điển, theo bạn người học phải có năng khiếu và đức tính gì?
ĐAT: Theo tôi, muốn theo được dòng cổ điển cần phải có một chất giọng tốt, được rèn luyện và mài giũa không ngừng nghỉ cũng như liên tục đúc kết những kinh nghiệm xử lý từ thầy cô để giúp chất giọng mình ngày càng được nâng cao, cải thiện hơn. Do đó, đức tính không thể thiếu chính là sự kiên trì và cần mẫn. Không ngừng học hỏi, trau dồi và chịu khó tiếp thu sẽ giúp cho nghệ sĩ opera đạt tới đỉnh cao của giọng hát.
PV: Là sinh viên năm thứ hai, chặng đường phía trước còn rất dài, bạn đã lên kế hoạch gì cho tương lai?
ĐAT: Thời gian tới chắc chắn tôi sẽ ra mắt những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Đây cũng là cách có thể giúp mọi người tiếp cận gần hơn với âm nhạc cổ điển cũng như có cái nhìn chân thật hơn với dòng nhạc đó.
PV: Cảm ơn Tuấn, chúc sản phẩm âm nhạc của bạn sẽ sớm ra mắt và được công chúng đón nhận!
Ths Đào Nguyên Vũ (giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), giảng viên trực tiếp giảng dạy Đặng Anh Tuấn chia sẻ: “Tuấn là sinh viên chăm chỉ, có giọng nam trung đẹp. Sau thời gian dài rèn luyện, học tập tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, về mặt thanh nhạc, Tuấn có nhiều tiến bộ và phát triển tốt khi thể hiện các aria cổ điển, có độ khó cao. Từ thành công ban đầu với Giải vàng tại Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương 2022, tôi tin rằng em sẽ có nhiều cố gắng và gặt hái nhiều thành tích tốt hơn nữa trong tương lai”.