Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI

Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) làm ăn thua lỗ lên tới 55% đã cho thấy chất lượng thu hút FDI đang có vấn đề. Số doanh nghiệp FDI báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị lỗ.
0:00 / 0:00
0:00
Số lượng dự án FDI có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5%.
Số lượng dự án FDI có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5%.

Số doanh nghiệp FDI thua lỗ nhiều hơn có lãi

Tại Báo cáo tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp FDI năm 2021 vừa được Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đánh giá, trong tác động chung của bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, tình hình tài chính của khối doanh nghiệp FDI vẫn có sự tăng trưởng.

Về tổng quan, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI năm 2021 có sự tăng trưởng. Doanh thu là 8.567.847 tỷ đồng (tăng 19,3% so với năm 2020), lợi nhuận sau thuế là 83.585 tỷ đồng (tăng 29,6% so với năm 2020).

Thế nhưng, sự tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp FDI phần lớn đến từ nguồn tài trợ bên ngoài; các chỉ tiêu sinh lời một số lĩnh vực vẫn còn âm, chưa được cải thiện; nộp ngân sách chưa tương xứng với tổng mức đầu tư.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp FDI báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị lỗ. Đơn cử, Công ty TNHH Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam lỗ lũy kế 6.016 tỷ đồng, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu 4.500 tỷ đồng. Còn Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam năm 2020 lỗ 41 tỷ đồng, năm 2021 lỗ tới 821 tỷ đồng. Công ty TNHH Longwell lỗ lũy kế năm 2021 sau thuế là 240 tỷ đồng.

Trong năm 2021, số doanh nghiệp báo lỗ là 14.293 doanh nghiệp (chiếm 55% tổng số doanh nghiệp) với giá trị là 168.334 tỷ đồng.

Nhìn dãy số liệu từ 2019 đến nay, có thể thấy vấn đề doanh nghiệp FDI thua lỗ vẫn chưa được cải thiện. Năm 2019, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có lãi chiếm tỷ lệ ít, mới đạt 45% số doanh nghiệp, còn lại gần 66% số doanh nghiệp lỗ. Năm 2020, số lượng doanh nghiệp có kết quả sản xuất, kinh doanh báo lỗ là 14.108 trên tổng số 25.171 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ tới 56% số doanh nghiệp có báo cáo, với trị giá lỗ là 151.064 tỷ đồng.

“Tỷ trọng doanh nghiệp lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn doanh nghiệp báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các doanh nghiệp FDI chưa đạt hiệu quả và chưa phát huy được tiềm lực của mình. Như vậy, cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, Bộ Tài chính nhận xét.

Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI ảnh 1

Số doanh nghiệp FDI báo lỗ có chiều hướng gia tăng. Ảnh: NAM ANH

Băn khoăn tác động lan tỏa của khu vực FDI

Trước tình hình doanh nghiệp FDI thua lỗ còn lớn, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế - xã hội phù hợp với quan điểm chỉ đạo “Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu” theo Nghị quyết 50- NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị.

“Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao (quy mô dự án, trình độ công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, nghiên cứu và phát triển..), đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài nhằm thu hút đầu tư có chọn lọc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, Bộ Tài chính kiến nghị.

Khi bàn về tác động lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực doanh nghiệp “nội” nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung, nhiều nhà quản lý, chuyên gia đã đề cập việc chuyển giao công nghệ giữa hai khu vực. Nhưng ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam chia sẻ: Việt Nam thu hút lượng vốn FDI và luôn kêu gọi các doanh nghiệp muốn chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Nhưng chúng ta phải xác định công nghệ là phải mua. Khu vực FDI tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng bất cứ quốc gia nào muốn có công nghệ cũng phải đi mua.

Khi phát biểu ý kiến tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 tổ chức gần đây, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhắc đến trường hợp của Samsung để chứng minh cho việc tác động lan tỏa của khu vực FDI còn hạn chế. Theo ông Tuấn, Samsung đầu tư vào Việt Nam số vốn hơn 17 tỷ USD nhưng chỉ có vài chục doanh nghiệp “nội” trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho tập đoàn này.

Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố hồi tháng 5/2021 cũng nhận xét vẫn còn những hạn chế, bất cập trong tạo hiệu ứng lan tỏa của dự án FDI. Số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5%; FDI chủ yếu tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động rẻ, hưởng ưu đãi đầu tư… Số lượng doanh nghiệp FDI thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn ít; hiệu quả kinh tế của nhiều doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi đầu tư được hưởng... Chưa kể, vẫn còn tình trạng chuyển giá, trốn thuế, ảnh hưởng đến môi trường...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nhìn nhận: Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Trước hết, phải kể đến việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất và công nghệ của khu vực FDI đến khu vực trong nước còn thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký cũng là một vấn đề cần được quan tâm xử lý. Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, một số doanh nghiệp FDI còn có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế. Đó là lý do hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài gồm 36 chỉ tiêu. Trong đó có 25 chỉ tiêu về kinh tế, bảy chỉ tiêu về xã hội và bốn chỉ tiêu về môi trường.

Trong đó, nhóm chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (10 chỉ tiêu), gồm: Lợi nhuận trước thuế; Tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản của doanh nghiệp; Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần; Tỷ trọng xuất khẩu; Tỷ trọng nhập khẩu; Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu; Tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu; Tăng trưởng xuất khẩu; Tăng trưởng nhập khẩu.

Vì vậy, thời gian tới, nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, chọn lọc dự án FDI, không chạy đua thu hút FDI bằng mọi giá là điều các bộ, ngành, địa phương cần phải lưu tâm. Khi có sự sàng lọc, các dự án FDI mới đóng góp thật sự hiệu quả cho nền kinh tế đất nước, thay vì chỉ tận dụng nguồn lao động giá rẻ và những ưu đãi chính sách.