Mùa kết tinh yêu thương

Tập thơ “Mùa bạch diệp” (NXB Hội nhà văn) của nữ sĩ Bạch Diệp là tiếng lòng, thức cảm được dồn nén của một hồn thơ trải qua bao thăng trầm, hoan hỉ, đắng ngọt trong vườn yêu. Vì thế, “Mùa bạch diệp” mở ra sự đồng cảm với những tâm hồn từng chịu thương tổn. Cảm xúc của cái tôi trữ tình nữ tính hòa quyện với giọng thơ nhẹ nhàng, kín đáo tạo nên âm điệu vương vấn cho tập thơ.
0:00 / 0:00
0:00
Mùa kết tinh yêu thương

50 bài thơ, mỗi bài là một lời thủ thỉ, sẻ chia thầm kín về tình yêu, về bản thể. Đi hết tập thơ, người đọc quyện vào cảm xúc của chủ thể trữ tình Em. Em trong thơ Bạch Diệp luôn tha thiết, mãnh liệt nhưng không kém phần ý nhị, tinh tế. Tình yêu của Em trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ cái tôi cô đơn, buồn thương đến nồng nàn, da diết và sau đó là khát vọng về một tình yêu bền chặt, vĩnh cửu.

Ta bắt gặp những câu thơ ngắn, dài như nhịp thở chứa đầy tâm trạng. Đó là của nỗi nghẹn ngào, hờn tủi của Em vì mòn mỏi đợi chờ: “màu nhạt thế/ngày anh im lặng/đặc và vắng/ như đêm/bóp nghẹt hơi thở/dù là một chữ/đi ra/nỗi buồn/đi vào/nhưng em đợi/em cần nghe tiếng anh” (Nỗi sợ). Nỗi chờ đợi, ngóng trông lâu dần là nham thạch bào mòn, làm trái tim Em buốt nhói, tái tê: “Người đàn bà đợi trăng trên ban công/Tiếng cười đêm đâm thẳng tim em/Vòng ôm ký ức nhói buốt tim em/Em mang những sẹo trên ngực/Đứng bên bờ sâu/Anh bao nhiêu trăng không đầy/ Em bao nhiêu mưa không trôi” (Sắp hết thì giờ rồi)…

Thơ Bạch Diệp bắt nhịp xu hướng thơ ca đương đại. Đó là sự phá bỏ những quy ước, luật thơ cũ, câu từ hàm súc nhưng gợi mở, tạo sức liên tưởng qua lớp ngôn từ ẩn dụ, giàu hình ảnh. Nhưng Bạch Diệp không cố công nhào nặn ngôn từ, mà để nó trôi tự nhiên theo mạch cảm xúc. Soi xét các thi liệu, thi ảnh trong “Mùa bạch diệp”, chúng ta hình dung đang đọc những lời tự tình miên man, những vần thơ được nhào nặn, gọt giũa một cách công phu, kỹ lưỡng: “em muốn chạm vào ngày/chỉ để biết/anh vẫn luôn ở đó/tồn tại/mà không cần hiện diện” (Một ngày trôi không từ biệt)…

Xuyên suốt tập thơ, dễ dàng nhận thấy tứ thơ vận động từ phía bóng tối về phía ánh sáng. Không ít lời thơ khiến lòng người nhức nhối, rưng rưng, nhưng có những bài lấp lánh niềm tin về sự bất diệt, vĩnh hằng của tình yêu. Đó là sự dịch chuyển phù hợp với mạch cảm xúc trong thơ cũng như mạch chảy của nguồn yêu. Bởi suy cho cùng, tình yêu phải là lớp phù sa bồi đắp cho cuộc sống của con người trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn. Vì thế, Em trong “Mùa bạch diệp” vẫn không thôi đợi anh, để được hiện hữu giữa ngọt ngào yêu thương: “mưa vẽ khuôn mặt anh nơi đó dịu dàng/thêm một chiều thêm một đời/chỉ một người/một lời thôi”. (Mưa rồi anh nghe em không).

Nếu như bốn mùa trong năm là sắc màu của thời tiết, thì “Mùa bạch diệp” kết tinh những cảm xúc, trạng huống tinh tế, phức hợp về tình yêu, về bản thể. Thâu tóm từng mã tự trong tập thơ, chúng ta đồng cảm với giọng thơ buồn, sâu lắng nhưng luôn khát khao, cháy bỏng yêu thương.