Một trang sử bình dị

Khi khép lại trang bản thảo cuối cùng của cuốn sách chuyên khảo của đạo diễn, nhà nghiên cứu Lê Duy Nghĩa do NXB CAND ấn hành, trái tim tôi như rung lên bởi một cái tên thật mộc mạc “Ấp Mũi Lớn” - mảnh đất có hình thái địa lý giống hình chữ S như bản đồ đất nước ta, rồi trôi theo dòng tư liệu lịch sử đầy xác thực với những con người của “thế hệ vàng”, dám dấn thân, hy sinh và cống hiến trọn vẹn cho Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Một trang sử bình dị

Xuyên suốt hàng trăm trang sách được viết từ kiến thức sâu sắc, giàu trải nghiệm và đặc biệt là đầy cảm xúc của tác giả, tôi đã có được một hành trình lý thú với những kiến thức dư địa chí tuyệt vời về miền đất phương nam nắng gió Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.

Dù được viết theo hình thức lược sử, cuốn chuyên khảo “Ấp Mũi Lớn” đã đạt được nhiều yếu tố cho thấy đây là một cuốn sách hay, thông tin đáng tin cậy và giọng văn dễ cảm thụ. Ở hai chương đầu khái quát về lịch sử vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và về đất thép Củ Chi anh hùng, tác giả đi sâu vào những sự kiện lịch sử gắn liền với việc hình thành và phát triển của địa phương. Chương 3 và chương 4 lại được chuyển sang một hướng thể hiện mới, cho thấy sự đa dạng trong tư duy xây dựng kết cấu sách và linh hoạt hình thức phản ánh nội dung của tác giả.

Đọc “Ấp Mũi Lớn” sẽ bắt gặp rất nhiều chi tiết thú vị xen giữa những câu chuyện rưng rưng thương cảm. Song hầu hết các bài viết đều không hề bi lụy mà cho thấy sự quật cường của một vùng đất với những con người đáng kính trọng. Tôi đặc biệt ấn tượng với cụm bài viết “Những con người làm nên lịch sử kiên cường Ấp Mũi Lớn” và càng xót xa hơn khi đọc danh sách của 38 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của cái ấp bé nhỏ ấy. Bởi hiếm có một xóm ấp nào trên đất nước này lại có nhiều bà mẹ đã hy sinh núm ruột của mình cho cách mạng đến thế. Mà chính các mẹ cũng là những chiến sĩ trung kiên, ngày lao động bên ruộng lúa, vườn rau, đêm đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ hay luồn qua các con hẻm để đưa tin, mật báo tình hình địch.

Lịch sử không chỉ là những sự kiện được ghi lại bằng ngày tháng, bằng con số… Lịch sử còn là từng con người, từng số phận, từng hạnh ngộ trong thời điểm, thời khắc ấy để được rõ ràng hơn, dễ tiếp cận hơn. Xuất phát tự tâm thế ấy nên cách viết của tác giả Lê Duy Nghĩa đã chọn là phù hợp, dùng ngôn ngữ kết hợp văn học sử để kể một câu chuyện người thật, việc thật. Không giống như truyện ngắn có yếu tố hư cấu nhưng lại cùng mục đích là đem lại giá trị nhận thức cho người đọc qua lăng kính của người viết.

Và tôi hoàn toàn đồng cảm với tâm tư của đạo diễn, nhà nghiên cứu Lê Duy Nghĩa khi anh bộc bạch: “Ấp Mũi Lớn dù lớn đến đâu, nhưng so với lịch sử trên 300 năm của xứ Sài Gòn - Gia Định thì luôn nhỏ bé. Chỉ có con người, trái tim của người dân ấp Mũi Lớn luôn đồng hành với thăng trầm của vận nước, họ đã tay cầm tay vai kề vai, chung sức chung lòng để viết tiếp truyền thống anh hùng hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam”.