Trí thức - người thức tỉnh xã hội

“Phi trí bất hưng”, xưa cũng như nay, thời nào cũng thế! Chúng ta đang phấn đấu đến giữa thế kỷ này trở thành nước phát triển có thu nhập cao, thì vai trò đội ngũ trí thức và liên minh công-nông-trí, từng bước trí thức hóa công nông, càng phải được hết sức coi trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu trí thức, kiều bào tham dự Xuân quê hương 2023. (Ảnh: KHÁNH AN)
Các đại biểu trí thức, kiều bào tham dự Xuân quê hương 2023. (Ảnh: KHÁNH AN)

Cách chúng ta mấy trăm năm trước, từng có những “tượng đài” sừng sững về sự thức tỉnh nhân loại. Đó là Ferdinand Magelland (1480-1521) - nhà thám hiểm và nhà hàng hải người Bồ Đào Nha - người đã thực hiện cuộc hành trình đầu tiên vòng quanh thế giới của loài người. Đó là Giordano Bruno (1548-1600) nhà triết học, nhà toán học người Italia. Ông khẳng định rằng, vũ trụ là vô tận, và do vậy không có thiên thể nào ở “trung tâm”. Hệ mặt trời chỉ là một trong vô vàn các hệ thống của vũ trụ; Trái đất chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ bao la. Vì những lời lẽ “phạm thượng” khi người đương thời cho rằng chống lại sự thống trị về tư tưởng của tôn giáo, Bruno đã bị Tòa án kết án và bị đưa lên giàn hỏa thiêu. Đó là Nguyễn Trãi (1380-1442), Anh hùng dân tộc Việt “làm thơ và đánh giặc”, lòng sáng tựa sao Khuê. Và nhiều tên tuổi lẫy lừng khác.

Ở họ có một điểm chung nhất, một hằng số xuyên lịch sử - đánh thức xã hội, đánh thức nhân loại. Thời nay, thế giới trân trọng gọi họ bằng cái tên chung: Trí thức. Có học giả nói lời dân dã: Ai đánh thức không cho xã hội ngủ, người ấy là trí thức. Muốn làm cho xã hội thức tỉnh, người trí thức phải hội đủ ba yếu tố: có kiến thức, nhiều ý tưởng mới giá trị, và tự nguyện dấn thân.

Từ năm 1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà văn hóa kiệt xuất - trong bức thư gửi lại những người bạn cùng hoạt động ở Pháp, đã nói rõ: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Sau này người khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.184).

Như vậy, nhà trí thức không đồng nghĩa với người có bằng cấp, học vị, mặc dù đó là điều kiện cần thiết. Các nhà trí thức tên tuổi không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn luôn quan tâm, đau đáu trước những vấn đề lớn của cộng đồng, dân tộc, thời đại. Vào những năm 30 thế kỷ 20, từ “trí thức” xuất hiện lần đầu trong cuốn Từ điển Pháp-Việt. Cuốn sách do Đào Duy Anh biên soạn, chữ intellectuel được dịch là “trí thức”. Thời gian như lớp lớp sa bồi gạn lọc và kết tinh những giá trị mới trên cánh đồng văn hóa dân tộc. Trong thế kỷ 20, cánh đồng văn hóa ấy sum suê tên tuổi nhiều trí thức tiêu biểu, có đóng góp lớn cho dân tộc, cho cách mạng: Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Huỳnh Tấn Phát, Tôn Thất Tùng, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Cảnh Toàn, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước... Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn từng viết: “Tư duy và nhân cách quan trọng hơn kiến thức. Người thầy dở là người chỉ đem kiến thức cho học trò, người thầy giỏi là người biết đem đến cho họ cách tự tìm ra kiến thức...”. “Cái chìa khóa” của nhà trí thức là tự học, đúng như người xưa từng nói: “Đại học là cái học để làm người lớn” (Đại học giả đại nhân chi học dã).

Chúng ta đã có cái nền rất quý, nền tảng của văn hiến, trí tuệ dân tộc. Chúng ta cũng đã có những đỉnh cao, thời nào cũng có. Những tên tuổi danh nhân văn hóa lẫy lừng được xem là “tấm hộ chiếu” của dân tộc. Nguồn vốn ấy thật đáng quý biết bao trong thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập. Đây là thời kỳ khoa học công nghệ phát triển vô cùng nhanh chóng, thời kỳ hình thành nên những công dân toàn cầu, bước thêm một bước chân là gặp thế giới, gặp thời đại số, khiến cho nhiều cách làm, phương thức, khái niệm cũ trở nên chậm chạp, chật chội. Hơn bao giờ hết, cần có sự thức tỉnh xã hội. Hơn bao giờ hết, nền kinh tế tri thức đòi hỏi một đội ngũ trí thức xứng đáng, không dung nạp những người cơ hội, thực dụng, lấy bằng cấp làm “áo xống”, làm phương tiện tiến thân, mua phiếu, tranh ghế bằng cách nói dựa ý cấp trên, nương theo số đông, không đấu tranh, không phản biện, như thế là ngụy trí thức.

Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh, tập trung xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn cao. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức. Năm 2023, Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XIII) đã thông qua Nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Nhưng làm sao đây để hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức thật sự hiệu quả? Đó cũng là những vấn đề lớn mà cả thế giới đều đã và đang tiếp tục tìm kiếm. Trước khi cả cỗ máy lớn vận hành thì mọi bộ phận, chi tiết của nó phải phát huy công suất tối đa. Một trí thức là một người có khả năng liên hệ với các ý tưởng và các lý thuyết trừu tượng; một người mà với sự hiểu biết sâu sắc chuyên môn của mình, có thể tạo ra và truyền bá các ý tưởng mới; một người với kiến thức sâu rộng có khả năng làm cho tiếng nói của mình có ảnh hưởng rộng rãi trong công chúng; một người tự tin mà khiêm tốn.

Rất mừng là các nhà khoa học trẻ Việt Nam-thế hệ sinh ra và lớn lên với sự tiếp cận internet cùng các thiết bị số và điện tử-đã kế tục xứng đáng các thế hệ đi trước và có những đóng góp xuất sắc. Mươi năm nay, hàng chục sinh viên trẻ của Việt Nam đã được xướng tên trong các buổi vinh danh những người nổi tiếng thế giới. Ở họ hội đủ các yếu tố: thành thạo ngoại ngữ; có kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc tích cực; hiểu biết văn hóa nước sở tại... Giải thưởng Sinh viên Toàn cầu năm 2021, Top 50 sinh viên được chọn ra từ 3.500 ứng cử viên từ 94 quốc gia, trong số đó, Đồng Ngọc Hà, sinh năm 2002, là sinh viên Việt Nam đã được vinh danh. Hà cũng như nhiều bạn trẻ tu nghiệp ở nước ngoài đều mong muốn về nước để cống hiến.

Viết đến đây tôi chợt nhớ câu chuyện từ gần 80 năm trước. Ngày 18/9/1946, các nhà trí thức Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân và Võ Đình Quỳnh... nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ đã về nước phục vụ Nhà nước Việt Nam non trẻ. Hành trang trở về của Giáo sư Trần Đại Nghĩa là một tấn sách về các loại vũ khí. Ông trở thành Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới. Thành công đầu tiên của ông là chế tạo súng Bazooka, một loại súng chống tăng...

Giờ đây có rất nhiều người trẻ tuổi đang công tác ở các lĩnh vực khác nhau, mong được góp sức mình thúc đẩy một xã hội học tập suốt đời. Xã hội học tập ấy không giống như một ngôi nhà cao tầng, bên trong chứa những giá sách đầy ắp sách vở. Vấn đề là cần có những “máy chủ” và có sự vận hành phát huy tối đa khối tri thức đồ sộ ấy. Phải “bay” nhanh hơn, đừng có “trôi” dềnh dang, chậm chạp.

Những cỗ máy chủ “đánh thức” tương lai, nói to tát là như thế! Nói mộc mạc là, chúng ta đã có cơ nghiệp bước đầu và có vốn để dành cho mai sau. “Phi trí bất hưng”, xưa cũng như nay thời nào cũng thế! Đó là một tất yếu khách quan, là vấn đề căn cơ, đại sự.

Tất yếu khách quan ấy như mỗi mùa xuân đến, trời trong, mây cốm, lộc biếc tươi non. Nghĩa là, sau những ngày đông giá, sau trầm lắng, ngủ vùi, tất cả bỗng bừng thức, tinh khôi ■