Một ngày đi hái thuốc Mường

Dãy núi đá vôi sau thôn Om Ngải, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình tuy không cao nhưng hệ sinh thái gần như tự nhiên. Cuối con đường đất từ trong thôn tiến vào núi toàn đá tai mèo sắc nhọn như dao, người quen đi núi còn phải e ngại. Phía trên, cây rừng, dây leo quấn chặt từng bước chân. Đoàn người hái thuốc tản ra, tiến dần vào rừng cây bụi rậm rạp. Nơi họ đi không cần đường và ít người lui tới.
0:00 / 0:00
0:00
Lương y Nguyễn Thị Nguyệt cùng kho thuốc nam.
Lương y Nguyễn Thị Nguyệt cùng kho thuốc nam.

1/Theo đường mòn Hồ Chí Minh, từ ngã tư Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) xuôi về phía nam khoảng 20km, sẽ thấy những dãy núi đá vôi lừng lững bên trái. Rẽ vào mỏ đá số 7, đi tiếp khoảng hơn 1km sẽ đến thôn Om Ngải, là nơi hái thuốc. Xã Cao Dương và một số khu vực khác của tỉnh Hòa Bình là nơi đồng bào người Mường chiếm đa số, sống chủ yếu bằng nghề nông và làm những bài thuốc nam, đơn giản nhưng đa dạng. Các chứng thông thường như mẩn ngứa, nấc, côn trùng đốt, rắn cắn cho đến những bệnh khó hơn như đau dạ dày, đại tràng, sỏi thận, nhức xương khớp… đều có những bài thuốc đặc trị hiệu quả.

Hôm nay bà con lên núi chủ yếu tìm cây lậu và riềng ấm, đều là những vị chữa bệnh thận. Hầu hết là các bà, các mế ngoài 50 tuổi. Có người đã hái thuốc hơn 30 năm. Nhìn bên ngoài, mọi người trông như những công nhân lâm trường. Hóa ra những bộ quần áo dân tộc sặc sỡ vốn để dành cho những dịp lễ hội. Đi hết con đường mòn dưới chân núi, mọi người bắt đầu tản ra, mỗi người một ngả chủ động hái thuốc.

Thuốc nam của người Mường khác với thuốc bắc hoặc thuốc tây. Nếu như thuốc bắc phải cân đo đong đếm từng vị thì thuốc của người Mường hầu như chỉ trộn các vị với nhau tùy vào bệnh và dựa theo kinh nghiệm. Cách sử dụng các bài thuốc cũng không cần những chỉ dẫn nghiêm ngặt như thuốc tây. Thí dụ như chữa sỏi thận thì dùng nhiều lá bào mòn sỏi như lá bòng bong, vú bò, khèng… Đồng thời thêm lá lợi tiểu như mắt trâu, lá làm mạnh thận, chống suy thận như quýt rừng, cây muối, cỏ mực. Những kinh nghiệm đó chẳng hề được ghi trong sách vở. Đơn giản chỉ được chuyền từ mẹ sang con, từ ông sang cháu, qua nhiều thế hệ.

Bà Hà Thị Tần nhoài người ra bên vách đá, chặt một cây rừng cao ngang hông. Bà giải thích đây là cây lậu máu, chữa sỏi thận rất tốt nhưng quanh đây cũng không còn nhiều nữa. Bà Tần cho biết, trong vô vàn vị thuốc nam, có những vị khó lấy vô cùng. Như cây lậu máu, cây gió hoa…, thường chỉ mọc trên đá tai mèo cheo leo gần đỉnh núi. Có lần để lấy được mấy cây lậu máu, bà phải buộc dây vào người, bò ra ngang một vách đá cao. Tuy lấy được một nắm mà khi xuống, chân tay vẫn bủn rủn. Mới cách đây hơn một tháng, hai người đi hái thuốc ở ngọn núi bên cạnh thì một người ngã chết.

Trong rừng còn vô vàn những nguy hiểm thường trực khác. Rắn cắn hay ong đốt đều có thể gây chết người, tháng 5, 6 hằng năm là mùa ong. Người hái thuốc, thậm chí không dám lên rừng. Rắn thì mùa đông ít nhưng mùa hè rất nhiều. Đặc biệt những hôm trời hửng nắng sau mưa. Chị Bùi Thị Sáu, đang đi cách chúng tôi một đoạn cũng góp sang một kỷ niệm “hú hồn”. Vốn dĩ cũng thuộc loại cứng bóng vía, trong những lần đi hái thuốc nếu gặp rắn, chị đều tranh thủ “hái” luôn cả rắn để tăng thu nhập. Liều như vậy một phần vì chị biết phân biệt rắn độc hay không độc. Có lần bắt được con rắn to đem về chợ bên bán. Người mua khen chị Sáu giỏi nhỉ, hôm nay bắt được con “hổ” (rắn hổ mang) to quá! Từ chỗ bán rắn đi xe máy về nhà mà chân chị còn run bần bật. Quả thật nếu biết sớm là rắn hổ mang, chị đã không dám đụng tới!

Chợ Bến nơi chị Sáu bán rắn cũng là chợ bán thuốc nam lớn nhất nhì Hòa Bình. Nơi đây đã từng một thời tấp nập kẻ bán người mua. Chợ tổ chức năm ngày một lần (ngày 1 ngày 6…). Xưa kia cứ đến phiên chợ, hàng trăm ông, bà lang từ các tỉnh khác tập trung về đây tìm kiếm những vị thuốc quý cho riêng mình. Ngày nay, chợ Bến không còn đông vui như cái hồi người ta còn bán thuốc theo mô, theo thúng nữa. Giờ đây việc mua thuốc được tính theo tạ, theo tấn. Không khí đông vui của chợ được thay thế bằng những đại lý thuốc nam lớn. Bà Nguyễn Thị Mỹ với 10 năm làm nghề buôn bán thuốc nam, mỗi năm xuất hàng trăm tấn đi khắp mọi miền đất nước. Hai vợ chồng bà Mỹ từng sang tận Lào tìm nguồn thuốc hiếm.

2/Trời đã về trưa, nhóm người hái thuốc tập trung lại một khoảng rừng trống. Bánh mì, bánh chưng, cơm nắm, muối vừng…, mỗi người đều mang theo một phần để ăn trưa. Hái thuốc đi cả ngày nên phải chuẩn bị đồ ăn. Ăn xong lại tiếp tục hái thuốc. Chị Sáu kể, nghề này vất vả nhưng tuy phụ mà đem lại thu nhập chính, mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Trong xóm chị, ai ở nhà không đi làm xa đều lên núi hái thuốc. Chị vẫn cấy vài sào lúa để lấy thóc ăn.

Người đi lấy thuốc phải nói là nhiều, lượng thuốc bán cho các đại lý ngày càng tăng… Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên đang bị các mỏ đá cũng như rừng phủ xanh (keo, bạch đàn) đe dọa nghiêm trọng. Có một thực tế, rừng trồng tuy phủ xanh được đồi núi trọc nhưng lại phá vỡ sự đa dạng sinh học. Trong rừng trồng hầu như không thể tìm được cây thuốc như trong tự nhiên. Bà Tần kể: Trước đây cây mật quỷ, có tác dụng chống tiêu viêm với cây an xoa, dùng chữa ung u, đi đâu cũng thấy, nhưng giờ đây gần đã hết. Người lấy thuốc càng ngày phải đi xa để tìm những cây thuốc quý còn sót lại.

Một ngày đi hái thuốc Mường ảnh 1

Những cây thuốc quý lẩn khuất trong kẽ đá.

Trong đoàn đi hái thuốc hôm nay có thêm lương y Nguyễn Thị Nguyệt, từng công tác nhiều năm tại Bệnh viện Vân Đình (Hà Nội). Sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục duy trì, phát triển những phương thuốc gia truyền của gia đình và thuốc nam. Không phải người Mường nhưng bà đã lên đây 30 năm, theo chân bà con tìm cây thuốc. Lần này bà Nguyệt lên tìm một loại lá có công dụng chữa bỏng. Loại lá này đun lấy nước hoặc giã đem bôi vào vết bỏng, sẽ giúp khô vết bỏng và chóng liền da. Có người nói đó là lá khế nhưng không phải cây khế miền xuôi, những có người lại bảo là lá thênh… Bà Nguyệt cho biết, hiệu thuốc Liễu Nguyên Đường của gia đình có hai cơ sở ở Hà Nội và Nam Định. Tuy việc chữa bệnh bận bịu tối ngày nhưng hễ có thời gian bà vẫn lên núi theo chân người hái thuốc, vừa để sưu tầm thêm các vị thuốc quý, vừa để hệ thống, phân loại các cây thuốc một cách khoa học, truyền lại cho các thế hệ sau này.

3/Mặt trời xuống ngang lưng núi, mỗi người đều thu thập cho mình một bao tải cả cây lẫn lá thuốc. Hai vị thuốc chính hôm nay không được nhiều. Mỗi người hái thêm vài vị tiện gặp trên đường như cây dối già (chữa dạ dày), cây huyết đằng (giống vỏ cây ăn trầu dưới xuôi, chữa bệnh xương khớp), cam thảo núi (không ngọt như cam thảo dưới xuôi, có vị thanh mát)… Thay vì mang vác, từng bó, bao tải thuốc được ném dần xuống chân núi. Đến điểm tập kết, thuốc của mọi người được cho lên xe lôi chở về từng nhà. Cây thuốc mang về, việc đầu tiên phải băm chặt nhỏ, ngày hôm sau trời nắng, sẽ được phơi thật khô trước khi đem bán.

Mỗi người kết thúc một ngày làm việc theo một cách riêng. Những bà, mế Mường lại tiếp tục công việc hằng ngày, chuẩn bị bữa cơm chiều muộn cho chồng con. Cây thuốc chữa bỏng lương y Nguyệt tìm kiếm vẫn chưa xuất hiện. Vậy là sẽ còn nhiều chuyến đi trước mắt. Ánh chiều muộn phủ bóng lên rừng núi, cả đoàn người hái thuốc đều chung một suy nghĩ, ngày mai sẽ phải tìm ra địa điểm mới còn nhiều cây thuốc…