Động lực để trở về

Trong bối cảnh tình trạng cạnh tranh "chất xám" đang diễn ra vô cùng gay gắt trên thế giới, các cường quốc liên tục mở ra nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài tới nghiên cứu và làm việc. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế ấy. Bằng những cơ chế, chính sách hấp dẫn, chúng ta "trải thảm đỏ" thúc đẩy đội ngũ trí thức ở nước ngoài về đóng góp và xây dựng quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng trở về cống hiến cho quê hương. (Nguồn: VinBigdata)
Nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng trở về cống hiến cho quê hương. (Nguồn: VinBigdata)

1 "Mọi người thường nói: Các quốc gia phát triển cung cấp môi trường thuận lợi để nghiên cứu y dược. Thế nhưng, các công trình ở những nước này thường tập trung vào các bệnh hiếm hoặc có khả năng đem lại nguồn lợi kinh tế. Ngược lại, những vấn đề về sử dụng kháng sinh không đúng cách, thuốc điều trị dịch bệnh… đặc biệt được chú trọng ở Việt Nam. Đây cũng chính là điều kiện rất tốt để phát triển các dự án nghiên cứu", TS Trương Thanh Tùng - một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, khẳng định.

Từng theo học thạc sĩ tại Hàn Quốc, lấy bằng tiến sĩ ở Đan Mạch và có nhiều năm làm việc, nghiên cứu ở các nước phát triển (như Phần Lan, Anh, Mỹ), TS Tùng vẫn quyết định trở về cống hiến cho quê nhà.

Theo ước tính của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 5,3 triệu đồng bào ra nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc. Trong đó, các cá nhân có trình độ đại học trở lên chiếm hơn 10%, tương đương khoảng 600 nghìn trí thức.

Mỗi năm, ước tính có hàng trăm nghìn lượt doanh nhân về nước tìm kiếm cơ hội, kết nối kinh doanh. Hàng nghìn lượt chuyên gia, trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác giáo dục, giảng dạy, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Tính riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 3.000 doanh nghiệp do đội ngũ trí thức, doanh nhân Việt kiều đầu tư với số vốn đăng ký hơn 45.000 tỷ đồng.

2 Tương tự TS Tùng, TS Lê Thị Phương từng có 10 năm làm việc và nghiên cứu tại Hàn Quốc. Cô sở hữu hai bằng độc quyền sáng chế quốc tế, ba bằng độc quyền sáng chế quốc gia cùng 27 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới. Những thành tích trên giúp TS Phương nhận Giải Nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu nổi bật của Hiệp hội vật liệu sinh học Hàn Quốc năm 2021. Năm 2022, cô cũng vinh dự nhận Giải Quả cầu vàng do Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn trao tặng.

Theo chia sẻ của PGS, TS Trần Ngọc Quyển, Viện trưởng Khoa học Vật liệu ứng dụng, dù có sự nghiệp rộng mở và mức đãi ngộ rất tốt tại Hàn Quốc, TS Phương vẫn nhận lời mời của ông để quay về Việt Nam. Quyết định từ chối cơ hội làm việc ở các nước phát triển không chỉ là để hiện thực hóa ước mơ cống hiến và phụng sự cho nước nhà, mà còn có cả khát khao tự làm chủ hướng nghiên cứu riêng, cũng như truyền ngọn lửa đam mê khoa học đến những bạn trẻ trong nước.

3 "Thực tế, cuộc sống ở Việt Nam mặt bằng chung không thể bằng các quốc gia phát triển. Song, điều kiện thu nhập dành cho các nhà khoa học từ nước ngoài về đủ cao để bảo đảm cuộc sống tốt", TS Tùng nhận định.

Khi mới về nước, không dễ để nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành và các quỹ nghiên cứu, do tên tuổi bản thân chưa được biết đến rộng rãi. Phải sau một thời gian, nhiều tổ chức mới sẵn sàng đầu tư cho các nghiên cứu của anh. Ngoài ra, khó khăn cũng đến từ việc hệ thống trang thiết bị trong nước còn hạn chế so thế giới. Dẫu vậy, những nhà khoa học trẻ như TS Tùng đều coi đây là điều kiện để dấn thân, tiên phong và vươn tới thành công.

Tại Hội thảo Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước, GS, TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: Thành phố có hơn 400 chuyên gia về làm việc dài hạn và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, bệnh viện, khu công nghệ cao...

Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để đánh giá đúng tiềm lực và vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, nhằm đưa ra những cơ chế khuyến khích tương ứng. Các chính sách thu hút nhân tài được xây dựng như giảm thuế thu nhập, nhà ở, mức lương cao được xem là vô cùng hấp dẫn. Song, những điểm mấu chốt như "về làm gì, do ai quản lý, mô hình hoạt động như thế nào?" cũng chưa được đề cập rõ ràng.

Các nhà khoa học kiến nghị, Chính phủ cần lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, tạo "đột phá khẩu" thu hút người tài mang dòng máu Việt ở nước ngoài trở về cống hiến cho Tổ quốc, đông đảo và hùng hậu hơn nữa.