Làng cũng không thoát nóng

Nói vậy tưởng thừa, bởi đã nắng nóng, đã bước vào hè oi ả thì phố hay làng, vùng biển hay vùng núi cũng làm sao mà tránh được.
0:00 / 0:00
0:00

Nhưng có điều đáng suy nghĩ là lâu nay, người ta vẫn quen nghĩ về nông thôn như một chốn thanh bình, yên ả, mát mẻ với hương đồng gió nội, không khí thanh sạch, không phải chịu cảnh chen chúc, ngột ngạt, ô nhiễm khói bụi như ở phố phường. Thế nên nhiều khi đang hè mà ở trong đô thị nhễ nhại, về đến quê nhà, ra đến ngoại thành một cái là nhiệt độ vơi đi phần nào, người dễ chịu hẳn.

Nhưng bây giờ, thử vòng về nhiều làng quê mà xem, nóng lên một cái là chật vật ngay! Đấy là bởi mật độ xây dựng đã dày lên, nhà cửa bê-tông hóa, kính hóa, đá hóa san sát không khác khu tập thể hay các mặt đường phố mới. Các vườn nhà thu hẹp dần. Các “công trường nông thôn” khiến không gian thêm chật chội, không khí thêm ngột ngạt.

Đáng lo hơn là tình trạng ô nhiễm sông ngòi, ao hồ ở không ít khu vực nông thôn; cùng với việc chậm xử lý rác, rác thải ùn ứ lâu ở các bãi tập trung; rồi sự thu hẹp của mặt nước ao hồ làng quê. Những điều này là tác nhân khiến môi trường, không khí các làng quê sở tại không được trong lành như trước, thêm ô nhiễm, thêm ngột ngạt. Và như thế, thì đúng là làng quê cũng không thoát nóng, không bớt được oi ả dù bây giờ mới vào đầu hè, dự báo thời tiết còn nhiều biểu hiện cực đoan.

Cho nên ngẫm từ thực tế đầy thách thức này ở làng quê, là để gợi ý đến các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong việc nghiên cứu, triển khai các phương án “làm mát” trong xu thế đô thị hóa nông thôn cấp tập hiện nay. Đó là việc ngăn chặn nguy cơ san lấp, lấn chiếm sông ngòi, ao hồ; và đương nhiên là phải cải tạo, giữ sạch nguồn nước, chứ để bẩn thì chả khác nào nuôi giữ nguồn tác nhân gây ô nhiễm, tăng nhiệt độ trên địa bàn. Đó là giữ gìn, phát triển các vùng cây xanh, không gian sinh thái ở làng quê để làm mát, phục vụ lợi ích cộng đồng. Đó còn là việc giám sát, chấn chỉnh việc xây dựng nhằm bảo đảm thưa thoáng về mật độ, hạn chế về chiều cao; đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các mẫu nhà, thiết kế nhà “kiến trúc xanh”, các nguyên vật liệu thân thiện môi trường đến bà con, khuyến khích người dân sử dụng để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xấu đến bầu không khí chung của làng quê.

Không nên để đến khi đã phố hóa chật chội hết rồi thì việc sửa chữa, tạo dựng lại sẽ tốn công của, mất thời gian vô cùng.