1.001 lý do không chia cổ tức
Bước vào mùa đại hội cổ đông năm nay, hầu hết cổ đông của khối bất động sản đã nắm chắc khả năng không có cổ tức, bởi năm 2022, bất động sản là lĩnh vực chịu tổn thất nặng nề nhất: thiếu sản phẩm để bán, nhiều dự án đình trệ vì vướng pháp lý, ngân hàng siết tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ trái phiếu...
Từ trước khi kết thúc năm tài chính 2022, Novaland (NVL) đã thông báo về việc tạm thời không chia cổ tức năm 2021. Năm 2022, NVL đạt 11.135 tỷ đồng doanh thu và 4.348 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm lần lượt 25% và 29% so với năm 2021. Kết thúc năm, nợ phải trả của doanh nghiệp vượt mức 212 nghìn tỷ đồng (tăng 32% so với đầu năm), dòng tiền kinh doanh âm tới 3.262 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HPX) thậm chí không có tiền để trả cổ tức cho năm 2021. Theo kế hoạch, công ty trả cổ tức 5% bằng tiền mặt, thời gian thực hiện cuối cùng vào tháng 10/2022. Nhưng đến nay, việc chi trả cổ tức vẫn “nằm trên giấy”.
Tương tự, Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy dự kiến không trả cổ tức năm 2022 vì bị các ngân hàng siết chặt tín dụng; Sam Holdings, Xây dựng Coteccons, Becamex đều đề xuất “khất nợ” cổ tức năm 2022 với cổ đông, trong đó Becamex lần đầu không trả cổ tức kể từ khi niêm yết năm 2010.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp do khủng hoảng thị trường bất động sản, nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng cũng vừa trải qua một năm bết bát và dự kiến không chia cổ tức bằng tiền như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tổng công ty Thép Việt Nam…
Mặc dù, năm 2022 Hòa Phát vẫn có lợi nhuận 8.444 tỷ đồng và năm ngoái vẫn trả cổ tức tới 35% (5% tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu), nhưng ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát cho biết, doanh nghiệp dồn nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2.
Trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn Dabaco (DBC) khiến cổ đông ít nhiều hụt hẫng vì năm ngoái vừa chi trả cổ tức tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền, năm nay thì không có cả cổ phiếu lẫn tiền. Năm 2022, anh cả ngành chăn nuôi phía bắc lỗ ròng 79 tỷ đồng vào quý IV và chỉ có lãi vỏn vẹn 5,2 tỷ đồng cả năm (giảm 99% so với năm 2021) mặc dù doanh thu đạt tới 11.687 tỷ đồng. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 hôm 22/4, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch DBC cho biết, doanh nghiệp vừa trải qua một năm khó khăn, đen đủi vì dịch tả lợn châu Phi và khó khăn chung khiến sức mua sản phẩm bị giảm 65%, lợn chết hàng loạt, các dự án đầu tư đều gặp vướng mắc…
Đối với lĩnh vực ngân hàng, việc thực hiện nghĩa vụ cổ tức năm nay cũng có sự phân hóa. Trước đó, giai đoạn dịch Covid-19 năm 2020-2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “cấm” các ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt và yêu cầu trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu. Năm nay, cơ quan quản lý không cấm trả cổ tức bằng tiền mà chỉ khuyến khích ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tín dụng, ổn định mặt bằng lãi suất. Như vậy, việc còn lại chỉ còn phụ thuộc vào năng lực tài chính và ý chí của lãnh đạo các ngân hàng.
Trong khi nhiều ngân hàng dự kiến trả cổ tức năm 2022 bằng “tiền tươi” như VIBank với tỷ lệ 15% (mỗi cổ phiếu được trả 1.500 đồng), TPBank 25%, VPBank 10%,…; một số ngân hàng khác đang lên phương án vừa trả cổ phiếu vừa trả tiền mặt như HDBank 25%, MB 20%, ACB 25%... thì vẫn có một số ngân hàng tiếp tục ưu tiên mục tiêu tích lũy, đành “xoay lưng” với cổ đông như Techcombank, Sacombank, PG Bank… hoặc chỉ trả “cổ tức giấy” (cổ tức bằng cổ phiếu) như Eximbank.
Trong đó, cổ đông của PGBank có lẽ buồn hơn cả vì đã 10 năm nay không hề biết đến cổ tức. Tương tự, lần chia cổ tức gần nhất của Sacombank là năm 2015, lần gần nhất của Techcombank là năm 2018, của Saigonbank là năm 2017.
Tại Phiên họp cổ đông thường niên của Sacombank sáng 25/4, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh cho biết, ông cũng muốn chia cổ tức, Sacombank đang tái cơ cấu, đã cơ bản xử lý nợ xấu, còn khoản duy nhất của ông Trầm Bê đang chờ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép bán đấu giá, sau đó mới chia cổ tức.
Chờ đợi lợi nhuận mới
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính. Khi công ty tạo ra lợi nhuận, một phần lợi nhuận được tái đầu tư, một phần trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại chi trả cổ tức cho cổ đông.
Dưới góc độ của cổ đông, cổ tức là một trong hai nguồn thu nhập chính của cổ đông, bao gồm cổ tức và khoản chênh lệch do cổ phiếu tăng giá. Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội - MB (MBS), trong những giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng, dường như không có nhiều cổ đông quan tâm đến cổ tức bởi nó nhỏ hơn so với lợi nhuận từ việc giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán lình xình đi ngang hoặc giảm điểm, nhiều nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào những cổ phiếu trả cổ tức ổn định, nhất là cổ tức tiền mặt. Bởi nó thể hiện năng lực điều hành và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Còn dưới góc độ của doanh nghiệp, việc không chia cổ tức chưa chắc đã là dấu hiệu đáng ngại, bởi thông thường có ba lý do chính khiến doanh nghiệp không chi trả cổ tức: một là, doanh nghiệp không đủ dòng tiền, làm ăn không có lãi để chi trả; hai là, doanh nghiệp có những kế hoạch để phát triển các dự án, đẩy mạnh giá trị nội tại trong tương lai; ba là, dự phòng cho tình hình kinh tế khó khăn trong năm tiếp theo.
Đối với hai lý do sau, phần lớn nhà đầu tư chấp nhận đồng hành với doanh nghiệp để có thể kỳ vọng sẽ nhận lại quả ngọt vào giai đoạn hồi phục kinh tế năm 2024-2025. Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Dabaco cho biết, bản thân ông là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp nhưng chỉ mua vào để tích lũy hoặc thoái vốn bớt theo nghĩa vụ nào đó của lãnh đạo chứ không “lướt sóng” kiếm lợi nhuận. Dabaco có những cổ đông cầm cổ phiếu hàng chục năm trở lên vì tin tưởng năng lực và tài sản của công ty.
Đối với lý do doanh nghiệp tạm thời mất khả năng chi trả cổ tức, ông Trương Quang Bình, Giám đốc phân tích Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị, việc quyết định tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hay rời bỏ để tìm doanh nghiệp khác hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực phân tích thị trường, phân tích doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
“Nếu muốn kiếm cổ tức ổn định, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp phòng thủ như điện, nước, thực phẩm… còn muốn có lợi nhuận lâu dài, nhà đầu tư nên chọn vài doanh nghiệp mình tin tưởng rồi đi đường dài với họ, dù kết quả kinh doanh có lúc khó khăn”, ông Bình nói.