Lại nhớ hội xưa

Sớm nay khi bầy chim chào mào đỏm dáng và lắm điều lảnh lót những âm thanh rộn rã trên tán lá xanh non mỡ màng bên vườn chùa, tôi thấy mùa hè đã chớm ở đâu đây. Những cơn gió nồm nam có chân chạy trên cánh đồng lúa xanh đã bắt đầu đến mang theo hơi nước man mát quyện vào mùi hương lúa đang thì con gái.
0:00 / 0:00
0:00

Hồi bé, tôi hay chờ những cơn mưa rào đầu mùa có sấm động ì ùng trong hơi gió mát rượi ấy như chờ một nghi lễ vào mùa. Thực ra, phải sang tháng 4 âm lịch thì mùa hè mới sang, nhưng tôi ngóng những cơn mưa ấy vì đó luôn là những cơn mưa “rửa núi” và cũng thật lạ kỳ, bao giờ cũng có một cơn mưa rào như thế trước ngày hội mùng 6 tháng 3 (âm lịch). Sau trận mưa, trời sẽ nắng đẹp, chấm dứt những ngày mưa xuân ẩm ướt. Trời làm ra trận mưa rào “rửa núi”, trôi hết bụi bẩn để cho chúng tôi trẩy hội chùa Thầy, chùa Tây Phương.

Tháng 3 về, tôi nhớ những thời khắc mình nằm trên giường tre nghe mẹ đọc bài đồng dao quen thuộc, nghe đến thuộc làu trước khi thuộc mặt con chữ: “Bao giờ cho đến tháng Ba/Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng/Hùm nằm cho lợn liếm lông/Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi/Nắm xôi nuốt trẻ lên mười/Con gà be rượu nuốt người lao đao/Lươn nằm cho chúm bò vào/Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô/Lúa mạ nhảy lên ăn bò/Cỏ năn cỏ lác rình mò bắt trâu…”.

Những giấc ngủ thường đến rất nhanh sau những câu hỏi chập chờn: “Sắp đến hội chưa mẹ, năm nay các anh chị có về đi hội không, nhà mình có làm Tết không mẹ?” của tôi mà chẳng mấy khi để tâm đến những sự ngược đời của bài đồng dao quen thuộc. Trong trí nhớ của tôi thì hình như mẹ tôi không bao giờ đi hội, dù cho chùa Tây Phương hay chùa Thầy cách nhà cũng chẳng bao xa. Những năm tháng còn trẻ, mẹ còn mải chạy chợ nuôi gia đình, khi các con nô nức đi hội thì mẹ ở nhà làm cỗ thắp hương cúng cụ, để đi chơi mệt về chúng tôi còn có những món ngon lành đợi sẵn. Luôn là như vậy, sẽ có món bánh trôi, bánh chay cho ngày Tết tháng ba. Quê tôi có tục lệ như thế, dù khó khăn hay thiếu thốn thì những ngày làng quê mở hội thường nhà ai cũng nghỉ việc để xay gạo làm bánh, thịt gà đồ xôi bày cỗ, dành những món ngon lành nhất cho dịp ấy để dâng cúng tổ tiên. Và cùng nhau chờ đợi người đi xa trở về nhà sau tháng ngày xa cách…

Những năm sau này mẹ tôi cũng có vài lần “đi hội”, nhưng là đi trước hội vài ngày cho bớt phải chen chúc. Đấy là những năm tháng mẹ còn khỏe và con cái đã đi xa hết, ngày hội ít có đứa trở về ăn những món ăn mẹ nấu. Mẹ thanh nhàn rồi nên cùng các già vãi trong chùa làng đi lên chùa Tây Phương lễ Phật, nên thể ngắm xem thiên hạ đi hội đông vui thế nào. Mẹ tắm gội sạch sẽ, vấn khăn nhung, đeo tràng hạt mầu nâu, mặc áo dài nâu và đội nón lá giống y như những già vãi khác trong làng. Lũ trẻ nhà tôi hò reo nhận ra dáng người quen thuộc khi đi lễ về bà ghé qua nhà cho lộc chùa và mấy thứ đồ chơi chúng thích.

Lễ hội năm nay đông nườm nượp mà tôi vẫn thấy trống trải làm sao khi mình không thể hỏi câu “năm nay nhà mình có làm Tết không mẹ?”. Những thứ ấy bây giờ chỉ lấp lánh trong tôi như những viên sỏi rực lên dưới ánh mặt trời của dòng chảy ký ức.