"Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết, sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành công, Vua Lê Thái Tổ lên ngôi, đền đáp cho các công thần xứng đáng. Tuy nhiên, hầu hết công thần là các võ tướng, trong khi đất nước sau hơn 20 năm giặc Minh xâm lược vẫn còn chưa xuất lộ những người có tài kinh bang tế thế giúp triều đình trị nước, trị dân. Do đó, ngay năm Thuận Thiên thứ 2 (năm 1429), Vua Lê Thái Tổ đã ban chiếu tìm người tài giúp nước.
Tờ chiếu đại lược nói: "Trẫm nghĩ: làm được thịnh trị cốt ở kiếm được người hiền; muốn được người hiền, phải do mọi người tiến cử. Vì thế, người cầm quyền trong thiên hạ tất phải cho việc này là cần kíp trước nhất... Vậy, ra lệnh cho các đại thần văn võ, các công hầu và các đại phu từ tam phẩm trở lên: ai nấy được đề cử một người. Còn ai hoặc có tài kinh tế mà phải chèn ép ở cấp dưới, hoặc là hào kiệt tài giỏi mà bị vùi dập ở nơi đồng nội thì cũng cho phép tự tiến cử lấy mình".
Vua Lê Thái Tổ còn đặc biệt khuyến khích người tài tự tiến mình để vua và triều đình được biết. Chiếu chỉ của nhà vua viết: "Các bậc hiền giả chớ ngại mang tiếng đem ngọc bán rao để trẫm khỏi phải than phiền về việc thiếu nhân tài!".
Không phải ngay từ ngày đất nước lập nền tự chủ, vấn đề hiền tài đã được các triều đình phong kiến nước ta coi trọng. Câu "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" được nhắc đến nhiều trong thời kỳ nhà Lê - triều đại tôn trọng Nho giáo - trị vì, qua lời văn bia mà Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn thảo, khắc trên bia tiến sĩ đầu tiên dựng trong Văn Miếu, là bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (năm 1443), đời Vua Lê Thái Tông.
Còn từ thời Ngô vương, các triều Đinh, Lê, các vị trí rường cột quốc gia đều được giao cho các nhân vật quý tộc, thân cận quanh nhà vua. Vấn đề "Hiền tài" bắt đầu được nói đến, khi Nho học được đề cao, cuối thời Vua Lý Thánh Tông, đầu thời Vua Lý Nhân Tông trị vì. Theo "Toàn thư", năm 1070, Vua Lý Thánh Tông mới bắt đầu cho lập Văn Miếu ở sát kinh thành Thăng Long làm nơi cho Hoàng thái tử đến học. Đến năm 1076, Quốc Tử Giám được Vua Lý Nhân Tông cho thành lập, để "Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào học". Cùng năm đó, triều đình đã "cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ cho quản quân dân".
Trước đó một năm, vào năm Thái Ninh thứ 4 (năm 1075), việc tuyển chọn nhân tài bắt đầu được xác lập bằng kỳ thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường, diễn ra ngay ở tháng hai, mùa xuân, với Lê Văn Thịnh trúng tuyển và được cho vào hầu Vua học. Lê Văn Thịnh sau đó được bổ làm Thị lang bộ Binh, sau có công thương thảo về biên giới với nhà Tống, được thăng lên làm Thái sư, trước khi bị vướng vào "vụ án hóa hổ" năm 1096.
Các triều Lý, Trần, coi trọng đạo Phật vẫn tìm kiếm nhân tài qua việc tuyển chọn, thi cử. Việc Thái úy thời Lý là Tô Hiến Thành là một người hết lòng tiến cử người hiền giúp nước, được sử thần thời Lê Ngô Sĩ Liên khen ngợi: "Hiến Thành đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy". Đúng như lời bình luận của sử gia này, sau thời Tô Hiến Thành, nhà Lý thiếu người tài đức phụ chính, bắt đầu suy yếu rồi cuối cùng dẫn đến mất ngôi.
Đầu triều Trần, Thái sư Trần Thủ Độ là người có công lớn nhất trong việc đưa họ Trần thế ngôi nhà Lý, nhưng ông không để Vua Trần Thái Tông bổ nhiệm anh trai mình là Trần An Quốc làm Tể tướng, qua lời tâu khảng khái: "An Quốc là anh tôi, nếu bệ hạ nhận thấy là người hiền tài thì tôi xin từ chức để nhường cho anh tôi, nếu bệ hạ nhận thấy không phải hiền tài thì không nên dùng, chứ nếu cả hai anh em đều làm tướng thì đối với thiên hạ còn ra thế nào?". Nghe lời nói thẳng thắn ấy, Vua Trần Thái Tông phải từ bỏ ý định của mình.
Không chỉ là võ tướng có công lãnh đạo quân dân nhà Trần ba lần đánh thắng các cuộc xâm lược của quân Nguyên-Mông, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn còn là người hết lòng tiến cử nhân tài cho vua dùng để giúp nước. "Toàn thư" ghi rằng: "Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông, có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Bọn Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự".
Phải đến thời Trần Nhân Tông, năm 1267, các sử gia Nho học mới có dịp vui mừng viết về sự kiện Đặng Kế được bổ làm Hàn lâm viện học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm Trung thư sảnh trung thư lệnh, và chú thích rõ ràng: "Theo chế độ cũ, không phải là nội nhân (hoạn quan) thì không được làm hành khiển (chức Tể tướng thường trực), chưa bao giờ dùng nho sĩ văn học. Bắt đầu từ đây, nho sĩ văn học mới được giữ quyền bính".
Đến năm 1272, Vua Trần Nhân Tông tiếp tục xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của tứ thư, ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách. Sau này, nho sinh Đoàn Nhữ Hài được Vua Trần Anh Tông đặc cách sử dụng và cất nhắc, tuy cũng khiến các quan đương thời gièm pha, nhưng sử sách vẫn khẳng định tài năng của ông qua lời khen của Thượng hoàng Nhân Tông: "Nhữ Hài được quan gia (Vua Anh Tông) sai khiến là phải!".
Khuê Văn Các, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trường đại học đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: NGỌC MAI) |
Qua thời Lê sơ, sau khi Lê Thái Tổ qua đời, Vua Lê Thái Tông lên ngôi, ngay năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), cũng sắc sai trăm quan tiến cử người hiền. Nhà vua dụ rằng: "Những người được tiến cử mới đây đều là hạng tầm thường cả. Từ nay về sau, các người nên lưu tâm xem xét dò tìm. Hoặc giả còn có những người ẩn tích ở nơi đồng nội rừng rú nếu quả thực là bậc tài đức đều trội thì các ngươi nên cùng nhau đứng lên đề cử chung để làm thỏa ý thiết tha cầu hiền của trẫm".
Vua Lê Thánh Tông là một vị vua anh minh, giúp nhà Lê đạt đến đỉnh cao của nền thịnh trị, do khéo dùng các bề tôi tài đức. Sử sách chép lại rất nhiều chính sách vun đắp, tạo điều kiện cho hiền tài phát triển, nên đất nước thời đó đạt nhiều thành tựu phát triển rực rỡ.
Thời Lê trung hưng, các chúa Trịnh cũng nhiều lần khuyến khích việc tiến cử người tài. Nhân tài được trọng dụng thông qua ba con đường là khoa bảng, tiến triều (chúa bổ nhiệm trực tiếp) và bảo cử (được các quan đề cử). Vào năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), văn bia đề danh tiến sĩ khoa Canh Dần do Cẩn sự lang Hàn lâm viện hiệu thảo Nguyễn Nham soạn, tiếp tục khẳng định: "Nhân tài là nguyên khí của nước nhà, nguyên khí vững chắc thì thế nước mạnh. Khoa mục là đường chính của sĩ tử, đường chính rộng mở thì thế đạo thái bình".
Chính sách coi trọng hiền tài cũng được các chúa Nguyễn, các vua đầu triều Nguyễn áp dụng chặt chẽ. Như khi Tư vụ Binh tào Bắc Thành là Phạm Đăng Huân đem một mảnh đai đính ngọc trắng do tổ tiên để lại, khẩn thiết xin dâng lên Vua Minh Mạng, nhà vua đã dụ bộ Lễ rằng: "Trẫm quý báu chỉ là người hiền. Phỏng có ngọc bích soi sáng trước sau 12 cỗ xe cũng chẳng phải là cái ta chuộng, nữa là thứ đá vũ phu, chả cần thu nhận!".