Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 42 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, đến năm 2030, tuổi thọ trung bình người dân khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm cao trong khu vực.
Áp lực già hóa dân số
TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết: Theo báo cáo phát triển con người, chỉ số HDI của Việt Nam tăng đều qua các năm và đạt 0,704 điểm, đứng thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2019.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tính từ lúc sinh ra đạt 73,7 tuổi (năm 2020) và cao hơn so với trung bình chung của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, năm 2021 tuổi thọ trung bình người Việt đã giảm nhẹ xuống còn 73,6 tuổi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức. Về cơ hội, già hóa dân số có thể thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dinh dưỡng, du lịch, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc quản lý trong bối cảnh thiếu lực lượng lao động.
Song cũng đặt ra các thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, có 73% số người già Việt Nam không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái; 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định.
Các chuyên gia nhìn nhận, người dân nước ta có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều.
Dẫn chứng điều này, PGS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Trường đại học Y Hà Nội cho biết, khoảng 22% số người cao tuổi phải nằm viện trong vòng một năm qua. Số lần điều trị nội trú trung bình là 2,3 lần/năm. Chi phí điều trị mỗi năm dành cho người cao tuổi cao gấp 8-10 lần người trẻ.
Phát huy được vai trò của người cao tuổi
Là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, Việt Nam đứng trước đòi hỏi cấp bách về sự thay đổi trong chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam khuyến nghị, với số người già có bệnh mạn tính chiếm tỷ lệ cao, chúng ta cần phải đào tạo đội ngũ điều dưỡng viên và đội ngũ nhân lực làm công tác xã hội làm việc ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi.
Cùng đó, môi trường sống và thể chất của người cao tuổi cần được quan tâm nhiều hơn.
Theo chuyên gia của Bệnh viện Lão khoa trung ương, cần phải có các biện pháp bảo vệ sức khỏe người cao tuổi ngay từ giai đoạn phòng bệnh cũng như đang điều trị bệnh.
Tham khảo từ kinh nghiệm quốc tế, GS Naoki Kondo, Trưởng khoa Dịch tễ học xã hội, Trường Y tế công cộng, Đại học Kyoto, Nhật Bản chia sẻ thêm: Việt Nam nên tái cấu trúc hệ thống y tế, chăm sóc lão khoa, xây dựng và quản trị cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Đồng thời xây dựng các chế độ chính sách an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng và việc phát huy vai trò, chăm sóc người cao tuổi. Đơn cử, Nhật Bản thành lập "quán" cộng đồng tại các địa phương, tức là nơi người già có thể tụ tập, giao lưu, tương tác, từ đó ngăn ngừa khuyết tật chức năng ở nhóm này. Mô hình được đánh giá có thể làm giảm 50% tỷ lệ người cần chăm sóc điều dưỡng.
Thiết nghĩ, sức khỏe và nhu cầu chăm sóc của người cao tuổi không đồng nhất mà có sự khác biệt lớn về độ tuổi, giới tính, khu vực sống và dân tộc. Tất cả những vấn đề này đòi hỏi phải có những kế hoạch, chính sách và chương trình thích ứng với già hóa dân số nói chung và đáp ứng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi nói riêng.