Trong các loại mứt đặc sản của Đà Lạt, hồng treo gió được xếp hạng là “nữ hoàng” của quà tặng bởi độ ngon và cách tạo ra món này cũng khiến nhiều người “choáng” về độ kỳ công.
Thung lũng Vàng, khu vực ngoại ô như Trại Mát, Khe Sanh, Cầu Đất được mệnh danh là “thủ phủ” của cây hồng và cũng là nơi tập trung đông cơ sở làm hồng treo gió. Những năm gần đây, nhờ áp dụng công nghệ sấy Nhật Bản, người dân địa phương đã làm ra sản phẩm hồng sấy khô bằng gió và nắng tự nhiên có chất lượng tương đương những quả hồng nhập khẩu.
Làm hồng treo gió thu nhập cao nhưng rất kỳ công, phải bảo đảm các yếu tố vệ sinh, nhà lồng không để cho côn trùng bay vào. Trái hồng thu hoạch khi vừa chín tới sẽ được gọt vỏ và để lại cuống, sau đó sấy trong lò vài giờ rồi treo lên cao, buộc một tờ lịch đánh dấu số ngày để theo dõi. “Để làm ra những trái hồng treo gió chuẩn vị, chúng tôi phải bỏ công từ ba đến bốn tuần, tùy thuộc thời tiết, nhiệt độ và độ ẩm. Làm hồng treo dẻo, trái hao hụt rất nhiều nên cần thực hiện các biện pháp vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt, từ hái, làm tai, rửa sạch, phơi rồi mới bỏ vỏ và treo”, chị Mỹ Thanh, chủ một cơ sở sản xuất ở Cầu Đất cho biết.
Chỉ với không khí và nắng trời, qua thời gian, những chùm hồng tươi chát đã tự biến mình thành những dây quả bên ngoài khô nâu nhưng bên trong đượm mật ngọt, tốt cho sức khỏe. Mùa hồng treo bắt đầu giữa những ngày se lạnh khiến bầu không khí của những cơ sở sản xuất quanh khu Cầu Đất như bừng sáng bởi mùi thơm trái chín và sắc đỏ cam rực rỡ của những chùm hồng trên dây phơi. Thiên nhiên ban tặng miền đất lành quanh năm đều có hoa thơm. Nếu đến Đà Lạt mùa này, bạn đừng quên ghé nhà vườn để chụp được những bức hình ưng ý, được gia chủ mời thưởng món thức hồng treo bên tách trà ấm để xua tan cái lạnh đầu đông và chỉ còn dư vị ngọt trên môi.