"Đánh giặc" trên không gian mạng

Mặc dù trong thực hiện nhiệm vụ còn gặp không ít khó khăn, song những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Trung tâm 186, Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) tham gia diễn tập về an toàn thông tin, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. (Nguồn: Bộ Tư lệnh 86)
Lực lượng Trung tâm 186, Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) tham gia diễn tập về an toàn thông tin, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. (Nguồn: Bộ Tư lệnh 86)

Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng có vai trò rất quan trọng, là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia nói chung, trong quân đội nói riêng.

Nỗ lực bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng

Trung tá Vũ Duy Thăng, Trưởng phòng Phân tích mã độc, Viện Nghiên cứu 486 (Bộ Tư lệnh 86), cho biết: Với mục đích đánh cắp thông tin, tài liệu quan trọng trong các cơ quan, đơn vị Bộ Quốc phòng, các thế lực thù địch, tin tặc sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo người dùng, như: cài đặt các phần mềm bất hợp pháp, phần mềm không có bản quyền, phần mềm bẻ khóa, đã bị cắm mã độc nhằm đánh cắp tài liệu, dữ liệu. Đối với các mạng máy tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, dù không kết nối internet nhưng kẻ tấn công vẫn có khả năng đánh cắp thông tin, dữ liệu bằng việc lợi dụng thiết bị ngoại vi lưu trữ di động (USB) có chứa mã độc kết nối vào máy tính trong mạng nội bộ. Khi đó, mã độc sẽ lây lan vào mạng nội bộ lấy cắp tài liệu, dữ liệu rồi đẩy ngay vào chính USB. Khi USB này được kết nối vào máy tính có mạng Internet thì tài liệu trong mạng nội bộ sẽ bị truyền tải về cho kẻ tấn công.

Được biết, thời gian qua, Phòng đã tiếp nhận từ các đơn vị trong toàn quân gần 1.000 mẫu, chủng loại mã độc, trong đó có hàng trăm mã độc có tính năng đánh cắp thông tin, dữ liệu; Phòng đã đưa ra các hướng dẫn đề xuất gỡ bỏ, làm sạch mã độc. Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức lực lượng ứng cứu các sự cố liên quan mất an toàn thông tin cho các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, các cơ quan Đảng và Chính phủ; điều tra chứng cứ số, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng có chủ đích và tư vấn, nâng cao các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các cơ quan ngoài quân đội.

Trung tâm 186 (Bộ Tư lệnh 86), là đơn vị thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên không gian mạng và bảo đảm công nghệ thông tin cho các cơ quan, đơn vị toàn quân đứng chân trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía bắc (từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra).

Đại tá Hoàng Văn Việt, Chỉ huy trưởng Trung tâm 186 cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đơn vị đã đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Bên cạnh đó, đơn vị còn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đối với các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước; tổ chức lực lượng thực hiện các giải pháp hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho hệ thống công nghệ thông tin của Văn phòng Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy.

Trung tá Vũ Duy Thăng chia sẻ: Trong thực hiện nhiệm vụ, đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhất là thực hiện nhiệm vụ canh trực, sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ trong ngày, nhân lực của đơn vị còn mỏng, trang, thiết bị công nghệ còn thiếu, trong khi đó yêu cầu nhiệm vụ cấp bách cần ngăn chặn, xử lý nhanh nhất các cuộc tấn công mạng bằng mã độc vào các cơ quan trọng yếu, phá vỡ âm mưu đánh cắp bí mật nhà nước, bí mật quân sự. Lúc cao điểm, cán bộ, nhân viên đơn vị phải làm việc 16 giờ/ngày (bằng 200%); góp phần cùng lực lượng phòng thủ của Bộ Tư lệnh 86 bảo vệ thành công, ngăn chặn kịp thời chiến dịch tấn công mạng của các thế lực thù địch vào hệ thống công nghệ thông tin; gia cố hệ thống, vá các điểm yếu có thể bị khai thác, giúp hệ thống được toàn vẹn, dữ liệu (bí mật nhà nước) được bảo mật.

Trinh sát kịp thời, ngăn chặn hiệu quả

Theo Đại tá Hoàng Văn Việt, nếu bảo vệ Tổ quốc trên đất liền căn cứ vào cột mốc biên giới, trên biển căn cứ vào đường phân định lãnh hải, đường cơ sở, trên không căn cứ vào không phận và đối tượng tác chiến được xác định rõ ràng, xảy ra đụng độ giữa hai bên không thường xuyên. Nhưng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng gặp rất nhiều khó khăn, vì chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chưa được phân định rõ ràng, không gian mạng là không gian ảo; trong khi đó, các thế lực thù địch chống phá ta không phân biệt thời gian, không gian, với thủ đoạn rất tinh vi. Hơn nữa, tác chiến trên không gian mạng tốc độ diễn ra rất nhanh, chỉ cần cú "nhấn chuột", hoặc bấm bàn phím, ngay lập tức các hệ thống công nghệ thông tin, các hạ tầng trọng yếu quốc gia như: điện, nước, giao thông… có thể bị phá hủy. Hiện nay, tác chiến trên không gian mạng diễn ra thường xuyên hằng ngày, hằng giờ, ở tất cả các lĩnh vực, trên phạm vi toàn quốc.

Một kỷ niệm không quên đối với Thiếu tá Phạm Tùng Lâm, Cụm trưởng Cụm 13, Trung tâm 186, đó là, vào lúc 23 giờ 15 phút một ngày trung tuần tháng 12/2022, lực lượng của đơn vị phát hiện cảnh báo kết nối đến địa chỉ IP lạ từ một máy tính tại tỉnh ủy một tỉnh biên giới phía bắc. Qua xác minh, phát hiện địa chỉ IP là máy chủ điều khiển của một dạng mã độc đánh cắp tài liệu; lực lượng tại chỗ của đơn vị đã kịp thời phối hợp lực lượng công nghệ thông tin của tỉnh ủy nêu trên tiến hành bao vây, cô lập, xử lý máy tính bị nhiễm mã độc, không để mã độc lây lan; đồng thời báo cáo cấp trên và cử tổ công tác đến tỉnh ủy nêu trên làm nhiệm vụ ngay trong đêm. Nhận nhiệm vụ được giao, cán bộ, nhân viên của đơn vị đã không quản ngại đêm khuya, giá rét, lập tức cơ động từ Hà Nội đi làm nhiệm vụ. Sau gần sáu giờ đồng hồ cơ động vượt quãng đường gần 300 km, tổ công tác của đơn vị bắt tay ngay vào việc phối hợp lực lượng công nghệ thông tin của tỉnh ủy làm sạch hệ thống thông tin của tỉnh ủy, lấy mã độc về phân tích… Từ đó, kịp thời ngăn chặn nguy cơ lộ lọt tài liệu quan trọng của cơ quan nhà nước vào tay tin tặc và các thế lực thù địch.

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Hưng, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86, cho biết: Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Bộ Tư lệnh 86 đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, với phương châm "Trinh sát kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, phòng thủ vững chắc", Bộ Tư lệnh 86 đã tổ chức tốt việc giám sát, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn các chiến dịch tấn công mạng nhằm vào mạng máy tính quân sự, quốc phòng để lấy cắp dữ liệu; chủ động phối hợp, hiệp đồng cơ quan chức năng của các Văn phòng Trung ương triển khai giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các chiến dịch tấn công mạng.

Những nỗ lực lặng thầm, những màn đấu trí cam go…, những kết quả thu nhận của cả một tập thể được ánh lên đầy tự hào trên gương mặt Thượng tá Lê Cảnh Đức, Chính ủy Trung tâm 186 khi chia sẻ: Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm 186 đã vinh dự được nhận ba Cờ thi đua của Chính phủ, hai Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Quyết thắng và là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ Tư lệnh 86.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh 86 ngày áp Tết, ở giữa lòng Thủ đô Hà Nội, những căn phòng trực sẵn sàng chiến đấu trong dịp Tết Nguyên đán của các cơ quan, đơn vị đêm đêm vẫn sáng đèn, bởi những người "lính 86" đang làm nhiệm vụ "đánh giặc" trên không gian mạng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bộ Tư lệnh 86 là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; tham gia bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; phòng, chống "diễn biến hòa bình" trên không gian mạng...