Khởi nghiệp xã hội

Nuôi hoài bão để được là chính mình

Sự tiến bộ của công nghệ, khoa học, kinh tế phát triển… là những yếu tố chở đầy hy vọng tới tương lai. Song, rõ ràng, thế hệ trẻ với những hoài bão, hành động hướng đến giải quyết các vấn đề chung, hẳn mới là điều cốt lõi tạo nên nhiều lay động nhất!
0:00 / 0:00
0:00
Để HUB hoạt động hiệu quả, thật sự giải quyết được các vấn đề của nhà nông, Nguyễn Thiên Lý (áo đen) thường xuyên có các chuyến đi thực địa. (Ảnh: NVCC)
Để HUB hoạt động hiệu quả, thật sự giải quyết được các vấn đề của nhà nông, Nguyễn Thiên Lý (áo đen) thường xuyên có các chuyến đi thực địa. (Ảnh: NVCC)

Đam mê đi lên cùng cây lúa

Tháng 6 vừa qua, một cuộc khảo sát hơn 25.000 sinh viên cả nước của Hội Sinh viên Việt Nam về "Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay" cho thấy: Định hướng giá trị nghề nghiệp của phần lớn sinh viên hiện nay là làm việc trong khu vực tư nhân và khởi nghiệp. Bên cạnh đó, rất nhiều người trẻ có xu hướng muốn chỉ là chính mình với phiên bản tốt nhất trong tương lai.

Là một trong hàng triệu bạn trẻ Việt Nam ấp ủ hoài bão khởi nghiệp, Nguyễn Thiên Lý, Nhà sáng lập, Founder của HubTech Asia ghi dấu câu chuyện của bản thân với một hành trình khác biệt.

Giải thích ngắn gọn, Hubtech Asia là nền tảng kết nối nông nghiệp toàn diện, là cầu nối giữa nông dân-doanh nghiệp-hợp tác xã-người tiêu dùng một cách chặt chẽ.

Lý tự hào giới thiệu về HubTech Asia: "Là nền tảng quản trị tập trung từ khâu sản xuất và vận hành, chúng tôi đi sâu vào các vùng nguyên liệu tại địa phương, hỗ trợ người nông dân và hợp tác xã. Hiện nay ở Việt Nam, chưa có ai trực tiếp cạnh tranh với HubTech, không phải vì lĩnh vực này không hấp dẫn mà do tính đặc thù của lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên môn hoặc tài nguyên đặc biệt để cạnh tranh, nên chưa có nhiều doanh nghiệp xã hội thử sức".

Quê gốc Hà Tĩnh, Lý sinh ra và lớn lên tại Gia Lai. Trong gia đình chỉ có mẹ là cô giáo, tất cả các thành viên khác đều làm nông, nên nhà Lý không dư dả gì. Ngay từ nhỏ, chàng trai sinh năm 1997 đã phát hiện ra một nghịch lý, tuy nhà mình làm nông, nhưng lại vẫn phải đi mua… gạo. Không riêng gia đình Lý, người dân trong khu vực cũng vậy, làm ra bao nhiêu, bán được bao nhiêu phần lớn phụ thuộc vào nhà phân phối cho nên nông dân chẳng thu nhập được bao nhiêu. Ngay từ khi ấy, Lý đã ấp ủ ước mơ.

Sau này khi lớn lên, vì gia đình còn nghèo, Lý được chị gái khuyên: "Học ngành nào kiếm được tiền để phụ giúp được gia đình đã, ước mơ hoài bão gì thì để sau hẵng tính!". Lý nghe lời, thi và đỗ Trường đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng có lẽ nghề nông bén rễ quá sâu, Lý học công nghệ lại chỉ nhìn thấy tiềm năng mà ngành này có thể hỗ trợ cho nông nghiệp Việt.

Bảy năm rong ruổi, vừa học, vừa lặn lội về từng miền quê, cũng từng ấy năm HubTech được thai nghén. Ra mắt năm 2020, đến nay HubTech đã có một số thành tựu nhất định, Lý tự hào: "Khách hàng lớn nhất hiện nay của chúng tôi là chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm, họ khá hài lòng với dịch vụ mà Hub cung cấp!".

Năm nay, Lý mới mang dự án đi "chinh chiến" khắp các cuộc thi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vừa để tích lũy kinh nghiệm, vừa để truyền thông, kêu gọi các nhà đầu tư.

Khác với Lý, ý tưởng khởi nghiệp của anh Nguyễn Trung Nghĩa xuất phát từ nhu cầu gần gũi hơn với mỗi gia đình - làm gì với quần áo cũ? Năm 2020, một lần dọn dẹp nhà cửa, Nghĩa phát hiện ra gia đình mình có rất nhiều quần áo cũ mà không biết phải làm sao: "Mình gửi đi các tổ chức thiện nguyện, họ không còn nhận nữa, mà cho ra bãi rác, lại áy náy quá. Vậy nên mình mới nghĩ phải tìm cách khả thi để gửi đến những người thật sự cần".

Từ đó, qua tìm hiểu Nghĩa hiểu ra, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thời trang nhanh đã mang lại mối nguy hại lớn cho môi trường tự nhiên. Lượng rác thải thời trang trên toàn thế giới chỉ đứng sau rác thải nhựa.

Với bốn tháng chuẩn bị, Nghĩa cho ra mắt ứng dụng trực tuyến mở ra vòng đời mới cho quần áo cũ mang tên REshare - nền tảng trực tuyến thu gom và xử lý quần áo cũ.

Quá trình khép kín bắt đầu từ công đoạn phân loại: Với đồ còn mới, có khả năng sử dụng sẽ quyên góp cho các Tủ quần áo 0 đồng. Còn lại sẽ chuyển đến những tổ chức có giải pháp tái chế phù hợp, hoặc gửi trực tiếp đến những nhà máy băm bông, sau đó chuyển giao cho các cơ sở sản xuất khác để tạo ra những sản phẩm mới như thú nhồi bông, nệm, sofa,...

Cách làm này không những có thể phục hồi giá trị của sản phẩm, mà còn giúp giảm lượng rác thải thời trang ra môi trường.

Nuôi hoài bão để được là chính mình  ảnh 1

Duy trì mới là điều khó khăn

Những câu chuyện truyền cảm hứng của giới trẻ, như Nghĩa và Lý chưa bao giờ nở rộ như hiện nay. Song, với bối cảnh toàn thị trường đang phải đối mặt nhiều biến động và sự khó khăn chung của nền kinh tế, làm sao để duy trì, kéo dài tuổi thọ hay tạo được dấu ấn riêng cho các dự án khởi nghiệp xã hội mới là câu hỏi khó cần được giải đáp.

Trong chuỗi Chương trình Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội cho thanh niên Việt Nam, do Youth Co:Lab - nền tảng ươm tạo cho các doanh nhân trẻ hiện thực hóa các giải pháp kinh doanh sáng tạo thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững (SDG) thành các doanh nghiệp bền vững (đồng sáng tạo bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - UNDP và Quỹ Citi) tổ chức năm 2023, anh Phùng Thái Học - Nhà sáng lập fanpage/Nhóm cộng đồng "Tâm sự con sen", "Chủ quán trà đá" dành lời khuyên cho start-up trẻ: "Câu chuyện là một trong những chìa khóa thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững. Một câu chuyện hay sẽ giúp start-up truyền tải được thông điệp và giá trị của mình đến với cộng đồng, từ đó thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của mọi người. Để kể một câu chuyện hay, start-up cần lựa chọn những điểm nhấn nổi bật, tạo dựng nhân vật có tính cách và hành động rõ ràng, dễ tiếp cận với mọi người".

Lập kế hoạch tài chính và gọi vốn là hai yếu tố quan trọng trong khởi nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của doanh nghiệp.

Một kế hoạch tài chính chi tiết giúp start-up xác định được mục tiêu và xác lập kế hoạch để đạt được mục tiêu đó, cũng như giảm tối đa các rủi ro.

Quá trình gọi vốn lại giúp start-up huy động được nguồn lực cần thiết để phát triển doanh nghiệp, mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm mới và thâm nhập thị trường mới.

Vì vậy, chú trọng phát triển kỹ năng lập kế hoạch tài chính và gọi vốn ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp sẽ giúp start-up tăng cơ hội thành công và phát triển bền vững.

Sau khi đã có nền tảng, REshare lựa chọn con đường tối ưu hóa công nghệ và kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức khác để tiết kiệm chi phí.

"Việc ứng dụng công nghệ là ưu tiên hàng đầu. Ngay từ bước ban đầu là quá trình đi thu gom, chúng tôi đã lập một mục trên website, mọi người có thể thông qua đó đặt lịch, đội vận chuyển sẽ thống kê và tối ưu chặng đường. Hiện tại REshare cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý phần số hóa tự động giúp tối ưu được nguồn lực, chi phí", Nghĩa chia sẻ.

Cùng quan điểm, song Lý bổ sung: Một trong những nguyên nhân nữa khiến các dự án khởi nghiệp xã hội của giới trẻ "chết yểu", là do các bạn đang thực hiện sai mục tiêu. "Sau khi tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp, tôi nhận thấy có một số bạn trẻ chỉ lập ra dự án để… đi thi, để được nhận hỗ trợ và làm đẹp hồ sơ. Do đó, kết thúc trong thời gian ngắn là điều hoàn toàn dễ hiểu!".

Hiện nay, kinh tế toàn cầu còn khó khăn, nhưng nước ta đang là điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế. Bởi vậy, đây chính là thời điểm vàng đối với các start-up xã hội, nhất là ở Việt Nam.

Dù vậy, đam mê và tâm huyết với lĩnh vực theo đuổi vẫn là yếu tố quyết định thành công của start-up xã hội.