Lượng hóa kết quả và cá thể hóa trách nhiệm để "đo", sắp xếp cán bộ

Vĩnh Phúc xác định, đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định trước hết của toàn bộ công tác cán bộ. Từ năm 2021, Vĩnh Phúc thực hiện thí điểm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu và lấy kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao làm cơ sở đánh giá cán bộ. Đây là việc làm mới, khó!
0:00 / 0:00
0:00
Đổi mới chính sách cán bộ giúp tháo gỡ những nút thắt trong phát triển đô thị góp phần tạo nên sắc diện mới cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Đổi mới chính sách cán bộ giúp tháo gỡ những nút thắt trong phát triển đô thị góp phần tạo nên sắc diện mới cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Đột phá từ đổi mới phương thức đánh giá cán bộ

Để tiếp tục đổi mới và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển mới, Vĩnh Phúc xác định phải đột phá và nắm chắc khâu quyết định chất lượng cán bộ. Thấu triệt Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8/3/2018, của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quy định số 371-QĐ/TU, ngày 22/9/2021, về giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm theo chức trách, nhiệm vụ, theo phương châm "đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành", đối với người đứng đầu của bốn nhóm cơ quan, đơn vị.

Theo đó, cán bộ trong diện thực hiện giao nhiệm vụ đăng ký chỉ tiêu, nhiệm vụ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Để tránh tình trạng cán bộ đăng ký việc dễ, bỏ việc khó hoặc Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao việc quá khó, không có khả năng thực hiện cho cán bộ, theo đề xuất của các cơ quan tham mưu (Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh), Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để điều chỉnh, bổ sung và chính thức giao nhiệm vụ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá và đề xuất xếp loại cán bộ. Định kỳ hằng quý, cán bộ được giao chỉ tiêu nhiệm vụ báo cáo kết quả thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi và kịp thời chỉ đạo đối với những vướng mắc phát sinh.

Căn cứ báo cáo kết quả và tự đánh giá mức độ của các cá nhân, Hội đồng Tư vấn thẩm định, tổ chức đánh giá, đề xuất mức độ theo các tiêu chí định lượng đã được quy định tại Quy định số 371. Trên cơ sở điểm chấm và đề xuất của Hội đồng Tư vấn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định mức xếp loại cán bộ. Kết quả đánh giá là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại cá nhân trong năm.

Lựa việc mới, khó, trọng điểm để giao nhiệm vụ

Việc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao cụ thể đã giải quyết dứt điểm tình trạng không rõ việc, không rõ người, không rõ quyền lực với trách nhiệm và nhiều vấn đề nổi cộm, vốn tồn tại qua nhiều năm. Cũng từ đó, trách nhiệm của cán bộ được nâng lên rõ rệt, nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt được đề xuất.

Trên lĩnh vực giao thông: Chỉ sau 11 tháng năm 2023, đề án "Tăng cường nâng cao chất lượng công trình và tiết kiệm chi phí trong đầu tư các dự án giao thông trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được hoàn thành, tiết kiệm được 116 tỷ đồng (bằng 8,19% tổng giá trị trình thẩm định là 1.415 tỷ đồng).

Trên lĩnh vực nông nghiệp: Qua giao nhiệm vụ, hoàn tất việc quản lý, sử dụng 160 ha diện tích đất rừng (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên), chấm dứt tình trạng lãng phí qua nhiều năm không được khai thác, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế, từ đây, tiếp tục điều tra, rà soát, đánh giá tổng thể và khai thác tổng hợp các vùng đất khác.

Ở lĩnh vực thu hút đầu tư: Theo trách nhiệm và công việc, chịu trách nhiệm từ phổ biến chủ trương, tổ chức lựa chọn và chấp thuận nhà đầu tư tới hướng dẫn về quy trình và đưa dự án vào vận hành… Nhờ đó, chỉ trong hai năm, thu hút gấp hơn hai lần về tổng vốn đầu tư so với năm 2020.

Trong lĩnh vực quản lý đô thị: Suốt 20 năm qua, việc triển khai nhiều dự án đô thị, thương mại luôn chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Nay, các Dự án Khu đô thị nhà ở du lịch sinh thái Âu Cơ (260 ha), Khu nhà ở Hoàng Vương (14,42 ha), Khu đô thị mới Núi Bầu-Khu vực 2 (29,3 ha)… được hoàn tất, thu hồi đất sạch sau nhiều năm "đóng băng", tạo quỹ thu hút các dự án mới.

Trên lĩnh vực văn hóa: Lựa chọn và đột phá xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" mở đầu phát triển văn hóa từ cơ sở. Đây là quyết định mới và chưa có tiền lệ. Hiện nay, tất cả các Làng văn hóa kiểu mẫu được đầu tư cơ bản, từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa-thể thao cộng đồng gắn với hoàn tất quy hoạch điểm dân cư… Nhân dân ủng hộ và cùng làm, tự nguyện góp giá trị hơn 35 tỷ đồng. Thành quả lớn nhất là trực tiếp phát triển thế trận lòng dân ngay từ bản, làng, toàn dân đoàn kết…

Dù có nhiều nỗ lực trong nhiều năm, song việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển Đảng trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn không thành công. Từ năm 2021 đến nay, nhờ đột phá trong công tác cán bộ, Vĩnh Phúc đã thành lập mới được chín tổ chức đảng trong doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nâng tổng số lên 11 tổ chức đảng, với 420 đảng viên, kết nạp 111 người vào Đảng ở 28 doanh nghiệp FDI; thành lập mới 60 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tăng gấp 3,5 lần so với cả nhiệm kỳ thứ XVI. Huyện Tam Đảo thành lập chín tổ chức đảng ở ba doanh nghiệp tư nhân và sáu hợp tác xã…

Đúc kết từ thực tiễn

Thực tiễn đã chứng minh tính đúng đắn, cấp thiết trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Những điểm nổi bật trong đổi mới phương thức đánh giá cán bộ gồm:

Thứ nhất là, việc tự tìm người, người tự nguyện nhận việc trước khi được giao.

Theo chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm từng chức danh, trên từng lĩnh vực, công việc được tự phân định và định lượng cụ thể, làm căn cứ để định vị và giao trách nhiệm rõ ràng cho mỗi người. Mỗi người tự giác chấp hành sự phân việc theo thẩm quyền và trách nhiệm, giúp khắc phục tình trạng phân việc không rõ ràng hoặc chồng chéo về thẩm quyền hoặc bất cập về trách nhiệm giữa công việc với thẩm quyền theo chức danh.

Thứ hai là, lấy sự phát triển của cơ quan, đơn vị làm thước đo năng lực cán bộ, lấy sự hài lòng của nhân dân là thước đo công việc được giao.

Đây là chỉ báo chân xác và minh bạch nhất về năng lực cán bộ được giao việc. Đồng thời, cán bộ cũng được chủ động, sáng tạo thực thi công vụ, không thể thoái thác, lảng tránh hoặc tắc trách.

Thứ ba là, chủ động hỗ trợ mọi điều kiện thực thi đối với cán bộ được giao việc.

Trên cơ sở giao việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cân nhắc và hỗ trợ tốt nhất có thể việc được giao để cán bộ được giao việc hoàn thành nhiệm vụ. Điều kiện cần và đủ để cán bộ thực thi nhiệm vụ rất quan trọng, khắc phục và chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy hoặc "khoán trắng", nhất là những việc mới, việc khó, việc cấp bách.

Thứ tư là, chủ động kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo bảo đảm phù hợp. Qua từng thời gian, chủ động sơ kết, tổng kết và kịp thời rút kinh nghiệm. Các cấp, các ngành chủ động đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không trông chờ hoặc ỷ lại.

Cả hệ thống chính trị các cấp của Vĩnh Phúc được vận hành theo những tiêu chí đo lường, được góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu "Mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh".