Những con số đáng báo động
Tại “điểm nóng” về vấn đề người di cư ở Trung Mỹ, Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) ước tính, nguồn thu bất hợp pháp từ hoạt động buôn bán người qua các tuyến đường bộ tới khu vực Bắc Mỹ có thể lên tới hơn 4,2 tỷ USD. Các đường dây buôn người qua lãnh thổ Mexico tới Mỹ thường do các băng đảng buôn ma túy ở Mexico điều hành, trong đó nạn nhân chủ yếu là người dân các nước thuộc vùng “Tam giác bắc Trung Mỹ”, gồm Honduras, El Salvador và Guatemala - nơi điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội ngày càng bất ổn trong đại dịch. Trước các chiến dịch chống ma túy gắt gao của Chính phủ Mexico, các băng đảng chuyển hướng làm ăn, trong đó nhiều nhóm đã chuyển sang buôn người.
Nhóm chuyên gia về chống buôn người ở châu Âu (GRETA) công bố báo cáo hằng năm về nạn buôn người, trong đó nhận định đại dịch Covid-19 đã gây ra các tác động đáng lo ngại về tình trạng này. Chủ tịch GRETA Helga Gayer cho rằng, tội phạm buôn bán người đã lợi dụng khủng hoảng từ đại dịch. Việc thiếu nguồn lực và sự chậm trễ về thủ tục pháp lý trong bối cảnh đại dịch đã cản trở nỗ lực giải cứu, hỗ trợ nạn nhân, và kết tội những kẻ buôn người. GRETA dẫn thí dụ tại Đức, nơi các nhà chứa mại dâm buộc phải đóng cửa trong đại dịch dẫn đến sự gia tăng hoạt động mại dâm theo phương thức kín đáo hơn. Tại Tây Ban Nha, xu hướng tội phạm lợi dụng các nền tảng kỹ thuật số cho thuê phòng như Airbnb để tìm địa điểm thực hiện hành vi bạo lực tình dục cũng gia tăng nhanh chóng. Đầu tháng 3/2021, lực lượng chức năng ở Tây Ban Nha phối hợp các nước châu Âu triệt phá thành công một mạng lưới buôn người đa quốc gia có phương thức hoạt động rất tinh vi. Các đối tượng đã dụ dỗ phụ nữ trẻ đến chủ yếu từ các nước Mỹ latin, giam giữ họ trong các căn hộ thuê theo mô hình Airbnb để tránh lực lượng chức năng, và ép nạn nhân bán dâm.
Cuối tháng 10/2020, giới chức bang Ohio của Mỹ thông báo đã giải cứu thành công 109 nạn nhân, trong đó có tới 76 trẻ em là nạn nhân của tội phạm buôn người và mại dâm. Đây chỉ là một trong số gần 200 vụ do cơ quan thực thi pháp luật bang Ohio phối hợp giới chức liên bang thực hiện trong một chiến dịch truy quét. Tổ chức phi lợi nhuận Walk Free Foundation đưa ra con số tại Mỹ có khoảng 400 nghìn người là nạn nhân của tình trạng “nô lệ thời hiện đại” và đại dịch Covid-19 càng khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.
Khó khăn chồng chất
Việc xác định, tìm kiếm nạn nhân của nạn buôn người vốn rất khó khăn ngay cả trong điều kiện bình thường, trước đại dịch. Những lý do chính là nạn nhân thường bị ép lao động trong các lĩnh vực bất hợp pháp, phi chính thức hoặc không được kiểm soát như công nghiệp tình dục, phạm tội nhỏ lẻ, hay lao động ép buộc trong các hộ gia đình, xưởng sản xuất và buôn bán ma túy…; khả năng che giấu hoạt động của tội phạm có tổ chức ngày càng cao. Sự thiếu hiểu biết, thiếu chủ động của chính các nạn nhân trong việc báo cáo về tình trạng của bản thân và khả năng hạn chế của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phát hiện loại tội phạm này cũng là nguyên nhân khiến nạn buôn người hoành hành.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiệm vụ xác định, hỗ trợ các nạn nhân của nạn buôn người trở nên khó khăn hơn. Nạn nhân dễ bị lây nhiễm virus hơn, ít được chuẩn bị để phòng tránh lây bệnh và khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế để điều trị. Các hành động thiết thực để hỗ trợ nạn nhân buôn người trở thành một thách thức, khi các quốc gia xem xét lại các vấn đề cần ưu tiên trong thời kỳ đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và thu nhập giảm, nhất là với nhóm người lao động được trả lương thấp và người lao động trong khu vực phi chính thức, có nghĩa là một số lượng đáng kể những người vốn đã dễ bị tổn thương lại rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn. Hàng triệu người trước đại dịch đã sống bằng mức lương tối thiểu, lại mất thu nhập vào đúng thời kỳ đại dịch, đối mặt với nguy cơ ngày càng cao bị bóc lột sức lao động, hoặc trở thành nạn nhân nạn buôn bán người.
Trẻ em có nguy cơ bị bóc lột ngày càng tăng, nhất là do đóng cửa trường học. Nhiều em không những không được tiếp cận giáo dục mà còn bị tước đi thức ăn và nơi ở. Ở một số quốc gia, đại dịch buộc nhiều trẻ em phải ra đường để mưu sinh, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh và bị bóc lột. Tại Senegal, UNODC hỗ trợ chính phủ trong một hoạt động quy mô lớn để xác định hàng nghìn trẻ em đường phố được đăng ký vào các trường nội trú tôn giáo. UNODC hỗ trợ số trẻ em này trở về gia đình hoặc bố trí vào các nơi ở tạm trú.
Khi trường học bị đóng cửa, trẻ em cũng có xu hướng sử dụng internet nhiều hơn để học tập và giao lưu. Điều này có thể khiến chúng dễ bị tiến công bởi “những kẻ săn mồi tình dục” trực tuyến. Các nhóm hành động vì quyền trẻ em, giới chức thực thi pháp luật và các tổ chức quốc tế đã có báo cáo về nhu cầu ngày càng tăng đối với dữ liệu khiêu dâm trực tuyến và tình trạng mại dâm trẻ em trực tuyến.
Đối với những nạn nhân vẫn bị tội phạm buôn người giam giữ, các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tuyệt vọng. Trong bối cảnh xã hội tập trung các ưu tiên và hành động nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch, những kẻ buôn người càng dễ che giấu hoạt động, khiến nạn nhân ngày càng trở nên “vô hình”. Với nhiều nạn nhân đã được giải cứu, họ được cung cấp giấy phép cư trú tạm thời và tiếp cận một số chế độ phúc lợi xã hội, y tế nhưng lại không dễ dàng gia hạn các giấy tờ này. Các hạn chế liên quan đại dịch còn tác động tiêu cực đến khả năng hợp tác quốc tế của các cơ quan thực thi pháp luật. Nhiều tuyến biên giới bị đóng cửa, các kênh liên lạc thường xuyên bị gián đoạn do hạn chế về đi lại, trong khi các ưu tiên được thay đổi để tập trung vào mục tiêu y tế công cộng ở mỗi quốc gia.
Khó khăn tiếp nữa là các quan chức thực thi pháp luật và nhà cung cấp dịch vụ xã hội có thể thiếu thiết bị bảo hộ nên họ lo ngại bị lây nhiễm dịch bệnh khi tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương, được xem là các nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người. Theo yêu cầu của lực lượng Cảnh sát chống buôn người Jordan, UNODC đã hỗ trợ các nỗ lực để mua sắm vật tư, thiết bị bảo hộ, bộ dụng cụ y tế và xét nghiệm Covid-19 cho lực lượng này. Đơn vị Chống tội phạm xuyên quốc gia Côte d’Ivoire cũng đưa ra yêu cầu hỗ trợ tương tự. Tuy vậy, các giải pháp này chỉ là tình thế và cần được thay bằng nỗ lực tổng thể phục hồi sau đại dịch, để giảm bất bình đẳng xã hội, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo lực, bóc lột và tình trạng buôn bán người.