Làm sao để khỏi “thấp tốc” mãi

Nhiều người trở về thành phố sau mấy ngày nghỉ lễ đi chơi xa, kêu ầm lên về tắc đường, ùn ứ ở các cửa ngõ đô thị.
0:00 / 0:00
0:00

Khổ nỗi, đây đã là cảnh thường thấy vào mỗi dịp nghỉ, chẳng riêng đợt nghỉ lễ dài, mà có khi cả những dịp cuối tuần, chiều Chủ nhật khi nhiều xe cùng dồn về trên những đoạn đường cao tốc, đường mới mở hay đường cải tạo, chỉnh trang tưởng chừng đã rất rộng rãi. Có những người tính toán về sớm hơn, về trước hẳn một ngày, nhưng hóa ra lại cũng nhiều người cùng tính như vậy, nên vẫn cứ tắc, vẫn ùn ứ.

Đường thì có hạn, mà người, xe thì đông quá, lại dồn nén vào những thời điểm đặc thù như đầu và cuối những ngày nghỉ, dịp nghỉ lễ thì biết làm thế nào? Không thể bảo người ta… đừng đi nữa, để dành lúc vắng hẵng hay. Cũng không dễ điều chỉnh cho người ta chọn đường khác khi đâu đâu cũng ùn ứ; hoặc định đi phía này mà phải vòng hướng khác xa thêm hàng chục, mấy chục cây số thì cũng chết tiền xăng. Chương trình như VOV giao thông tỏ ra hiệu quả khi cập nhật tình hình, cảnh báo người lái xe về thực tế mật độ giao thông nơi này nơi kia. Cần lắm chứ! Nhưng vẫn phải nghĩ tiếp những cách gì cho các nút giao thông, các cửa ngõ vào thành phố để giải quyết được tận gốc hơn tình cảnh ùn ứ đã kéo dài nhiều năm nay rồi!

Quan sát bằng mắt thường cũng dễ nhận ra, những khu vực nào từ phía ngoài đi vào nội thành mà có nhiều đường nhánh, nhiều “lối thoát” thì xe cộ dễ tản đi nhanh hơn, bớt gây ra ùn ứ cả đoạn dài trước đó. Rồi những đoạn có đường rẽ từ đường cao tốc xuống đường ở dưới, nếu sớm gặp các ngã ba, ngã tư, thể nào cũng bị ùn ứ cả ở đường trên lẫn đường dưới do các luồng xe cùng tập kết về một khu vực. Trong khi hệ thống đèn đường ở các khu vực này vốn đã bị phàn nàn nhiều về việc phân bố thời gian không hợp lý. Có đèn lâu đến hàng hai phút, có đèn chỉ mấy chục, thậm chí mười mấy giây, cả chuỗi xe dài chỉ nhích được đoạn ngắn đã dừng lại. Thế rồi, theo đường cao tốc, vẫn còn đó hệ thống đường quốc lộ, đường liên tỉnh, liên huyện quy mô nhỏ hơn nhưng nếu được sửa sang, kết nối tốt, thì vẫn giúp “chia sẻ” bớt lượng xe đông đúc đang dồn về khu vực nội thành.

Tất nhiên là phải nghiên cứu tiếp, dù biết rằng nan giải. Xây dựng, sửa sang, kết nối các tuyến đường là cả những dự án tốn kém công của, thời gian chứ đâu phải thử nghiệm phân luồng ô-tô, xe máy trên đường, có thể lắp dựng dải phân cách được ngay. Nhưng vẫn cứ cần nghiên cứu, suy ngẫm và thử nghiệm các phương án. Chứ chẳng lẽ cứ để mãi tình trạng gọi là đường cao tốc mà có những đoạn đầu mối, nút giao lại trở thành “thấp tốc” đến hàng bao năm, bao nhiêu con người cùng chịu đựng!