Một tay vẫn cá lưới thuyền

Bị tai nạn lúc nhỏ, mất một bàn tay nhưng ngư dân Trần Ngọc Sơn, 48 tuổi, ngụ ở xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) vẫn vững chãi vươn mũi ghe ra khơi.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Ngọc Sơn (trái) nổi tiếng ở vùng biển Vinh Thanh.
Ông Trần Ngọc Sơn (trái) nổi tiếng ở vùng biển Vinh Thanh.

Làm một tay thì khó nhưng vẫn yêu biển

Đầu tháng 4, vùng biển Vinh Thanh sóng động. Dọc bãi ngang, mầu nước đục ngầu cuộn lên liên hồi, hàng chục ngư dân phụ nhau kéo ghe lên bờ. Tranh thủ trời hửng nắng, những chỗ trên ghe bị nước mặn ăn mòn, ông Sơn cùng mấy anh em bạn biển quét thêm lớp dầu rái. Cái mùi nồng hắc của dầu rái hòa với mùi biển trên hàng chục tấm lưới bay khắp một vùng.

Vừa về nhà nghỉ ngơi hai ngày, tay chân chưa đỡ mỏi, ông Sơn lại lúi húi ra kiểm tra ghe của mình. “Hai chiếc ghe đóng hơn trăm triệu đồng cách đây gần bốn năm, nhờ nó mà tôi có đồng ra, đồng vào. Giữ gìn chớ, dân miền biển tụi tôi lỡ mà hư chiếc ghe là coi như mất ăn, mất ngủ”, ngư dân Trần Ngọc Sơn cười nói.

Ở Vinh Thanh, ông Sơn nổi tiếng là ngư dân một tay. Thoạt nghĩ, nghề biển đối với người bình thường đã nặng nhọc. Vậy mà đối với ông, mọi chuyện chỉ đơn giản là kéo lưới, là cầm chắc tay trên tay lái, rồi băng qua đầu con sóng. Ngày trước, bãi ngang xã Vinh Thanh thịnh vượng với nghề đi biển. Những năm 1990, biển đối với lớp thanh niên trong đó có ông Sơn là một phần máu thịt. Anh em xóm thôn đoàn kết hỗ trợ nhau, từ công đoạn đóng ghe, đi biển đến khi thu cá về. Chỉ tay đến chiếc ghe mới vừa chở ra bãi cát, ông Sơn hồ hởi: “Chừ cũng rứa, nhà ai đóng ghe mới là gọi một tiếng, cả thôn chạy ra chung lưng vô vần ghe (xoay mũi ghe) ra biển. Chiếc ghe nhà ni đóng 70 triệu đồng, nhỏ hơn ghe tôi một chút”.

Dựa theo luồng nước cá tôm thường sinh sản, ngư dân Vinh Thanh thường chọn thả lưới cách bờ chừng 8 hải lý. Đây là vùng có hải sản dường như quanh năm. Chỉ những ngày biển động, gió lớn, vùng nước này mới vắng bóng ghe, thuyền. Còn lại, cứ 4 - 5 người đàn ông sẽ đi chung một chuyến. Mỗi ngư dân thu nhập được hơn một triệu đồng/ngày, đủ cho cuộc sống ở vùng này.

“Ra khỏi nhà khi mọi người bắt đầu ngủ, về lại bờ khi họ chuẩn bị ăn cơm chiều” là câu nói thân thương của ngư dân biển Vinh Thanh. Do đặc thù công việc đánh lưới diễn ra ở gần bờ nên tất cả ghe, thuyền đều đi về trong ngày. Ngày trúng được đàn cá, họ quay ghe vô bờ sớm. Nhưng vẫn có bữa, ông Sơn về nhà chỉ đem theo vài chục con cá, bù trừ tiền dầu máy, chẳng thấm vào đâu. Mỗi ngày, thời gian ông lênh đênh trên mặt biển chừng 12 tiếng, vợ ông ở nhà cũng dành thời gian đó chuẩn bị khâu lại những chỗ thủng trên tấm lưới. Đợi ghe về, bà chạy ra biển, chung một tay kéo chiếc ghe nặng cả tấn lên bờ. Họ không dám để ghe ngập nước vì sóng gần bờ vùng bãi ngang rất mạnh, dễ hất gây lật, thủng ghe.

Một tay vẫn cá lưới thuyền ảnh 1

Sửa soạn lưới, ghe cho mùa ra khơi.

Tình người khơi xa

Nhìn qua chiếc ghe mới một lượt, với kỹ năng kéo lưới, lái ghe ngược sóng của mình, ông Sơn nhận ra ghe này còn thiếu một bộ phận quan trọng là hai đường ống nhựa uốn cong theo thành ghe. Ông cho rằng, nhiều anh em mới đi biển do chủ quan, không lắp thêm bộ phận đó rất dễ làm rách lưới khi kéo cá lên. Nhiều khi ghe của ông Sơn đang kéo cá lại thấy bạn biển ghe kia đứng trơ người, là do bộ lưới mắc ngay thành ghe. Khi đó cả nhóm người đành chấp nhận bỏ mẻ cá.

Nhiều lần ra khơi, anh em đi chung ghe chẳng biết đâu là nước biển, đâu là giọt mồ hôi. Họ vẫn đùa vui, để mau chóng lại sức đem cá về bờ kịp giờ họp chợ. Thấy một con cá khoai mắc vào tấm lưới, cả nhóm người chọc nhau “Bắt được cá heo rồi!”. Tiếng cười giữa vùng biển lộng gió là liều thuốc tăng sức lực tốt nhất của những ngư dân. Tính ông Sơn hay pha trò, đùa vui. Cái giọng chắc nịch, hơi vọng của ông dễ khiến anh em thêm vững tay lái, rẽ sóng tìm đàn cá.

Tay chân đầy dấu vết của những lần bị thương, gương mặt sạm nét chân chim, ông Sơn vẫn tự hào khi cuộc đời của ông đã gắn với miền biển, gắn với cái nghề mà trước đây ông không nghĩ nó sẽ đồng hành với cuộc đời mình. “Mùa hè như từ đợt này, tôi đi chiếc ghe nhỏ, tiện đánh cá với dễ kéo lên bờ hơn. Tới khi mùa mưa, phải lấy chiếc to chứ sóng nó cao lắm, đi mũi ghe thấp nguy hiểm”, đó là kinh nghiệm chọn ghe, chọn con nước của ông Sơn mấy chục năm qua.

Hằng ngày, sau bữa cơm tối, bà Đỗ Thị Thanh Loan, vợ ông Sơn chuẩn bị một cà mèn cơm, thức ăn đủ cho ngày mai ông dùng trên ghe. Ngư dân vùng bãi ngang Vinh Thanh đi chung chuyến, đánh cá chung khu vực nên tất cả đều chia sẻ cho nhau mọi thứ họ mang theo. Có bữa, ghe ông Sơn vô bờ trước, còn mấy gói thuốc lá, đôi lon nước tăng lực, ông gửi cho ghe bạn chưa thu xong lưới. Mới nghe ông nói về khoảng cách từ bờ ra vùng thả lưới chỉ khoảng 8 hải lý, nghĩ là gần nhưng để đi ra đến nơi, chiếc ghe cong cong cần chạy trong 3 giờ đồng hồ, đó là ngày trời yên, gió lặng.

Tình người, tình ngư dân thể hiện rõ nét, nhất là vào mùa mưa giông sắp đến. Vùng Vinh Thanh mỗi năm đều có ít nhiều 4 - 5 ghe bị mất lái, chết máy trong khi đánh lưới trúng đợt gió giông. Nhà gần bờ biển, ngày nào về sớm, ông Sơn cũng thường nán lại ngoài bến thêm vài giờ đồng hồ. Tất cả đều về nhà an toàn, người ngư dân một tay này mới yên tâm.

Hễ có điện thoại cần ứng cứu của anh em bạn ghe, ông Sơn tức tốc kéo chiếc ghe được gắn máy nổ loại D10 của mình, hô gọi mấy chiếc gần đó ra kéo ghe gặp nạn. “Nhìn là rứa, chứ nếu muốn kéo một chiếc ghe mất lái phải có bốn chiếc khác hợp lại mới được. Nặng một phần nhưng quan trọng là điều hướng cho chiếc đó (ghe mất lái). Nay mình giúp họ, mốt ghe mình bị thì anh em giúp lại”, ông Sơn chia sẻ kinh nghiệm ứng cứu của mình.

Trên biển, chẳng ai biết khi nào cơn giông ập đến. Từng lăn lộn ngoài khơi hơn nửa đời mình, ông Trần Ngọc Sơn vẫn chưa dám tự tin sẽ vượt qua mọi cơn gió giông. Còn nhớ, trong chuyến đi biển cũng vào mùa hè vài năm trước, ghe đang thu cá chuẩn bị về bờ, giông gió bỗng nổi ầm trời. Thời điểm đó, mọi suy nghĩ trong đầu mấy anh em là về an toàn. “Tôi chỉ có một bàn tay nhưng là chủ ghe nên phải lái. Cố gắng hết sức, gồng mình mà ráng về nhà. Ai cũng sợ, mình mà sợ mất tập trung nữa là nguy lắm”, ông Sơn nhớ lại.

Thấy mũi ghe về, lòng mới yên tâm

Ở ngoài khơi nhiều hơn ở nhà, những thời điểm ngồi nhìn mặt trời lúc bình minh, đợi cá vô lưới, người đàn ông U50 này lại thấy bản thân nhỏ bé giữa mênh mông sóng nước. Tuy vậy, ông Sơn tâm niệm, bằng mọi cách, dù có khó khăn do chỉ có một bàn tay, ông sẽ luôn yêu biển, dòng nước nơi bãi ngang Vinh Thanh. Người ngư dân này cho biết, nếu tương lai các con của mình muốn theo nghiệp biển, ông sẽ đóng thêm vài chiếc ghe mới, nâng cấp động cơ mạnh hơn, bảo đảm cho các con có phương tiện làm nghề.

Là người phụ nữ có chồng làm nghề biển, bà Loan hiểu được những hiểm nguy, nặng nhọc mà chồng của bà mỗi ngày trải qua. Để từng chuyến ông Sơn ra khơi được thuận lợi, có cá tôm, hằng ngày việc vá, vệ sinh lưới do một tay bà Loan lo liệu. “Tôi không đi biển cùng chồng, cứ mỗi lần nghe đài báo có mưa gió ngoài đó mà chưa thấy ghe về, trong lòng chẳng yên được. Trông thấy bóng ổng với mấy anh em về nhà cái đã, làm ăn còn cả đời. Gần đây, tôi nhận thêm việc đan lưới, một ngày ngồi đan như này có thêm 200.000 đồng, phụ thêm chi phí dầu máy cho ghe của gia đình. Nhờ đó mà thu nhập được tốt hơn”, bà Loan cho biết.