Lo khi mùa mưa đến

Sau mấy trận mưa to, đi trên đường làng, ngõ xóm quê tôi rất dễ bắt gặp cảnh những ngôi nhà còn khá mới, nền gạch còn đẹp nhưng gia chủ vẫn phải lấp cát để tôn cao nền nhà, nền sân.
0:00 / 0:00
0:00

Trước đó, cho dù khi xây dựng, chủ nhà đã tính toán làm cao hơn hẳn mặt đường đến mấy chục phân nhưng giờ đây nền sân, nền nhà vẫn bị thấp hơn hoặc xấp xỉ mặt đường. Mỗi khi trời đổ mưa thì ai nấy đều đôn đáo lo che chắn cho nước bẩn khỏi tràn vào nhà và kê cao đồ đạc chống ngập, còn xe cộ lưu thông trên đường thì mau chóng né ngay khỏi những “điểm đen” nếu không muốn bì bõm dắt bộ lội nước hay tốn tiền sửa xe. “Sóng” tạo ra từ những chiếc ô-tô, xe máy phóng nhanh trên đường khiến những người tham gia giao thông và những ngôi nhà ven đường được phen khiếp vía.

Đa số những con đường ở nông thôn được bê-tông hóa từ hàng chục năm trước, giờ sau nhiều năm sử dụng đã sụt lún hoặc xuất hiện ổ voi ổ gà, chính quyền địa phương phối hợp người dân cải tạo lại bằng cách đổ thêm bê-tông để con đường trở nên cao ráo. Điều này giúp đường sá khang trang nhưng cũng khiến nhiều nền nhà dân trở nên thấp hơn mặt đường làng, đường ngõ. Những cống rãnh thoát nước trước đây vốn nhỏ bé và cũ kỹ giờ không được sửa sang nâng cấp, lại nằm sâu thêm dưới những lớp bê-tông nên mỗi khi trời mưa vẫn tiếp tục tắc nghẽn gây ngập úng những chỗ thấp, rất mất vệ sinh. Ao hồ vốn là chỗ chứa nước ngày trước, giờ hầu như đã bị lấp hết.

Để tránh nước ngập, các gia đình lại đua nhau nâng cao nền nhà, sân vườn… Vài gia đình khá giả đã xây lên những ngôi nhà có mặt nền phù hợp mặt đường mới, nhưng đại đa số các gia đình không có điều kiện đành phải chịu ngập úng hoặc dành dụm nâng cao nền nhà.

Việc nâng nền cũng gây ra nhiều vấn đề nan giải không dễ giải quyết như hệ thống cửa cần phải sửa chữa, thay thế, cầu thang bị mất dáng vẻ đã thiết kế, tủ bếp đã lắp đặt không mở được cửa bên dưới, thậm chí nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước trong nhà cũng gặp vấn đề. Xử lý được việc này các gia đình cũng phải chuẩn bị một món tiền kha khá…

Đây là thách thức không nhỏ với chính quyền địa phương bởi nước thì luôn chảy chỗ trũng, một khi không có những chiến lược xây dựng bài bản thì cái vòng luẩn quẩn cứ như vậy tiếp diễn. Những chỗ đường ngập thì dân hô hào nhau góp tiền, xin kinh phí hỗ trợ từ chính quyền “sửa” bằng cách nâng cao đường. Khi đường cao hơn nhà thì nước lại vào nhà, lúc đó thì lại nâng cao nền nhà. Cứ thế chẳng biết “cuộc đua” này đến khi nào mới đến hồi kết…