Mở hướng thu hút tinh hoa

Đầu xuân năm mới bàn về việc vun bồi nguyên khí quốc gia, trước hết, hẳn là phải xét đến sách lược trọng dụng nhân tài để gánh vác việc dân việc nước, đảm nhận trọng trách trong mỗi cơ quan, đơn vị, nhất là khối Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ tham gia kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố Hà Nội năm 2023. (Ảnh: QUANG THÁI)
Cán bộ tham gia kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố Hà Nội năm 2023. (Ảnh: QUANG THÁI)

Đây cũng là vấn đề đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ lâu và có hệ thống. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về mức lương, thu nhập không đủ chi trả cho các nhu cầu cuộc sống, cũng như chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc không phù hợp, đã dẫn đến "làn sóng" công chức, viên chức nghỉ việc.

Thống kê của Bộ Nội vụ cho biết, trong khoảng 2,5 năm qua, trên phạm vi cả nước có gần 40 nghìn công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư nhân; đáng kể là, khối Y tế với hơn 12 nghìn người, khối Giáo dục có tới xấp xỉ 16 nghìn người.

Ở một góc độ khác, số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, từ mấy năm trước, số lượng du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập ngày càng tăng, phần lớn là du học tự túc.

Như vậy, nguồn nội lực không chỉ bị thất thoát về mặt tài chính, điều đáng quan ngại là xu hướng các du học sinh ra nước ngoài học tập rồi lặng lẽ ở lại làm việc mà ít người về nước.

Chưa nói, trong số đó, không ít người về nước, thử sức ở cơ quan nhà nước một thời gian rồi lại tìm cơ hội làm việc ở các công ty nước ngoài hay doanh nghiệp tư nhân với thu nhập và chính sách tốt hơn.

Trước thực tế ấy, mặc dù những năm gần đây, tại một số thành phố lớn, kể cả vài địa phương cũng đã có những chính sách thu hút nhân tài riêng với những đãi ngộ đặc biệt. Song kết quả vẫn chưa như trông đợi.

Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (tháng 10/2023), tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa.

"Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành chính là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia" - người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh.

Muốn giải "bài toán" khó này trong thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023), như một phương án tối ưu nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, thu hút tầng lớp tinh hoa.

Mục tiêu của Chiến lược khá thách thức khi đề ra chỉ tiêu: năm 2025, số nhân tài được thu hút vào làm việc trong Nhà nước chiếm khoảng 10%, và đến năm 2030, định hướng năm 2050, tỷ lệ này không dưới 20% so tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hằng năm.

Phấn đấu đạt 100% số nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 5 năm làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học-công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030, tiến tới đạt 100% vào năm 2050.

Điều cơ bản để "những con số đi vào cuộc sống" chính là sự học hỏi, chuyển hóa từ những kinh nghiệm được đúc rút từ những bất cập thực tiễn, để rồi các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Như muốn khuyến khích người tài về "đầu quân" cần đề cao trách nhiệm với người giới thiệu, tiến cử nhân tài cũng như cần bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong giới thiệu, tiến cử, công nhận và trọng dụng nhân tài.

Tìm được người tài đã khó, để phát huy được trí tuệ, tài năng của họ còn khó gấp bội phần. Việc sắp xếp, bố trí, điều động, luân chuyển ở mỗi vị trí công tác cần đặc biệt chú ý tới khuynh hướng tài năng, trí lực, sức khỏe và nhân cách của từng người. Nhất là tạo điều kiện và thời gian để những tài năng ấy có cơ hội được thể hiện.

Làm được vậy, chúng ta tin tưởng rằng, tới đây, và cũng là xu thế không thể đảo ngược, rằng, những người thật sự có tâm, có tài, có đóng góp chắc chắn sẽ được trọng dụng; ngược lại, guồng quay mới sẽ loại bỏ những kẻ bất tài, cơ hội, mưu đồ cá nhân, lợi ích nhóm. Đó cũng là những đòi hỏi tất yếu và cấp bách.

Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra cơ chế nhằm xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước), đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số,...