Năm 2019, ông Phạm Văn Tiến (59 tuổi), chủ cơ sở sản xuất “Dầu lạc Tiến Thuấn” ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định), đã bắt đầu kinh doanh với nghề ép dầu lạc.
Ban đầu, ông thu mua lạc từ những người dân trong vùng và tiến hành ép dầu lạc hoàn toàn thủ công từ công đoạn rang lạc cho đến ép dầu. Thời gian sau, khi có nguồn đầu ra tương đối cùng với mong muốn nâng cao chất lượng và sản lượng, ông Tiến đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
Tại cơ sở sản xuất của ông Tiến, quy trình làm dầu lạc gồm 5 giai đoạn: tách hạt, sơ chế, tách dầu, lọc dầu và đóng chai. Đầu tiên, lạc tươi sẽ được đưa vào máy bóc vỏ lạc giúp tách phần hạt ra khỏi vỏ. Tuy nhiên để bảo đảm chất lượng dầu lạc tốt nhất, ông Tiến vẫn cho người nhặt lại bằng tay loại bỏ những mảnh vỏ còn sót lại, những hạt hỏng và mốc. Tiếp đến, lạc được đưa vào máy rang với nhiệt độ và thời gian phù hợp giúp lạc chín đều, tạo ra mùi thơm dễ chịu. “Quá trình rang này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp hương vị của dầu lạc sau này”, ông Tiến cho biết. Sau khi lạc rang xong sẽ cho vào máy nghiền để làm vỡ hạt lạc và cuối cùng được đưa vào máy ép dầu. “Dùng máy ép dầu sẽ giúp tăng hiệu suất ép và giảm tỷ lệ dầu thất thoát, nhàn hơn nhiều so với ép thủ công”, ông Tiến nói thêm.
Ông Phạm Văn Tiến, chủ cơ sở sản xuất dầu lạc Tiến Thuấn. |
Việc sử dụng máy rang lạc, máy nghiền, máy ép dầu,... trong quy trình làm dầu lạc không chỉ làm tăng sản lượng mà còn cải thiện chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm. “Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi nhiều thời gian để điều chỉnh và làm quen với thiết bị mới. Nhưng kết quả đạt được là hoàn toàn xứng đáng giúp chất lượng dầu lạc ổn định và đáp ứng được nhu cầu nhiều hơn của người dân”, ông Tiến chia sẻ.
Mỗi năm, cơ sở sản xuất dầu lạc Tiến Thuấn tiêu thụ khoảng 60 tấn lạc cho bà con nông dân địa phương. Với khoảng 1,8 đến 2kg lạc tươi sẽ cho ra được 1 lít dầu, giá 1 lít dầu sẽ dao động từ 90 đến120 nghìn đồng tùy vào mùa vụ.
Để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dầu lạc cho người tiêu dùng, ông Tiến cho biết khâu bảo quản lạc rất quan trọng. “Hạt lạc phải được phơi cho thật khô sau đó mới tiến hành bỏ vào bảo quản. Vì có như vậy hạt lạc mới để được lâu và không bị mốc, ảnh hưởng đến chất lượng dầu”, ông Tiến nói. Tuy nhiên, vào những năm lạc mất mùa thì doanh thu và số lượng cung cấp cho ra thị trường ít hơn.
Hoạt động kinh doanh dầu lạc của ông Tiến không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thời gian đầu, khi dầu lạc chưa được phổ biến, ông Tiến chỉ bán được cho những người dân trong vùng. Thời gian gần đây, khi ông Tiến tìm hiểu các phương thức bán hàng mới thì dầu lạc không chỉ được bán trong tỉnh mà còn được khách hàng của các tỉnh khác tìm mua và sử dụng.
Từ những thành công ban đầu, ông Tiến đã lên kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ trong tương lai gần. Ông Tiến mong muốn có thể đẩy mạnh việc bán hàng online cũng như tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Với phương châm “Tập trung vào dầu lạc sạch, chất lượng và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”, cơ sở sản xuất dầu lạc Tiến Thuấn đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Ông Tiến vui vẻ chia sẻ: “Thời gian được chứng nhận OCOP mất khoảng 3 đến 4 tháng, từ khi chúng tôi có sản phẩm dầu lạc mang đi đánh giá cho đến khi công bố chất lượng, làm hồ sơ. Đạt từ 50 điểm trở lên thì được OCOP 3 sao, lúc ấy chúng tôi vui lắm vì sản phẩm của mình được công nhận.”
Khi được hỏi về kế hoạch mở rộng quy mô và đa dạng hóa thêm sản phẩm ông Tiến cho biết trước mắt ông muốn tập trung vào chất lượng để người dân được sử dụng những sản phẩm tốt nhất. Trong tương lai, cơ sở sẽ đầu tư thêm những trang thiết bị mới cũng như mở rộng quy mô để phát triển dầu lạc thành sản phẩm OCOP 4 sao.
So các loại dầu khác, dầu lạc ép nguyên chất có nhiều lợi ích với sức khỏe con người. Với phương pháp ép dầu lạc từ lạc rang sơ sẽ giúp dầu có mùi thơm hơn và giữ nguyên được dinh dưỡng trong tinh dầu của hạt lạc. Bên cạnh đó, dầu lạc còn mang lại những lợi ích như tốt cho sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa ung thư, giảm nồng độ cholesterol, hỗ trợ giảm đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường,...
Sản phẩm dầu lạc của huyện Vụ Bản không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho những hộ gia đình như ông Tiến mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch và an toàn của người dân. Qua đó, nâng cao giá trị nông sản từ một cây trồng nông nghiệp bình thường thành một sản phẩm chất lượng góp phần phát triển kinh tế của địa phương.