Ở độ cao khoảng 1.200 m so mực nước biển, Măng Đen thường được gọi là “Đà Lạt thu nhỏ” của Tây Nguyên. Hàng nghìn ha thông xen với rừng già tự nhiên khiến nơi đây mơn mởn sắc xanh, còn mỗi tinh mơ hay chiều buông lại lãng đãng sương mù. Tôi tò mò hỏi một người bạn Kon Tum về tên gọi Măng Đen và được giải thích đó là cách gọi “Kinh hóa” của địa danh “T’Măng Deeng” theo tiếng Mơ Nâm, một tộc người thiểu số. “T’Măng” nghĩa là nơi ở, “Deeng” là rộng lớn, bằng phẳng. Với đặc thù địa hình và lịch sử, vùng này có nhiều bản làng của các dân tộc Mơ Nâm, Xê Đăng, Ka Dong, Hrê… cư trú lâu đời với bản sắc văn hóa độc đáo nhưng vì không có nhiều thời gian nên chúng tôi hẹn sẽ trở lại khám phá lần sau.
Vẻ đẹp thiên nhiên của Măng Đen là những con đường dù là đường nhựa mới hay đường đất nhỏ, cũng đều xuyên qua hai hàng thông xanh ngắt, thoảng mùi nhựa thơm nồng. Ven đường, bãi cỏ lạc nở “hoa vàng trên cỏ xanh” rực rỡ trong nắng. Trên đường đôi lúc sẽ bắt gặp những biệt thự xây theo kiến trúc Pháp, có căn còn đang xây dở, có căn lại trông như bỏ hoang đã lâu, âm u huyền bí giữa rừng.
Măng Đen cũng nổi tiếng với “7 hồ, 3 thác”, mà chúng tôi đã kịp ghé thác Pa Sỹ và hồ Toong Đam. Thác Pa Sỹ hình thành từ hai con suối lớn, đổ xuống từ độ cao hơn chục mét tạo thành bọt nước mát lạnh cả không gian bao quanh. Hồ Toong Đam thì xinh đẹp như tấm gương khổng lồ phản chiếu mây trời, cây lá. Dừng chân tại một chòi nghỉ bằng tre, gỗ mộc mạc ven bờ, nhâm nhi ly cà-phê bản địa đậm đà giữa khung cảnh hoang sơ và thơ mộng, thật không khó hiểu tại sao mảnh đất này dù xa xôi nhưng vẫn “hớp hồn” bao du khách.
Quanh Măng Đen còn có một số trang trại thú vị đáng xem, nơi trồng nhiều giống rau trái, hoa thơm cỏ lạ xứ lạnh. Tôi không mong Măng Đen trở thành “Đà Lạt thứ hai”, chỉ ước rằng du lịch vùng này dù có phát triển cũng vẫn giữ được mầu xanh cùng những giá trị nguyên bản, đáng quý của mình.